Những nữ nhân tài sắc bị bức tử thời Cách mạng Văn hóa
Hồ sơ - Ngày đăng : 11:57, 19/10/2016
Lý Thúy Trinh
Lý Thúy Trinh (1910-1966), người Nam Hối, ngoại ô Thượng Hải, nghệ sĩ piano lừng danh. Năm 1929, Lý Thúy Trinh được nhận vào học chuyên khoa âm nhạc Trường Quốc lập Thượng Hải và thể hiện tài năng hiếm có: Chỉ 1 năm đã hoàn thành chương trình học.
Năm 1934, Lý Thúy Trinh xuất ngoại, học tại Học viện Âm nhạc hoàng gia Anh và tốt nghiệp trước thời hạn với thành tích xuất sắc, tháng 9.1936 trở thành hội viên Hiệp hội Âm nhạc hoàng gia Anh.
Từ sau năm 1942, nhận lời mời tha thiết của Viện trưởng Học viện Âm nhạc Thượng Hải là Hạ Lục Đinh, Lý Thúy Trinh trở về dạy piano tại Học viện Âm nhạc quốc lập Trùng Khánh, chủ nhiệm khoa Piano Trường Quốc lập Thượng Hải.
Lý Thúy Trinh
Khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, Lý Thúy Trinh phải chịu sự sỉ nhục nặng nề. Hồng vệ binh lục soát nhà và tìm thấy bức thư của Phó Lôi - nhà văn, dịch giả nổi tiếng khuyên Lý Thúy Trinh ở lại Thượng Hải để cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc - liền lấy đó làm bằng chứng cho tội danh “phản cách mạng”.
Đêm 2.9.1966, Phó Lôi và vợ là Chu Mai Phức phải tự sát. Hồng vệ binh ép Lý Thúy Trinh phải bò dưới đất chui qua gầm bàn, dùng mực bôi đen khắp mặt. Với một người coi nhân cách và phẩm giá quan trọng hơn tính mạng, sự sỉ nhục này còn khó chấp nhận hơn cả cái chết.
Ngày 9.9.1966, Lý Thúy Trinh trang điểm lộng lẫy, mặc bộ kỳ bào đẹp nhất, mang giày cao gót trang nhã, ngồi nhìn ra cửa và mở bình gas… Người nghệ sĩ đã chết trong dáng vẻ đẹp nhất và uy nghiêm nhất.
Tiếp sau cái chết của Lý Thúy Trinh, tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải đã có 4 giáo sư, giảng viên tự sát gồm chủ nhiệm khoa Chỉ huy dàn nhạc Dương Gia Nhân (cùng vợ là Phó giáo sư Trình Trác Như), chủ nhiệm khoa Harmonica Trần Hựu Tân, chủ nhiệm khoa Lý luận âm nhạc dân tộc Thẩm Tri Bạch.
Thượng Quan Vân Châu
Thượng Quan Vân Châu (1920-1968), người Giang Âm, tỉnh Giang Tô, tên khác là Vi Á Quân, tự là Siêu Quần, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, hội viên Hiệp hội Điện ảnh Trung Quốc, ủy viên thường vụ Hiệp hội Điện ảnh Thượng Hải, ủy viên Hiệp thương Chính trị Thượng Hải khóa I và II, thường vụ Hiệp thương Chính trị Thượng Hải khóa III và IV.
Thượng Quan Vân Châu
Năm 1937, do thời thế chiến loạn, cả nhà họ Vi chạy lên Thượng Hải, Vi Á Quân giữ chân bán vé trong rạp chiếu phim Hà Thị. Sau đó cô theo học thoại kịch tại Trường Hí kịch Hoa Quang và được nhận vào lớp học diễn viên của Công ty Điện ảnh Tân Hoa và đổi nghệ danh là Thượng Quan Vân Châu.
Từ năm 1941, Vân Châu tham gia biểu diễn trong vở Lôi vũ và tạo được chỗ đứng. Tiếp đó, cô được chọn làm vai chính và nổi tiếng trong các phim Thiên đường xuân mộng, Một dòng xuân thủy chảy về đông, Lệ nhân hành, Quạ và chim sẻ, Xuân sớm tháng hai, Hy vọng tại nhân gian…
Năm 1952, trong cuộc bình chọn tác phẩm điện ảnh xuất sắc lần thứ nhất Trung Quốc, bộ phim Quạ và chim sẻ do Thượng Quan Vân Châu thủ vai chính đoạt huy chương vàng. Cô được Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp kiến thân thiết. Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân khiến cô bị hãm hại sau này.
Bắt đầu từ tháng 9.1968, phái tạo phản do Giang Thanh cùng Lâm Bưu đã thành lập “tiểu tổ chuyên án đặc biệt Thượng Quan Vân Châu”. Lúc này Vân Châu đang làm tại xưởng sản xuất phim Thượng Hải, do làm việc quá sức cô bị thổ huyết, sau đó phát hiện bị ung thư vú và não có khối u khiến nói năng khó khăn.
Hồng vệ binh mặc kệ người phụ nữ yếu đuối bệnh tật, lôi Vân Châu đi đấu tố. Chúng khép cô vào tội đóng phim xấu, buộc cô đã phỉ báng lãnh tụ. Một số tài liệu cho biết Vân Châu bị Giang Thanh hãm hại do cô được gặp Mao Trạch Đông, nắm được nhiều thông tin về quá khứ của Giang Thanh.
Vân Châu bị buộc phải viết tài liệu phê phán lãnh tụ theo ý của tổ chuyên án nhưng cô kiên quyết không chịu. Ngày 22.11.1968, Thượng Quan Vân Châu bị tra tấn suốt 2 giờ, đến 3 giờ sáng ngày 23.11, thân cùng lực kiệt cô đã nhảy lầu tự sát.
Hồng vệ binh năm 1966 - Ảnh: THX
Nghiêm Phụng Anh
Nghiêm Phụng Anh (1930-1968), tên thật là Nghiêm Hồng Lục, người thôn Hoàng Mai, trấn La Lĩnh, thành phố Đồng Thành (tỉnh An Huy), là nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng, người kế thừa và phát triển kịch Hoàng Mai đến đỉnh cao.
Từ năm 10 tuổi, Nghiêm Hồng Lục đã luyện tập hát xướng theo điệu Hoàng Mai, sau theo thầy là Nghiêm Vân Cao học diễn kịch, lấy nghệ danh Phụng Anh.
Năm 1952, tại hội diễn hí khúc Hoa Đông lần đầu tiên của nước Trung Hoa mới tổ chức tại Thượng Hải, Nghiêm Phụng Anh biểu diễn hai vở kịch Hoàng Mai là Gặp giữa đường và Cỏ đánh lợn đoạt giải xuất sắc.
Năm 1954, cô đóng vai Thất Tiên Nữ trong phim Thiên tiên phối nổi danh toàn Trung Quốc. Ngoài ra, cô còn xuất sắc trong các vở để đời như Du xuân, Nữ phò mã, Ngưu Lang Chức Nữ, Chồng vợ xem đèn.
Nghiêm Phụng Anh gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành ủy viên Chính trị hiệp thương Trung Quốc khóa 4, ủy viên Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung Quốc khóa 3, viện trưởng danh dự Học viện Kịch Hoàng Mai tỉnh An Huy.
Tháng 9.1958, Chủ tịch Mao Trạch Đông về An Khánh thị sát đã mời Nghiêm Phụng Anh biểu diễn kịch Hoàng Mai và hết lời khen ngợi.
Nghiêm Phụng Anh từng ba lần tự sát bằng cách nuốt kim loại, treo cổ, uống thuốc ngủ, nguyên nhân đều là do không chịu nổi bị sỉ nhục. Hai lần đầu được cứu kịp thời nhưng lần cuối trong thời Cách mạng Văn hóa thì thê thảm.
Tháng 4.1968, Nghiêm Phụng Anh bị Hồng vệ binh bắt, đấu tố, đánh đập, gán cho 13 tội danh, trong đó nặng nhất là tội phản đảng, làm gián điệp của Quốc dân đảng, “xà nữ” tuyên truyền chủ nghĩa phong kiến - tư sản.
Nghiêm Phụng Anh
Ngày 8.4.1968, khi gần tới sinh nhật lần thứ 38, vì không chịu nổi sự giày vò thể xác và tinh thần, Nghiêm Phụng Anh đã uống một lượng lớn thuốc ngủ để tự tử. Sau khi uống xong, cô khóc lớn, người chồng phát hiện không dám đưa đi bệnh viện mà phải báo với đội trưởng. Lập tức một trận phê đấu mở ra, bắt Nghiêm Phụng Anh phải đứng chịu xỉ vả vì tự tử là tội "chống lại cách mạng văn hóa".
Đến lúc thuốc phát tác, cô không đứng nổi mới cho đưa đi bệnh viện. Bệnh viện thứ nhất từ chối, bệnh viện thứ hai miễn cưỡng nhận khi cô đã hôn mê nhưng phải chờ họp lãnh đạo mới quyết định. Nhóm lãnh đạo lại chia làm hai phe, đều lo tìm chứng cứ trong sách Mao tuyển để quyết định cứu hay không cứu.
Đến lúc Nghiêm Phụng Anh tắt thở thì mới kết thúc họp nhưng lại bắt phải giải phẫu tử thi để xem có gắn máy truyền tin bí mật trong người hay không.
Một số nữ nghệ sĩ khác bị bức tử
Ngôn Tuệ Châu (1919-1966) người Bắc Kinh, dân tộc Mông Cổ, là nghệ sĩ Kinh kịch và Côn kịch nổi tiếng, con gái nghệ sĩ Ngôn Cúc Bằng, đệ tử của nghệ sĩ Mai Lan Phương và là vợ nghệ sĩ Du Chấn Phi.
Ngôn Tuệ Châu nổi tiếng trong các vở Ngọc đường xuân, Du viên kinh mộng, từng làm hiệu phó Trường Nhạc kịch Thượng Hải. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Ngôn Tuệ Châu bị đấu tố vô cùng thê thảm, bị đánh đập, tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. Tối 11.9.1966, Ngôn Tuệ Châu để lại 3 lá thư tuyệt mệnh, sau đó tự vẫn.
Ngôn Tuệ Châu
Tiểu Bạch Ngọc Sương (1922-1967) tên thật là Lý Tái Văn, biệt danh Phúc Tử. Lên 5 tuổi, đã theo cha tị nạn từ Thiên Tân đến Bắc Kinh. Do gia đình không đủ khả năng nuôi dưỡng nên đem bà bán làm con nuôi cho diễn viên Bình kịch nổi tiếng Bạch Ngọc Sương. Là truyền nhân của Bình kịch Bạch phái (do Bạch Ngọc Sương sáng lập), bà được xem như “Thái Sơn Bắc Đẩu” trong làng Bình kịch Trung Quốc thập niên 1950-1960.
Tại Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc Trung Quốc lần thứ nhất năm 1950, Tiểu Bạch Ngọc Sương được Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp kiến. Ngày 21.12.1967, do bị “bè lũ 4 tên” bức hại bị đánh đập thê thảm, Tiểu Bạch Ngọc Sương đã uống thuốc ngủ tự vẫn lúc mới 45 tuổi.
Dương Tất (1922-1968) sinh tại Thượng Hải, là nữ dịch giả nổi tiếng Trung Quốc. Năm 1952 phụ trách khoa Ngoại văn, hàm phó giáo sư tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Dương Tất chính là người dịch tác phẩm nổi tiếng Hội chợ phù hoa (Vanity Fair) sang tiếng Trung.
Năm 1968, trong cuộc vận động “thanh trừ giai cấp trong đội ngũ” của Cách mạng Văn hóa, Dương Tất bị bức hại dẫn đến tự sát.
Cố Thánh Anh (1937-1967) người Vô Tích, Giang Tô, là nữ nghệ sĩ piano nổi tiếng, năm 1958 tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế Geneva lần thứ 14 và giành được giải thưởng cao nhất dành cho nữ. Năm 1960, tham gia cuộc thi Chopin Piano tại Warsaw lần thứ 6 và được đánh giá rất cao.
Cố Thánh Anh
Cũng trong năm ấy, Cố Thánh Anh được nhận bằng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc. Sau đó nhiều năm liền cô được bình bầu là thanh niên ưu tú thành phố Thượng Hải, đoàn viên ưu tú Cục Văn hóa, ngọn cờ hồng 8.3. Năm 1964, Cố Thánh Anh tham gia cuộc thi Piano quốc tế tại Bỉ và lại giành được giải thưởng lớn.
Ngày 31.1.1967, do không chịu nổi bị hành hạ, lăng nhục của Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa, Cố Thánh Anh cùng mẹ và em trai đã tự sát bằng khí gas. Lúc ấy cô mới 30 tuổi.
Thiên Tường