Myanmar trước hội nghị đàm phán hòa bình lịch sử
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:50, 30/08/2016
Hội nghị đàm phán hòa bình Myanmar sẽ được chính phủ Myanmar tổ chức vào ngày 31.8 với sự tham gia của nhiều phe nhóm sắc tộc vũ trang nhằm tìm ra giải pháp để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 70 năm tại nước này.
Kết quả hội nghị kéo dài 5 ngày này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tương lai của Myanmar, trong bối cảnh nước này đang chịu sự ảnh hưởng và lôi kéo cùng lúc từ các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, theo báo Wall Street Journal (Mỹ).
“Hội nghị Panglong thế kỷ 21”
Hội nghị hòa bình lần này nhận được sự quan tâm và hỗ trợ không nhỏ của cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon dự tính sẽ tham gia hội nghị. Ngoài ra, trong chuyến công du vừa qua vào tháng 8 của bà Suu Kyi tại Trung Quốc, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã thông báo thuyết phục được vài nhóm phiến quân sắc tộc tại khu vực biên giới Trung Quốc-Myanmar tham gia vào hội nghị của bà tại thủ đô Naypyitaw.
Tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt nội chiến tại Myanmar là mục tiêu quan trọng nhất đối với bà Suu Kyi kể từ khi đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ của bà nắm quyền vào tháng 11.2015. Trong chuyến công du vừa qua tại Trung Quốc, bà đã phát biểu tại một buổi họp báo: “Không thể có sự phát triển bền vững tại Myanmar nếu không có được hòa bình”.
Các tay súng sắc tộc vũ trang tại bang Shan - Ảnh: Daily Mail
Các bên tham gia hội nghị hòa bình được tổ chức tại Panglong vào năm 1947 đã thống nhất được dự thảo kế hoạch thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ông Aung San lại bị ám sát trước khi kế hoạch này được thực hiện, dẫn đến việc quân đội lên nắm quyền trong một thời gian dài.
Trong hội nghị hòa bình lần này, các bên tham gia sẽ đàm phán nhằm cho phép người dân và các dân tộc sống tại các bang Shan, Wa và Kachin có thể có được nhiều quyền tự quyết hơn.
Theo nhận định của báo Wall Street Journal, việc các nhóm sắc tộc có nhiều quyền tự quyết hơn được cho là sẽ bảo đảm được hòa bình và ổn định tại Myanmar, từ đó làm nền tảng để phát triển kinh tế trong nước.
Bước đầu của một tiến trình dài đi đến hòa bình
“Hội nghị Panglong thế kỷ 21” bắt đầu từ ngày 31.8 chỉ là bước đầu cho một tiến trình dài. “Vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua trước khi Myanmar thực sự đạt được hòa bình”, theo đánh giá từ một nghiên cứu do Công ty tư vấn Thura Swiss đóng tại Yangon thực hện.
Theo nghiên cứu, các nhóm sắc tộc vũ trang vẫn sẽ tiếp tục giao chiến tại một số nơi tại Myanmar trong khi miền bắc nước này sẽ còn xảy ra đụng độ giữa quân chính phủ và các tay súng du kích.
Nội chiến với sự tham gia của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau bùng nổ tại Myanmar sau khi quốc gia này độc lập khỏi Anh vào năm 1948. Tới nay số người thiệt mạng đã lên đến 130.000 người, theo thống kê của Đại học Massachusetts (Mỹ).
Hai bang Kachin và Shan, nơi có nhiều nhóm phiến quân thiểu số tại Myanmar - Ảnh: Wall Street Journal
Trước đây, Myanamar từng là một trong những quốc gia giàu có nhất châu Á. Tuy nhiên, cuộc chiến dai dẳng không những đã bóp nghẹt kinh tế trong nước mà còn khiến cho quyền lực chính trị tại Myanmar rơi vào tay quân đội. Cho đến nay, mặc dù đảng của bà Suu Kyi đã lên nắm quyền sau khi thắng lớn tại kỳ bầu cử năm 2015 nhưng quân đội vẫn nắm trọn quyền kiểm soát quốc phòng cũng như các ban ngành nội vụ.
Tại Đông Nam Á, ngoài Myanmar, một số quốc gia khác cũng đang đối mặt với xung đột vũ trang trong nước.
Tại Philippines xuất hiện ngày càng nhiều các tay súng ly khai Hồi giáo cực đoan. Tại Thái Lan, giới chuyên gia và cảnh sát cho rằng các vụ đánh bom xảy ra vào tháng 8 vừa qua là do các nhóm Hồi giáo ly khai tại miền Nam nước này thực hiện. An ninh tại Indonesia và Malaysia cũng đang bị đe dọa bởi khủng bố trong nước.
Tuy nhiên, so với bất ổn tại các quốc gia khác trong khu vực, nội chiến Myanmar được báo Wall Street Journal đánh giá là rắc rối nhất. Từ thời thuộc địa, các nhóm sắc tộc thiểu số được vũ trang tại Myanmar luôn đối đầu với quân đội, chính quyền nằm trong tay người Miến (người Bamar), sắc tộc chiếm số đông tại nước này.
Vấn nạn về chia sẻ quyền quản lý tài nguyên thiên nhiên
Chia sẻ quyền quản lý tài nguyên thiên nhiên là một vấn đề gây ra nhiều trở ngại cho tiến trình đàm phán hòa bình do những vùng chứa nhiều khoáng sản như cẩm thạch, vàng và nhôm là nơi sinh sống của nhiều nhóm người thiểu số Myanmar.
Nhóm sắc tộc tại bang Shan trong vài tuần qua đã cho rằng chính phủ Myanmar cho phép Trung Quốc tiếp tục xây dựng các dự án đập thủy điện trên dòng sông Salween tại miền Đông có thể sẽ khiến tình hình giao tranh tại đây trở nên tồi tệ hơn.
Tân binh thuộc các nhóm sắc tộc tại bang Kachin tham gia huấn luyện - Ảnh: NCPR
Cùng lúc đó, nhóm phiến quân tại bang Kachin miền Bắc ra sức phản đối Trung Quốc tiếp tục xây dựng đập Myitsone trị giá 3.6 tỉ USD trên sông Irawaddy, một dự án từng bị chính phủ Myanmar trước đây ra lệnh đình chỉ.
Các nhà phân tích cho rằng để tiếp tục xây đập Myitsone, Trung Quốc có lẽ cần phải thương lượng với các nhóm sắc tộc tại Kachin. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Myanmar có thể sẽ phải để cho các nhóm tại Kachin được quyền đàm phán trực tiếp với Trung Quốc.
Ngoài ra, vấn đề người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại Myanmar cũng được cộng đồng quốc tế quan tâm. Tuy có khoảng vài trăm ngàn người Rohingya sinh sống tại bang Rakhine (tây nam Myanmar) từ nhiều năm nay nhưng họ vẫn không được công nhận là công dân Myanamar. Đó cũng là lý do khiến hội nghị hòa bình sắp tới sẽ không có người Rohingya tham gia.
Ngoài người Rohingya, một số nhóm sắc tộc khác có thể cũng sẽ không có mặt tại hội nghị. Ba nhóm phiến quân Kokang, Quân Giải phóng quốc gia Ta’ang và Quân đội Arakan thông báo mong muốn có mặt tại thủ đô Naypyitaw vào ngày 31.8, tuy nhiên quân đội Myanmar lại ra điều kiện buộc các nhóm này phải giải giáp trước khi được phép tham gia vào hội nghị, một yêu cầu có thể là quá phi lý đối với các nhóm phiến quân này.
Huỳnh Hy (theo The Wall Street Journal)