Bài 5: Tòa Trọng tài thường trực có thẩm quyền hay không?

Hồ sơ - Ngày đăng : 05:59, 14/07/2016

Ngày 29.10.2015, Tòa Trọng tài thường trực đã đưa ra phán quyết về thẩm quyền trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận cả đến sau khi tòa công bố phán quyết cuối cùng vào ngày 12.7 vừa qua.
Trung Quốc âm mưu chiếm bãi cạn Scarborough (Panatag shoal) của Philippines. Biếm họa của bladimer.wordpress.com

Tòa Trọng tài thường trực có thẩm quyền và khả năng thụ lý

Ngày 29.10.2015, Tòa Trọng tài thường trực đã công bố phán quyết khẳng định thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Đầu tiên, tòa ghi nhận giữa Trung Quốc và Philippines có tranh chấp về chủ quyền, nhưng các tranh chấp được nêu trong đơn kiện mà Philippines gửi lên tòa không phải là tranh chấp chủ quyền mà là tranh chấp trên nhiều phương diện khác.

Tranh chấp bao gồm: Tính pháp lý của “đường 9 đoạn”, tính chất và quy chế pháp lý của một số thực thể trên Biển Đông, các hoạt động của Trung Quốc như không bảo vệ môi trường biển hay ngăn cản ngư dân Philippines là vi phạm UNCLOS, yêu cầu Trung Quốc không được có yêu sách và hoạt động phi pháp trong tương lai.

Tòa nhận định 15 vấn đề mà Philippines nhờ tòa phân xử đều xoay quanh các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) chứ không yêu cầu tòa tuyên bố chủ quyền hay giải quyết tranh chấp chủ quyền gì cả.

Do đó, tòa khẳng định có quyền tài phán đối với 7/15 điều mà Philippines khởi kiện Trung Quốc và cũng bảo lưu việc xem xét các điều còn lại, trong đó có vấn đề đề cập đến tính pháp lý của yêu sách “đường 9 đoạn”.

Philippines kiện do Trung Quốc đã ngăn cản ngư dân Philippines - Ảnh: Jiji

Thứ hai, phụ lục VII của UNCLOS cho phép một bên đơn phương khởi kiện bên còn lại lên Tòa Trọng tài. Nếu đã xác định vụ Philippines kiện Trung Quốc là tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS thì theo điều 283 của UNCLOS, các bên tranh chấp có nghĩa vụ trao đổi quan điểm.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ này mà tranh chấp chưa được giải quyết và giữa các bên không có thỏa thuận khác thì tiếp tục áp dụng điều 286 về áp dụng cơ chế tài phán bắt buộc của UNCLOS.

Cơ chế này cho phép các bên được lựa chọn sử dụng một trong 4 cơ quan là Tòa Công lý quốc tế (ICJ), Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa Trọng tài tổ chức theo phụ lục VII hoặc Tòa Trọng tài theo phụ lục VIII (điều 287).

Trong trường hợp các bên không thống nhất được dùng cơ chế nào thì Tòa Trọng tài theo phụ lục VII sẽ tự động được sử dụng (điều 287).

Như vậy, Tòa Trọng tài theo phụ lục VII là cơ chế duy nhất cho phép một bên đơn phương khởi kiện nếu đáp ứng được một số điều kiện về thủ tục.

Trong phán quyết đầu tiên đưa ra ngày 29.10.2015, Tòa Trọng tài đã khẳng định việc Trung Quốc vắng mặt không phải lý do để tòa dừng xem xét vụ kiện.

Thứ ba, Tòa Trọng tài kết luận các văn bản, tuyên bố giữa hai nước không cản trở việc Philippines khởi kiện. Để bác bỏ lập luận của Trung Quốc, tòa đưa ra 3 lý do:

  • Các văn bản, tuyên bố (ngay cả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông-DOC) cũng chỉ là tuyên bố chính trị, không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.
  • Thậm chí có giá trị ràng buộc, thì không có văn bản, tuyên bố nào quy định chỉ được dùng cơ chế đàm phán.
  • Hơn nữa, trong các văn bản, tuyên bố nêu trên cũng có dẫn các nguyên tắc và quy định của UNCLOS, không có văn kiện nào loại trừ cơ chế của UNCLOS cả.
Tông thống Philippines Aquino (lúc đương chức) trình bày vụ kiện "đường 9 đoạn" - Ảnh: Getty Images

Thứ tư, Philippines đã hoàn thành “nghĩa vụ trao đổi”, đủ điều kiện để sử dụng cơ chế trọng tài. Viện dẫn án lệ và thực tiễn quốc tế, Tòa Trọng tài kết luận “nghĩa vụ trao đổi” mà điều 283 quy định chỉ cần là “trao đổi về phương thức giải quyết tranh chấp” chứ không cần trao đổi về thực chất của tranh chấp.

Về trao đổi phương thức giải quyết tranh chấp, Philippines và Trung Quốc đã thực hiện nhiều nhưng không đi đến thống nhất. Trung Quốc muốn đàm phán song phương còn Philippines lại muốn đàm phán đa phương hoặc biện pháp tài phán.

Như vậy, Philippines đã hoàn thành “nghĩa vụ trao đổi” nhưng không thấy có khả năng đạt được thỏa thuận nên có thể khởi kiện.

Thứ năm, điều 298 UNCLOS chỉ loại trừ thẩm quyền của tòa trong một số loại tranh chấp nhất định, do đó Trung Quốc vẫn bị ràng buộc đối với quyết định của Tòa Trọng tài trên một số nội dung.

Lập luận phản đối của Trung Quốc

Trung Quốc viện dẫn điều 298 đã bảo lưu thẩm quyền của Tòa Trọng tài đối với 3 loại tranh chấp.

  • Một, tranh chấp liên quan đến “vịnh lịch sử” và “danh nghĩa lịch sử”. Vùng nước được xem là “vùng nước lịch sử” phải thỏa mãn 2 điều kiện: Được một quốc gia ven biển thực thi chủ quyền của mình đối với vùng được yêu sách một cách thực sự, liên tục và hòa bình trong thời gian dài; có sự chấp nhận công khai hoặc sự im lặng không phản đối của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia láng giềng và có quyền lợi tại vùng biển này. Để đạt được “danh nghĩa lịch sử”, quốc gia ven biển cần chứng minh được quyền chiếm hữu có hiệu quả và quá trình quản lý, kiểm soát một vùng biển một cách thực sự, hòa bình và liên tục trong thời gian dài.
  • Hai, tranh chấp liên quan đến phân định biển.
  • Ba, tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, hoạt động chấp pháp trong lĩnh vực đánh cá và nghiên cứu khoa học biển trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Quang cảnh phiên điều trần vào tháng 7.2015 về thẩm quyền và khả năng thụ lý đối với vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc- ảnh: pcacase.com
Phiên điều trần tại Tòa Trọng tài thường trực vào tháng 7.2015 về thẩm quyền và khả năng thụ lý đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc - Ảnh: pcacase.com

Như vậy, tranh chấp nằm ngoài các nội dung trên Tòa Trọng tài vẫn có quyền tài phán và vì tòa là cơ chế tài phán bắt buộc theo UNCLOS nên Trung Quốc không thể từ chối phán quyết của tòa.

Và trên thực tế, tòa đã xác định có 7/15 vấn đề mà Philippines gửi lên tòa không thuộc 3 nội dung trên, và tòa có thẩm quyền xem xét. 8 điều còn lại được tạm thời gác lại.

Cẩm Bình (theo idsa.in, pcacase.com, nghiencuubiendong.vn)

Bài 6: Bối cảnh ra đời của Tòa Trọng tài thường trực