Hậu Brexit-chuyện gì sẽ xảy ra tuần tới, tháng tới?

Hồ sơ - Ngày đăng : 04:40, 26/06/2016

Theo phân tích của báo The Huffington Post, tác động của Brexit chắc chắn sẽ rất lớn đối với nước Anh trong tương lai, tuy nhiên trước mắt chưa có bất kỳ thay đổi quan trọng nào xảy ra.
EU rạn nứt sau trưng cầu ý dân ở Anh. Biếm họa của Steve Sack (báo The Minneapolis Star Tribune)

Tuần tới

Sẽ không có gì thay đổi ngày một ngày hai. Thủ tướng David Cameron vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ thủ tướng cho tới khi đảng Bảo thủ cầm quyền bầu ra một người kế nhiệm. Thời hạn này được ông Cameron hứa là sẽ không trễ hơn tháng 10.2016.

Anh vẫn sẽ tiếp tục là thành viên của EU cho tới khi hai bên chính thức đàm phán về các điều khoản thỏa thuận về việc Anh chính thức rời khỏi EU.

Về phía EU, sáu nước thành viên sáng lập EU là Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg đã tổ chức họp tại Berlin vào ngày 25.6 nhằm thảo luận về các hậu quả do Brexit gây ra.

Các nghị sĩ Quốc hội Anh sẽ nhóm họp lần đầu tiên sau trưng cầu ý dân ở Anh.

Ngày 27.6, các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức họp để bắt đầu vạch ra lộ trình sẽ thực hiện sau Brexit. Cùng ngày, Ủy ban Châu Âu sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt tại Brussels để thảo luận về quy trình cho phép Anh rời khỏi EU.

Sau đó, ba nhân vật gạo cội của EU gồm Chủ tịch EU Donald Tusk, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức sẽ gặp nhau ở Berlin.

Ngày 28.6, Nghị viện châu Âu sẽ họp phiên khẩn cấp. Chương trình nghị sự sẽ bàn đến Brexit ở Anh. Sau đó đến hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels. Lãnh đạo 28 nước thành viên EU sẽ nghe Thủ tướng David Cameron trình bày về kế hoạch của Anh trong tương lai.

Tháng tới

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là khi nào London sẽ vận dụng điều 50 trong Hiệp ước Lisbon, bắt đầu thủ tục pháp lý để chính thức rời khỏi EU. Theo điều 50, Anh và EU sẽ có hai năm để đàm phán về mối quan hệ song phương mới, đặc biệt là về thương mại và vấn đề di dân.

Thủ tướng David Cameron trước đây từng tuyên bố nếu dân Anh chọn Brexit, ông sẽ tiến hành quy trình thoát EU sớm nhất có thể. Tuy nhiên, trách nhiệm này có lẽ rơi lên vai thủ tướng kế tiếp, do ông Cameron đã tuyên bố từ chức ngày 23.6.

Ông Cameron trong tuyên bố từ chức đã đưa ra thời hạn đến tháng 10 đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ chỉ định ra thủ tướng mới thay thế. Anh cũng phải tổ chức bầu cử sớm vào khoảng đầu năm 2017 để chính thức bầu thủ tướng mới.

Biếm họa của KAP (báo La Vanguardia của Tây Ban Nha)

Trong vài ngày tới, chính trường Anh chắc chắn sẽ có nhiều dự đoán sôi động về việc ai sẽ là người lãnh đạo kế tiếp của đảng Bảo thủ. Phía Công đảng đối lập, tình hình cũng trở nên rối loạn sau khi Chủ tịch Jeremy Corbin bị các thành viên bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 24.6.

Brexit rất có thể sẽ châm ngòi xung đột trong nội bộ Liên hiệp Vương quốc Anh. Tại Scotland, đa số người dân đều bỏ phiếu ở lại EU. Sau khi có kết quả Brexit, Thủ hiến Nicola Sturgeon thông báo chính phủ sắp chuẩn bị soạn thảo các đạo luật cho phép trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Vương quốc Anh và Scotland độc lập.

Tại Bắc Ireland, Phó Thủ tướng Martin McGuinness đã lên tiếng yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về sáp nhập với Cộng hòa Ireland, quốc gia đang là thành viên EU.

Năm tới

Các nhà lãnh đạo châu Âu phải giải quyết vấn đề Anh thoát EU một cách nhanh chóng và cứng rắn nhằm chứng tỏ tinh thần đoàn kết giữa các nước thành viên còn lại, đồng thời ngăn chặn khả năng xảy ra hiệu ứng domino khi một loạt các nước khác trong khối cũng muốn rời EU.

Dù vậy, nhiều yếu tố có thể tác động tiến trình rối ren sắp tới. Năm tới, Pháp, Đức và Hà Lan tổ chức bầu cử.

Tại Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen đã chúc mừng người Anh về quyết định Brexit và kêu gọi trưng cầu ý dân về “Frexit” (France/Exit, Pháp thoát EU). Tại Hà Lan, lãnh đạo đảng Tự do chuyên phản đối người nhập cư Geert Wilder cũng kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân về EU.

Tại Đức, năm tới Thủ tướng Angela Merkel phải đương đầu với cuộc chiến tại vị trong khi theo thăm dò uy tín của bà đang đi xuống và đảng cánh hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (Afd) đang khai thác thái độ bất mãn đối với chính sách về người di cư của chính phủ.

Rồi sau đó

Điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định thời hạn hai năm để nước thành viên hoàn tất thủ tục rời khỏi EU và cho phép kéo dài thời hạn này.

Nếu thời hạn hai năm chấm dứt mà không có thỏa thuận nào được thông qua, Anh sẽ mặc nhiên được xem như không còn là thành viên EU đồng thời luật pháp EU sẽ không còn được áp dụng tại Anh.

Huỳnh Hy (theo The Huffington Post)