Trung Quốc sỉ nhục và đấu tố con nợ là biểu hiện của bất lực
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:53, 20/07/2016
Xét về nhiều phương diện, Trung Quốc là một nền kinh tế không giống ai. Và rất nhiều thanh niên Trung Quốc đã rất có lý khi tuyên bố rằng quốc gia của họ là độc nhất trên toàn cầu, khi chỉ có duy nhất nền văn minh cổ của Trung Hoa vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ qua có thể xem là kỷ lục nhanh nhất thế giới (khoảng thời gian Trung Quốc duy trì tăng trưởng hai con số dài hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore trong thế kỷ 20), với một mô hình tăng trưởng độc đáo kết hợp giữa kế hoạch hóa và kinh tế thị trường một cách khá ăn khớp. Vì thế, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc hiện tại cũng đang không giống ai, và đặc biệt là những cách thức mà chính phủ nước này dùng để giải quyết khó khăn của mình thì lại càng độc nhất vô nhị. Ở thời điểm hiện tại, có lẽ Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn sử dụng một biện pháp trung cổ để giải quyết tình trạng nợ xấu của mình: sỉ nhục và đấu tố con nợ để đòi tiền.
Khách du lịch đến Trung Quốc những ngày này, cũng như bất cứ người dân Trung Quốc nào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng ở nước này, sẽ nhanh chóng nhận ra một điều đặc biệt. Đó là các biển quảng cáo công cộng ở các ga tàu điện hay trên các con đường cao tốc với những bóng đèn điện nhấp nháy quen thuộc, nhưng không hề có tên các thương hiệu hay hình ảnh các sản phẩm quảng cáo thường thấy, mà thay vào đó là chân dung của một số cá nhân với tên tuổi địa chỉ ở bên cạnh. Dĩ nhiên đó không phải là trò chơi ngông của một vài triệu phú thừa tiền, và cũng không phải là một hình thức triển lãm nghệ thuật mới, mà đó là những bảng cáo thị trong đó người xuất hiện là những con nợ thuộc diện bị các Tòa án ở Trung Quốc tuyên án phải trả nợ cho các ngân hàng ở nước này. Nếu như con nợ cảm thấy xấu hổ vì hình thức tuyên cáo công khai này, thì họ chỉ còn cách là tìm cách trả nợ thật nhanh.
Đây là biện pháp mới được ngành tòa án Trung Quốc đưa vào thực hiện để giải quyết tình trạng nợ xấu gia tăng trong hệ thống ngân hàng ở nước này, do số lượng con nợ tìm cách trốn nợ đang ngày càng gia tăng. Zhou Qiang, chánh án tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, là người đã chính thức cho phép hình thức xử lý bằng cách sỉ nhục con nợ này được tiến hành trong thực tế trong một quyết định hồi tháng Ba năm nay. Theo đó, tòa án sẽ cung cấp cho các ngân hàng thông tin cá nhân về các con nợ và họ được phép đăng tải lên bảng điện tử hoặc các biển quảng cáo công cộng - thường là những nơi đông người qua lại - trong một khoảng thời gian nhất định. Kỷ lục cao nhất của biện pháp xử lý mang tính sỉ nhục cá nhân này ở Trung Quốc là vào tháng Năm vừa qua, khi tòa án Thượng Hải công bố hình ảnh và thông tin cá nhân của 76 con nợ cỡ bự trên các màn hình lớn tại năm khu trung tâm mua sắm nổi tiếng ở thành phố này.
Không có gì khó hiểu trong việc Trung Quốc sử dụng cách thức thu hồi nợ có phần thô bạo này nếu nhìn qua con số nợ xấu khổng lồ mà nước này đang phải gánh chịu. Kinh tế tăng trưởng chậm lại đang kéo theo số DN làm ăn thua lỗ ngày càng nhiều, khiến số người mắc nợ ngân hàng cũng tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, thì tổng nợ xấu mà hệ thống ngân hàng nước này đang phải gánh chịu lên tới 299 tỷ USD tính đến cuối tháng Năm vừa qua, dù theo các nhà phân tích thì con số thực lớn hơn nhiều. Hiện có khoảng 3,4 triệu con nợ bị chính phủ Trung Quốc xếp vào diện “bất lương”, tức có tiền nhưng không chịu trả nợ, và bị cho vào danh sách đăng tải thông tin cá nhân ở nơi công cộng như một biện pháp xử lý. Kết quả có vẻ như cũng không tồi, theo thống kê chính thức của tòa án Trung Quốc, thì từ khi áp dụng biện pháp theo kiểu cáo thị thời phong kiến này, thì tỷ lệ trả nợ của những con nợ bất lương này đã tăng lên 10%.
Dù khá hiệu quả, nhưng cách thức xử lý thô bạo theo kiểu sỉ nhục và đấu tố này lại đang phải nhận khá nhiều chỉ trích về vấn đề quyền riêng tư của cá nhân. Theo Wu Yanhong, giáo sư lịch sử tại đại học Chiết Giang, thì hình thức đòi nợ này là một sự pha trộn giữa hình thức đăng cáo thị tróc nã phạm nhân thời phong kiến với hình thức đấu tố vốn rất phổ biến thời Mao Trạch Đông. Thời phong kiến, các phạm nhân sẽ phải đeo gông gỗ và bị giải đi thị chúng như một hình thức răn đe; còn thời Mao Trạch Đông, điển hình là cuộc Cách mạng văn hóa, thì đối tượng bị sỉ nhục một cách công khai giữa đám đông bằng những lời công kích hay mạt sát, tương tự như những gì tòa án Trung Quốc đang làm để buộc các con nợ trả tiền cho ngân hàng.
Một phần lý do buộc chính phủ Trung Quốc phải sử dụng biện pháp thô sơ theo kiểu trung cổ này để đòi nợ, là vì khả năng xiết nợ theo các cách thức thông thường của chính phủ Trung Quốc là tương đối thấp. Ở Mỹ hoặc châu Âu, khi cần xiết nợ, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành phong tỏa tài sản và tiến hành thu giữ để thanh toán nợ cho các ngân hàng, nhưng điều này không thể thực hiện ở Trung Quốc do các con nợ không có xu hướng cất tiền ở ngân hàng, hoặc ký gửi ở các ngân hàng ngầm nơi chính phủ Trung Quốc không thể kiểm soát.
Sự bất lực trong việc xiết nợ này của chính phủ Trung Quốc, đã dẫn đến việc các hình thức xử lý theo kiểu thời phong kiến đang khá thịnh hành, mà sự khắc nghiệt được đặt lên hàng đầu. Bêu xấu và sỉ nhục con nợ ở nơi công cộng chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi. Một đạo luật năm 2014 cho phép các thẩm phán Trung Quốc cấm những người thuộc diện con nợ được phép đi nghỉ mát, gửi con cái đi học ở trường tư, mua sắm hàng xa xỉ và thậm chí là đi máy bay. Theo thống kê chính thức, hiện có khoảng 782.000 người thuộc diện con nợ ở Trung Quốc bị cấm đi tàu, trong khi số bị cấm đi máy bay thì lên tới 3,9 triệu người. Theo đó, số chứng minh thư nhân dân của những người này sẽ được nhập vào máy tính ở các nhà ga hay sân bay, và khi họ phải xuất trình chứng minh thư để mua vé tàu hay vé máy bay thì sẽ tự động bị chặn lại. Khá nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã bắt nguồn từ đây, khi nhiều con nợ có người thân bị đau ốm nhưng cũng không thể về thăm do bị cấm đi tàu và máy bay.
Nhàn Đàm (theo Reuters)