Tập Cận Bình chuẩn bị nhân sự gì cho đại hội đảng?

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:26, 23/10/2016

Tham nhũng đã trở thành quốc nạn tại Trung Quốc. 4 năm qua, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” được xem là đạt nhiều thành quả, song đó chỉ là bề nổi, mới chỉ ở cấp cao và trong các lĩnh vực trọng yếu. Khi chiến dịch lan tỏa về địa phương và cấp cơ sở, vấn nạn tham nhũng còn khủng khiếp hơn.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc - Ảnh: Imaginechina

Từ năm 2012, khi được bầu làm lãnh đạo cao nhất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” nhằm làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại niềm tin trong nhân dân và bảo đảm thành công cho chương trình kinh tế lớn – tái cơ cấu lại nền kinh tế, giảm đà phát triển nóng, tránh nguy cơ sụp đổ kinh tế có thể gây bất ổn xã hội.

Bên cạnh đó, qua chiến dịch thanh trừng tham nhũng và nạn cửa quyền sẽ phát hiện các nhân tố tích cực, tạo nguồn cho quy hoạch cán bộ lãnh đạo thế hệ mới, chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.

Với mục tiêu quan trọng như vậy nên chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đã có nhiều tác động tới đời sống xã hội Trung Quốc.

Vụ tham nhũng chưa từng có tại Trung Quốc

Ngày 19.9, báo Nikkei Asian Review đưa tin 454/523 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh bị sa thải vì bị tình nghi hối lộ trong bầu cử. 45/62 đại biểu Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc của tỉnh Liêu Ninh bị sa thải vì vụ bê bối này. Thông tin cho biết mỗi đại biểu bị cáo buộc đã trả 4 triệu nhân dân tệ (khoảng 600.000 USD) để có ghế cho mình mà không qua bầu cử.

Gian lận bầu cử ở tỉnh Liêu Ninh được cho là một phần của vụ bê bối tham nhũng liên quan đến cựu Bí thư tỉnh Liêu Ninh Vương Dân. Ông Vương là đại biểu Quốc hội, bị bắt ngay trước kỳ họp thường niên của Quốc hội hồi tháng 3.2016.

Theo đó, ông Vương đã tăng gấp đôi số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh trong nhiệm kỳ của mình. Cơ quan điều tra đã cáo buộc ông Vương đứng sau hoạt động tham nhũng tràn lan trong các cuộc bầu cử tại địa phương và hối lộ nhiều quan chức chính phủ.

Cựu Bí thư tỉnh Liêu Ninh Vương Dân - Ảnh: THX

Đây được xem là vụ bê bối bầu cử chưa từng thấy trong hoạt động của cơ quan lập pháp tại Trung Quốc. Điều đó cho thấy, sau 4 năm thúc đẩy chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, xem ra Chủ tịch Tập Cận Bình mới đi được một quãng đường rất ngắn ngủi và việc quy hoạch nhân sự cho thế hệ lãnh đạo mới cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nợ công từ công ty tài chính địa phương

Nhận diện nguy cơ mất kiểm soát nạn tham nhũng tại địa phương khi nợ công gia tăng, năm 1994 nhà nước Trung Quốc đã có luật cấm chính quyền các tỉnh và thành phố phát hành trái phiếu hay vay tiền trực tiếp từ ngân hàng.

Khi ngân sách hạn hẹp, các chính quyền địa phương đã lập ra một định chế gọi là công ty tài chính địa phương (LGFVs). Theo Ibtimes, công ty tài chính địa phương được xem là công cụ tài chính của chính quyền địa phương, được sử dụng để huy động vốn phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cách phát hành trái phiếu hay vay nợ với tài sản thế chấp là bất động sản.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thì sau một thời gian huy động vốn, các công ty tài chính địa phương đã tạo ra nợ xấu rất lớn, chiếm khoảng 15%-25% tổng dư nợ. Điều đó đồng nghĩa chính quyền địa phương thu ngân sách qua việc bán đất, cùng với đó là hiện tượng thất thoát tài chính không thể kiểm soát. Như vậy, giải pháp thành lập công ty tài chính địa phương không giúp làm sáng hơn tình hình nợ công ngày càng phình to tại các địa phương, bên cạnh đó còn gia tăng điều kiện cho tệ tham nhũng.

Trước tình hình đó, từ năm 2014 chính phủ Trung Quốc đã cấm chính quyền địa phương sử dụng công ty tài chính địa phương để huy động vốn.

Song với khoản nợ công tại các địa phương lên đến hơn 3.000 tỉ USD cùng chi phí tài chính tăng cao, chính quyền địa phương không có vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng tốn kém và một định chế tài chính địa phương lại ra đời, đó là quỹ công nghiệp.

Quỹ công nghiệp dẫn đến mua quan bán chức

Quỹ công nghiệp được các chính quyền địa phương lập ra nhằm phát hành trái phiếu đô thị theo khuyến khích của Bắc Kinh. Tuy nhiên, so với công ty tài chính địa phương thì quỹ công nghiệp chỉ khác về cách thức hoạt động chứ bản chất không có gì khác. Cả hai vẫn là công cụ phục vụ kế hoạch tài chính cho chính quyền địa phương và nợ phát sinh chỉ là “thay tên đổi họ”.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng luôn được xem là lĩnh vực tạo điều kiện cho tham nhũng dễ dàng nhất, vì vậy quỹ công nghiệp địa phương đã trở thành nơi tốt nhất cho tệ nạn tham nhũng phát triển. Các nhà đầu tư trục lợi đã chọn tấn công vào quan chức địa phương để có dự án đầu tư được tài trợ vốn của quỹ công nghiệp. Thế là nạn mua quan bán chức xảy ra.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng luôn được xem là lĩnh vực tạo điều kiện cho tham nhũng dễ dàng nhất - Ảnh: mckinsey.com

Có thể nhận diện việc các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh dùng tiền mua ghế là nạn tham nhũng phát sinh từ hình thức huy động vốn mới tại địa phương.

Như vậy sau 3 lần thay đổi hình thức huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng địa phương, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa tìm ra công cụ hữu hiệu để có thể kiểm soát nợ công tại các địa phương. Không những vậy còn tạo ra những hình thức tham nhũng kiểu mới khiến cho chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình chưa biết khi nào mới có thể hạ nhiệt.

Xu hướng quy hoạch thế hệ lãnh đạo mới

Quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình và hiệu ứng của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc thế hệ thứ 5 đã gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của các cựu lãnh đạo những thế hệ trước ra khỏi đời sống chính trị Trung Quốc. Và chắc chắn với ông Tập Cận Bình cũng sẽ là như vậy khi ông rời khỏi chức vụ lãnh đạo.

Do vậy, ngay từ bây giờ - một năm trước khi đại hội lần thứ 19 của đảng diễn ra, công tác chuẩn bị nhân sự cho thế hệ lãnh đạo mới phải xây dựng được phương án. Song vì chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” cũng như nạn tham nhũng phát sinh do mất kiểm soát nợ công khiến cho công tác chuẩn bị nhân sự lần này rất khó dự đoán. Dư luận và công luận chỉ có thể nhận diện phải là những nhân tố miễn nhiễm trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mới có thể nằm trong diện được xem xét quy hoạch nhân sự trong đại hội đảng lần thứ 19.

Thế hệ lãnh đạo thứ 5 vốn được sinh ra trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa và trưởng thành trong thời kỳ cải cách đất nước Trung Hoa. Theo truyền thống đó, thế hệ lãnh đạo thứ 6 phải là những người sinh ra sau Cách mạng Văn hóa và trưởng thành trong thời kỳ mở cửa đất nước. Do vậy, có hai sự kiện được cho là sẽ ảnh hưởng tới quy hoạch cán bộ thế hệ mới. Đó là sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và sự kiện Hồng Kông trở về với Trung Quốc năm 1997.

Từ đó có thể nhận diện thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ là những người cứng rắn và kiên định về lập trường, có khả năng quản lý nền kinh tế được tái cơ cấu với kinh tế dịch vụ sẽ dần đóng vai trò then chốt và miễn nhiễm với tham nhũng.

Sau thời gian chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” tập trung ở cấp cao, nay lửa của chiến dịch chuyển về cấp địa phương, nơi mà gánh nặng nợ công và nạn tham nhũng đang hoành hành vượt tầm kiểm soát của chính phủ trung ương. Việc có tới 70% đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh bị thanh trừng vì tình nghi hối lộ đã cho thấy công tác quy hoạch cán bộ là việc rất nan giải đối với Bắc Kinh.

Ông Tập chọn đột phá khẩu càn quét tham nhũng ở Liêu Ninh phải chăng là lời cảnh báo ngầm cho ông Lý? - Ảnh: SCMP

Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường xung đột?

Công tác quy hoạch nhân sự cho thế hệ lãnh đạo mới được xem như “dời non lấp bể” tại Trung Quốc hiện nay. Chủ tịch Tập Cận Bình không dễ tìm ra các nhân tố mới đủ tâm, xứng tầm, đáng tin cậy để tạo nguồn quy hoạch. Bởi lẽ, tiêu chí miễn nhiễm với tham nhũng e rằng khó quán triệt vì nợ công tại địa phương vẫn chưa tìm ra phương cách kiểm soát hiệu quả.

Như vậy, hoặc sẽ không có cán bộ để quy hoạch, hoặc sẽ phải chấp nhận quy hoạch các nhân tố “chưa thật trong sạch”. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm là trong quá trình triển khai chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” và tìm kiếm nhân sự, có thể sẽ gia tăng “lệch pha” giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Ngay trong vụ thanh trừng lịch sử tại tỉnh Liêu Ninh, dư luận nghi vấn phải chăng ông Tập muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Thủ tướng Lý tới vấn đề quy hoạch nhân sự, bởi lẽ Liêu Ninh được xem là nơi đặt nền móng quan trọng nhất cho sự nghiệp chính trị của đương kim thủ tướng Trung Quốc.

Ông Lý Khắc Cường từng làm Bí thư tỉnh Liêu Ninh từ năm 2004 đến năm 2007 và ảnh hưởng của Thủ tướng họ Lý tại đây vẫn còn rất lớn. Khi chiến dịch thanh trừng của ông Tập chọn đột phá khẩu càn quét vào Liêu Ninh, phải chăng đó là lời cảnh báo ngầm cho người đứng đầu chính phủ?

Đương nhiên Thủ tướng Lý sẽ có nước đi riêng của mình. Sự hiệu chỉnh các nước cờ của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới công tác quy hoạch nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 19 và hình thành nên một thế hệ lãnh đạo tiếp theo cho Trung Quốc.

Tóm lại, vụ bê bối chấn động tại Liêu Ninh đã lộ ra rất nhiều vấn đề lớn. Trong đó có thể nhận diện rõ nhất là chính phủ Trung Quốc đang bế tắc trong kiểm soát kinh tế địa phương và những bê bối tại địa phương có tác động rất lớn tới chính trường Trung Quốc.

Ngọc Việt