Trung Quốc gây sốc khi tuyên bố Ấn Độ ủng hộ 'đường lưỡi bò'
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:14, 15/07/2016
Hai ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông, truyền thông Trung Quốc đã tung ra danh sách 70 nước "công khai bày tỏ" sự ủng hộ với Bắc Kinh,trong đó có Ấn Độ.
Đặc biệt, trong danh sách này nêu những quốc gia "công khai ủng hộ" Philippines chỉ có Việt Nam, Úc, Mỹ, Anh và Nhật Bản. Dù trên thực tế, Việt Nam chỉ tuyên bố hoan nghênh việc PCA đưa ra phán quyết và đang nghiên cứu kỹ phán quyết của tòa, không bình luận về nội dung của phán quyết.
Ấn Độ, trên thực tế cũng không đưa ra bất cứ một tuyên bố nào "công khai ủng hộ" lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông. Không những thế, chính phủ Ấn Độ thực tế lại có những tuyên bố trái ngược với mong muốn của Trung Quốc.
"Ấn Độ tin rằng các quốc gia nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố hôm 12.7.
Tuy nhiên tờ China Daily, một báo điện tử tiếng Anh lớn của Trung Quốc ngày 13.7 lại nói rằng Ấn Độ nằm trong danh sách những quốc gia tin rằng "tranh chấp chỉ nên được giải quyết thông qua thương lượng chứ không nên thông qua Tòa Trọng tài".
Ngày 12.7, PCA tuyên bố yêu sách "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông không có giá trị cơ sở pháp lý và lịch sử. Trung Quốc hiện xây dựng các hòn đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, một trong những nội dung bị Philippines kiện ra PCA.
PCA cũng nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS là thỏa thuận được hơn 180 quốc gia trên thế giới, gồm cả Trung Quốc ký kết nhằm xác định quyền lợi của các nước trên biển. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố phán quyết của PCA là "không có cơ sở" và "vô giá trị".
Về điểm này, Ấn Độ không hề lên tiếng đứng về phía Trung Quốc như truyền thông nước này "nhận vơ", dựa vào thông điệp mà Ấn Độ tuyên bố vào ngày 12.7.
"Là một nước ký UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi các bên tôn trọng tối đa UNCLOS, trong đó thiết lập trật tự pháp lý quốc tế của các vùng biển và đại dương", Bộ Ngoại giao của Ấn Độ cho biết.
Tại sao lại có sự "nhầm lẫn" này?
"Niềm tin" của Trung Quốc có thể xuất phát từ một thỏa thuận 3 bên được ký vào hồi đầu năm nay. Vào ngày 18.4, các Ngoại trưởng của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã phát hành một thông cáo chung sau khi nhóm họp tại Moscow.
Thông cáo chung có đề cập đến vấn đề Biển Đông như sau: "Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cam kết duy trì một trật tự pháp lý cho các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của công pháp quốc tế, như phản ánh được đưa ra trong công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tất cả tranh chấp liên quan cần được giải quyết thông qua thương lượng và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Về vấn đề này (Biển Đông), các ngoại trưởng kêu gọi tôn trọng đầy đủ tất cả quy định của UNCLOS, cũng như Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và Hướng dẫn thực thi DOC".
Kể từ đó, Trung Quốc luôn coi Ấn Độ và Nga là hai nước ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Ai có thể tưởng tượng rằng trong những nước hỗ trợ "lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông" lại có Ấn Độ, nước "ám ảnh" với những cạnh tranh và đối đầu với Trung Quốc", một bài xã luận đăng trên tờ Global Times ngày 20.4 viết. "Chính sách đối ngoại của Ấn Độ rất linh hoạt. Họ đạt được lợi ích trong cả quan hệ giữa các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản và các nước khác", tờ Global Times bình luận.
Trung Quốc đang cố giảm thiểu tác động từ phán quyết của PCA
Tình trạng quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ là vừa hợp tác vừa đối đầu vì vậy sẽ khó có khả năng New Delhi công khai ủng hộ Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
"Không có lý do nào để Ấn Độ phản đối quyết định của PCA và bất kỳ động thái phản đối nào của Trung Quốc cũng chỉ là để đánh lạc hướng dư luận", ông Michael Kugelman, chuyên viên cao cấp về Nam Á và Đông Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington (Mỹ) nói.
"Nó giống như việc Bắc Kinh, trong sự vội vàng chống đỡ sau phán quyết của PCA, đã cố giảm thiểu tác động của tòa bằng cách phóng đại quá mức những ủng hộ với Trung Quốc nên đã đưa ra một thông điệp ngớ ngẩn như vậy", ông Kugelman nói thêm.
Thực tế chỉ có 8 nước công khai lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc và tẩy chay PCA là Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho hồi tháng 6. Khi đó, Trung Quốc tuyên bố tới 60 quốc gia ủng hộ quan điểm của mình.
"Tôi nghĩ rằng chỉ có khoảng 10 quốc gia công khai ủng hộ Trung Quốc về vấn đề này. Trung Quốc đã cố tình liệt kê nhiều quốc gia ủng hộ mình. Ấn Độ chưa bao giờ ra tuyên bố ủng hộ bên nào trong tranh chấp trên Biển Đông", ông Darshana Baruah, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Thế giới (Carnegie Endowment for International Peace) cho biết.
Thiên Hà (theo QZ)