Bài 1: Hoàn cảnh ra đời Hiệp ước Lisbon
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:03, 02/07/2016
Hiệp ước Maastricht, hiệp ước thành lập EU
Liên minh châu Âu (EU) là một liên minh kinh tế chính trị bao gồm 28 nước thành viên thuộc châu Âu (sẽ chỉ còn 27 nước sau khi Anh thực hiện xong các đàm phán rời EU).
Tiền thân của EU là Cộng đồng Than thép châu Âu (ECSC), một tổ chức hợp tác kinh tế giữa Pháp, Tây Đức, Bỉ, Ý và Luxembourg theo Hiệp ước Paris 1951.
Đến năm 1967, một tổ chức mới mang tên Cộng đồng châu Âu (European Communities - EC) được thành lập dựa trên hiệp ước ký vào năm 1967 hợp nhất ECSC với Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom, thành lập năm 1957) và Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC, 1957).
Từ năm 1967 đến năm 1992, ngoài 6 thành viên sáng lập ECSC, EC đã kết nạp thêm Đan Mạch, Ireland và Anh (1973), Hy Lạp (1981), Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (1986), nâng tổng số thành viên lên thành 12 nước.
Đến tháng 2.1992, 12 nước thành viên này đã ký vào Hiệp ước Maastricht, hay còn gọi là Hiệp ước về Liên minh châu Âu (Treaty on European Union). Kể từ lúc này, tên gọi Liên minh châu Âu (European Union - EU) chính thức xuất hiện.
Hiệp ước Maastricht chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.1993. Hiệp ước này đã dẫn tới việc lập ra đồng tiền chung euro và lập ra ba trụ cột chính của EU (liên kết kinh tế, ngoại giao và an ninh chung, đối nội và tư pháp).
Hoàn cảnh ra đời Hiệp ước Lisbon
Song song với quá trình hoạt động và mở rộng của EU, quy chế hoạt động được quy định trong Hiệp ước Maastricht đã ngày càng lỗi thời, nhất là trong trụ cột ngoại giao và an ninh chung cùng đối nội và tư pháp.
Để đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa châu Âu, EU đã bổ sung Hiệp ước Maastricht bằng nhiều hiệp ước khác như Hiệp ước Amsterdam (1999), Hiệp ước Nice (2003) và đặc biệt là Hiệp ước về thành lập một hiến pháp cho châu Âu (Treaty establishing a Constitution for Europe, 2004).
Tuy nhiên, Hiệp ước về thành lập một hiến pháp cho châu Âu đã không được người dân Pháp và Hà Lan chấp nhận. Trong trưng cầu ý dân năm 2005, 54,8% người dân Pháp và 61,6% người dân Hà Lan đã bỏ phiếu phản đối. Vì vậy, đến năm 2005, quá trình nhất thể hóa châu Âu vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để thay thế cho Hiệp ước về thành lập một hiến pháp cho châu Âu bị thất bại, các lãnh đạo EU đã rất cố gắng để đạt được một văn bản pháp lý cho toàn EU.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Lisbon năm 2007, chiến lược đạt được tại Hội nghị Lisbon năm 2005 đã được bổ sung và lấy tên là Hiệp ước Lisbon (Lisbon Treaty). Đến tháng 10.2007, các lãnh đạo EU về cơ bản đã thống nhất về hiệp ước này.
Tháng 12.2007, lãnh đạo 27 nước thành viên đã ký vào Hiệp ước Lisbon. Hiệp ước sau đó phải điều chỉnh lại một số nội dung, vượt qua cuộc trưng cầu ý dân tại Ireland năm 2008 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.12.2009.
Hiệp ước Lisbon đã bổ sung những thiếu sót của các hiệp ước trước và hiện đại hóa các cơ cấu của EU cho phù hợp với quy mô hoạt động của tổ chức đã có 27 nước thành viên này (Croatia đến năm 2014 mới gia nhập EU). Vì vậy, Hiệp ước Lisbon được đánh giá là "một hiệp ước cải cách".
Hiệp ước Lisbon, hiệp ước quan trọng trong nhất thể hóa châu Âu
Về cấu trúc, Hiệp ước Lisbon được chia làm hai phần. Phần một là Hiệp ước về Liên minh châu Âu (Treaty on European Union) và phần hai là Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu (Treaty on the Functioning of the European Union).
Phần một đề cập đến những quy định chung về EU, trong đó có những quy định về quan hệ đối ngoại. Một số điều quan trọng trong phần này gồm có điều 18 (Những đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách an ninh của EU), điều 21 (Những hoạt động đối ngoại, bao gồm cả hợp tác kinh tế) và điều 50 (Rời khỏi EU).
Phần hai của Hiệp ước Lisbon đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng chính sách trên các lĩnh vực. Các quy định cụ thể làm cơ sở cho hoạt động đối ngoại của EU cũng được đưa ra trong tiểu phần 5 của phần này.
Về nội dung, Hiệp ước Lisbon đã đưa ra những thay đổi quan trọng, bao gồm:
Cải tổ cơ chế vận hành theo hướng dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn, xóa bỏ các cơ cấu riêng của 3 trụ cột, phân định rõ ràng và cụ thể thẩm quyền của EU trên các lĩnh vực chính sách.
Lần đầu trao cho EU tư cách pháp nhân “thừa kế và thay thế tư cách pháp nhân của Cộng đồng châu Âu”.
Lập ra chức chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council) và đại diện cao cấp của EU về ngoại giao và an ninh (là phó chủ tịch Hội đồng châu Âu).
Áp dụng chế độ bầu cử mới. Kể từ năm 2009, Nghị viện châu Âu chỉ còn 750 nghị sĩ, mọi nghị quyết của EU phải có 55% nước thành viên với tổng số 65% dân số ủng hộ mới được thông qua.
Cẩm Bình (theo Europarl.europa.eu, Lisbon-treaty.org)
Kỳ tới: Anh và EU - Mối quan hệ không bền chặt