Ông Donald Trump bí mật 'đi đêm' với Tổng thống Putin
Hồ sơ - Ngày đăng : 19:31, 20/07/2016
Theo trang Politicus USA, một trang chuyên phân tích chính trị tại Mỹ, sự thay đổi trong quan điểm của đảng Cộng hòa cực kỳ đáng lưu ý, thậm chí có thể nhận định là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đang "đi đêm" với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Để chứng minh luận điểm của mình, Politicus USA đưa ra thông tin là gần đây đảng Cộng hòa đột nhiên làm giảm những căng thẳng xung quanh việc Nga sáp nhập Crimea.
Đó là một sự thay đổi triệt để về quan điểm bởi vì trước đó các thành viên Cộng hòa thường chỉ trích Nga, đòi kéo dài lệnh cấm vận Nga do vụ sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi khi ông Donald Trump, ứng cử viên tranh chức Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa lại là một người "hâm mộ" Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Trump đã luôn muốn có sự hoàn hoãn với Nga, thậm chí theo nhà phân tích chính trị Josh Rogin, đội ngũ của ông Trump đã tìm mọi cách để chặn đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Chuyện này bắt đầu khi bà Diana Denman, một người ủng hộ Thượng nghị sĩ Ted Cruz đề nghị tạo một nền tảng để duy trì hoặc gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Nga, tăng cường viện trợ cho Ukraine và "cung cấp vũ khí phòng vệ chết người" cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, nhân viên của ông Trump đã sửa dự luật này từ "cung cấp vũ khí phòng vệ chết người" xuống còn "hỗ trợ thích hợp". Cuối cùng dự luật trên được thông qua giống theo sự sửa đổi của phe ông Trump.
Điều khá khó hiểu là lý do tại sao ông Trump và các cộng sự của mình lại hành động như vậy, nhất là khi về mặt chính thức cả ông lẫn ông Putin không có quan hệ mật thiết với nhau cho lắm.
Trong thời gian qua, chiến dịch tranh cử của ông Trump chủ yếu nhắm vào những hận thù và chia rẽ đang tồn tại ở Mỹ và ít khi chú ý đến chính sách đối ngoại. Ông Trump còn thường xuyên đưa ra những bình luận gây sốc về chính sách đối ngoại mà ông sẽ thực thi nếu làm Tổng thống Mỹ như xây tường ngăn biên giới, cấm cửa người Hồi giáo và lời hứa trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp.
Những chính sách của ông Trump đưa ra khá là "vô thưởng vô phạt", chúng chủ yếu nhắm vào truyền thông để lan tỏa độ nổi tiếng của ông cũng như kích động sự chia rẽ nội bộ bên trong nước Mỹ. Kết quả là chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump đã "thành công vang dội" khi ông trở thành người đại diện đảng Cộng hòa ra tranh chức Tổng thống Mỹ dù ông chỉ mới gia nhập đảng hơn 1 năm và không có kinh nghiệm chính trị.
Dù vậy, điều đặc biệt là cả ông Trump lẫn Tổng thống Putin thường xuyên có những "lời có cánh" dành cho nhau, nhưng đa số những lời này chủ yếu là để xã giao là chính. Vấn đề chính nằm ở chỗ ông Trump có một "sợi dây liên kết" mãnh liệt với Tổng thống Putin thông qua quản lý chiến dịch tranh cử của ông.
Ông Paul Manafort, người hiện là quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump có quan hệ mật thiết với cả Tổng thống Putin và cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Ông Manafort là trợ lý cho ông Yanukovych trong nhiều năm. Quan hệ giữa hai người được bạn bè của ông Manafort mô tả là "kết nối tình cảm chính trị".
Năm 2013, ông Yanukovych đã từ chối ký một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu và sau đó ông bị lật đổ phải sang Nga sống lưu vong. Với tư cách là trợ lý cho ông Yanukovich, chắc chắn quyết định của cựu Tổng thống Ukraine phải được ý kiến tham khảo từ ông Manafort.
Và việc cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych được cho là có quan điểm "thân Nga" thì ông phải có một trợ lý cũng có quan điểm chính trị giống mình.
Có một sự thật, mà bạn đọc có thể sốc, được Politicus USA tiết lộ, đó là bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của ông Trump được diễn ra tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Center for the National Interest). Trung tâm này cũng bị cho là một nơi có nhiều "quan hệ mật thiết" với Tổng thống Putin, khi có nhiều chuyên gia của trung tâm được coi là "quen thân với Tổng thống Putin".
Còn được biết tới với tên gọi Trung tâm Nixon, Trung tâm vì lợi ích quốc gia ủng hộ chính sách đối ngoại theo trường phái "chủ nghĩa hiện thực".
Cả trung tâm này lẫn tạp chí của họ - National Interest, là hai trong số những cơ quan có cảm tình nhất với điện Kremlin tại Mỹ, và nhiều năm qua luôn là đối tác của Viện Hợp tác và dân chủ, hoạt động với sự tài trợ từ chính phủ Nga, có trụ sở ở New York.
Theo tài liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ mà WikiLeaks đăng tải, người đứng đầu viện này Adranik Migranyan từng được đích thân Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ định.
Và thật "ngẫu nhiên", Đại sứ Nga tại Mỹ là một trong những khách mời quan trọng, ngồi ngay hàng ghế đầu trong buổi phát biểu tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia của ông Trump.
Có thể, những sự việc mà Politicus USA vừa nêu là những sự kiện riêng lẻ, ít có liên quan tới nhau. Nhưng khi kết nối chúng lại với nhau, như những mảnh ghép của một bức tranh mà kết thúc là sự đảo ngược chính sách của đảng Cộng hòa trong vấn đề Nga-Ukraine, tất cả cho thấy quan hệ giữa ông Putin và người đại diện đảng Cộng hòa không hề đơn giản.
Tất nhiên, điều dễ hiểu là việc "đi đêm" với Nga của ông Trump đều nằm trong chính sách "làm cho nước Mỹ an toàn một lần nữa" hoặc "nước Mỹ trên hết" của ông Trump.
Thiên Hà (theo Politicus USA)