“Đồng thuận 10 điểm”, văn bản Trung Quốc dùng để chia rẽ ASEAN

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:09, 25/06/2016

Nội dung “đồng thuận 10 điểm” của Trung Quốc gồm những điểm gì? Chuyên gia Prasanth Parameswaran đã tiết lộ thêm nhiều thông tin trên tạp chí The Diplomat (Nhật).
Hội nghị đặc biệt bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ở Côn Minh ngày 14-6. Ảnh: THX

Sự kiện hội nghị đặc biệt bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh ngày 14-6 ra tuyên bố chung cứng rắn về biển Đông nhưng sau đó rút lại đã gây xôn xao dư luận.

Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 23.6, giáo sư Prasanth Parameswaran ghi nhận Trung Quốc đã cố gây chia rẽ và gây áp lực buộc các nước ASEAN phải ra tuyên bố chung dựa vào “đồng thuận 10 điểm” mà Bắc Kinh đã chuẩn bị từ trước.

Văn bản của Bắc Kinh tất nhiên đã bị hầu hết các nước ASEAN phản đối. Một số nước (đặc biệt là Lào và Campuchia) muốn rút tuyên bố chung đã nhất trí trước đó để xem xét. Chính vì thế ASEAN rút lại tuyên bố chung đã công bố.

Để gây chia rẽ ASEAN, Trung Quốc đã dùng đến
Để gây chia rẽ ASEAN, Trung Quốc đã dùng đến "đồng thuận 10 điểm". Ảnh: South China Morning Post

Vậy nội dung “đồng thuận 10 điểm” là gì mà lại khiến đa số các nước ASEAN không chấp nhận?

Giáo sư Parameswaran, người đã đọc qua bản đồng thuận này, tiết lộ “đồng thuận 10 điểm” về cơ bản được chia làm ba phần. Phần đầu (hai điểm đầu tiên) điểm lại quan hệ Trung Quốc- ASEAN, phần hai (bốn điểm tiếp theo) đề cập hai bên nên hành động ra sao trong vấn đề biển Đông và phần cuối (bốn điểm cuối cùng) bàn về vai trò của các bên trong tranh chấp.

Giáo sư Parameswaran, người đã đọc qua bản đồng thuận này, tiết lộ “đồng thuận 10 điểm” và đánh giá đây là văn bản không có giá trị
Giáo sư Parameswaran, người đã đọc qua "đồng thuận 10 điểm" đánh giá đây là văn bản không có giá trị. Ảnh: The Diplomat

Phần 1: Quan hệ Trung Quốc- ASEAN

Việc nhắc nhở tranh chấp biển Đông phải được đặt trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc- ASEAN rộng lớn là luận điệu thường thấy của Trung Quốc trong vấn đề này.

Theo điểm đầu tiên mà Trung Quốc đưa ra, Trung Quốc và ASEAN muốn nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ để đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược. Giáo sư Parameswaran đánh giá thật ra Trung Quốc đang mượn cớ để đưa ra và thúc đẩy các sáng kiến mới vốn có lợi cho Trung Quốc trong quan hệ Trung Quốc- ASEAN.

Tại điểm 2, Trung Quốc khẳng định ủng hộ việc xây dựng cộng đồng ASEAN và đóng vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực của ASEAN. Ngược lại, ASEAN cũng ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc và “vai trò quan trọng” của Bắc Kinh trong hợp tác khu vực. Theo ông Parameswaran, Trung Quốc đang muốn thách thức vai trò trung tâm của ASEAN.

Phần 2: ASEAN và Trung Quốc trong vấn đề biển Đông

Trong bốn điểm tiếp theo, Trung Quốc đề cập ASEAN và Bắc kinh nên làm gì để giải quyết tranh chấp này.

Điểm 3 khẳng định Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, tăng cường an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Đến điểm 4, Trung Quốc nêu sẽ cùng ASEAN “xử lý vấn đề biển Đông một cách đúng đắn và không làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên”. Tại điểm này, Bắc Kinh lại cố tình nhấn mạnh đến việc “phải chú trọng quan hệ lớn hơn giữa hai bên” để gây sức ép đến các nước, ông Parameswaran cho biết.

Điểm 5, Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đồng thời tích cực đẩy mạnh việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Ông Parameswaran ghi nhận trọng tâm của phía Bắc Kinh cũng chỉ là nên thực hiện đầy đủ DOC hơn là tiến tới xây dựng COC, một văn bản có thể sẽ ràng buộc Trung Quốc trong tương lai.

Điểm 6 nêu Trung Quốc và ASEAN sẽ tuân thủ các quy tắc trong Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS), Năm nguyên tắc sống chung hòa bình cùng với Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Đông Á (TAC).

Ông Parameswaran phân tích, trong điểm đồng thuận này, mặc dù Trung Quốc có cam kết sẽ tuân theo luật pháp quốc tế như UNCLOS, nhưng đồng thời nước này cũng đưa ra các văn bản khu vực, thậm chí đó là văn bản của Trung Quốc (Năm nguyên tắc sống chung hòa bình) và kêu gọi các nước ASEAN phải chấp hành.

Phần 3: Vai trò của các bên trong tranh chấp

Trong điểm 7, Trung Quốc khẳng định các bên “có liên quan trực tiếp” đến tranh chấp biển Đông nên tham gia giải quyết bằng đàm phán và thảo luận hòa bình thay vì đe dọa dùng vũ lực hay dùng vũ lực. Điểm đồng thuận này thể hiện rõ yêu cầu giải quyết song phương của Bắc Kinh.

Điểm 8 nêu "tất cả các bên liên quan" nên kiềm chế, tránh bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp và leo thang tranh chấp, thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để quản lý rủi ro trên sớm nhất có thể.

Điểm 9 nêu ASEAN và Trung Quốc sẽ tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở biển Đông, đúng với các quyền của tất cả các nước được luật pháp quốc tế bảo vệ.

Điểm 10 nêu Trung Quốc kêu gọi “các nước ngoài khu vực nên đóng vai trò xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khư vực”. Điểm này đã gây nên bất ngờ khi trước đây, Trung Quốc không mong muốn các nước bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, can thiệp vào biển Đông.

Kết luận: không có giá trị

Sau khi xem xét nội dung “đồng thuận 10 điểm”, giáo sư Parameswaran đã có ba đánh giá sau:

Đầu tiên, văn bản này tất nhiên đã được chuẩn bị từ trước và không có điểm gì mới. Nội dung chủ yếu chỉ là những quan điểm từ trước đến nay của chính quyền Bắc Kinh cùng với một số lo ngại của ASEAN, nhưng Trung Quốc tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN hay hai bên sẽ tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không.

Thứ hai, Trung Quốc đã cố tình không đề cập đến một số vấn đề. Ví dụ tiêu biểu chính là việc không quân sự hóa và cải tạo đảo, vấn đề chính gây nên căng thẳng trên biển Đông, không hề được nhắc đến trong cả 10 điểm.

Cuối cùng, so với tuyên bố chung của ASEAN công bố trước, văn bản vốn đề cập trực tiếp đến những mối lo ngại của ASEAN và được nhiều học giả đánh giá là đầy đủ và cụ thể hơn, thì “đồng thuận 10 điểm” chỉ như một văn bản trình bày lại các quan điểm và quy tắc chung, không hề có giá trị gì.

Cẩm Bình