Nếu Mỹ phát động chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào?

Hồ sơ - Ngày đăng : 10:18, 14/12/2016

Nếu Donald Trump phát động một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thì tác động lớn đầu tiên là khiến tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Và dù có thể ở vào thế bị thiệt hại nhiều hơn, thì Trung Quốc không phải là không có cách đáp trả tương xứng.

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang đi một bước đi khá dài trong việc buộc Trung Quốc phải có những nhượng bộ trong quan hệ thương mại với nước Mỹ, khi công khai đe dọa sẽ xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc” và vị thế của Đài Loan với đại lục. Ngay lập tức nó chứng tỏ hiệu quả, khi thị trường tài chính Trung Quốc – vốn là nơi nhạy cảm nhất với các biến động – bắt đầu có những dấu hiệu xấu: Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite giảm 2,5%, đồng nhân dân tệ đang tiếp tục sụt giá và có thể sụt xuống thấp hơn mức đáy kỷ lục trong 8 năm rưỡi qua ở thời điểm hiện tại, trái phiếu chính phủ của Trung Quốc cũng sụt giảm.

Rõ ràng, Donald Trump có vẻ như không hề đùa về việc sẽ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu như lời đe dọa về Đài Loan không đủ sức ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như cũng đang sẵn sàng cho kịch bản này, khi Thời báo Hoàn Cầu trong một bài viết vào hôm 13.12 đã cảnh báo rằng: “Trung Quốc đang có một bộ công cụ đầy đủ các biện pháp cần thiết để đối phó với mối đe dọa của Donald Trump”.

Dễ dàng nhận ra rằng, nếu Donald Trump phát động một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thì tác động lớn đầu tiên là sẽ khiến tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Trung trong năm 2015 lên tới 627 tỉ USD, và theo thống kê các biện pháp trừng phạt thương mại diễn ra giữa hai bên nếu xảy ra sẽ khiến kim ngạch thương mại sụt giảm khoảng 1/3 – khoảng hơn 200 tỉ USD. Không ai là người có lợi nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Nhưng nếu kịch bản này xảy ra, phần thiệt thòi có thể thuộc về phía Trung Quốc nhiều hơn, khi kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ vượt trội hoàn toàn so với chiều ngược lại. Theo thống kê, trong năm 2015 Trung Quốc xuất khẩu khoảng hơn 480 tỉ USD vào thị trường Mỹ, trong khi chiều ngược lại chỉ đạt khoảng gần 145 tỉ USD mà thôi.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là không có những lợi thế nhất định trong cuộc chiến này. Trong số 480 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong năm 2015, có tới 145 tỉ USD là các mặt hàng vô cùng thiết yếu đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm: máy bay, máy tính, linh kiện thiết bị, hóa chất, các loại nông sản và các dịch vụ cung cấp đa dạng. Việc gián đoạn nguồn cung những mặt hàng quan trọng này trong trường hợp chiến tranh thương mại nổ ra sẽ khiến kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu Mỹ áp đặt mức áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (ông Donald Trump đã đe dọa sẽ lên tới 45%) thì nước này cũng có thể làm điều tương tự với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Biện pháp thứ hai theo dự báo của các nhà phân tích, là việc gây khó dễ cho các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc. Trung Quốc đang là một trong những thị trường có doanh thu lớn nhất của hàng loạt các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ như Apple, Microsoft… và các biện pháp gây sức ép từ Bắc Kinh có thể khiến lợi nhuận của những công ty này giảm mạnh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không thiếu những biện pháp tinh vi hơn và có tác động lớn rất nhiều, chẳng hạn như tiến hành thực thi có chọn lọc và viện dẫn các luật về chống độc quyền, quy định kinh doanh và đấu thầu mua sắm chính phủ để gạt các công ty Mỹ ra ngoài và nhường chỗ cho các công ty đến từ EU hoặc châu Á.

Ông Kenneth Jarrett, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết: “Các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc có sức mua rất lớn, và họ có thể bị tác động bởi những chỉ thị từ phía chính phủ để gạt các công ty Mỹ sang một bên. Sẽ chẳng ai có lợi nếu quan hệ kinh tế - thương mại Mỹ - Trung trở nên xấu đi cả”.

Một biện pháp khác mà Bắc Kinh có thể sử dụng, là thông qua các công ty Trung Quốc đang đầu tư và tạo ra việc làm tại thị trường Mỹ. Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin trong tuần vừa qua đã tuyên bố nếu chiến tranh thương mại giữa hai nước nổ ra, thì khoảng 20.000 việc làm mà tập đoàn Dalian Wanda của mình tạo ra ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê, tổng số việc làm mà các công ty Trung Quốc tạo ra tại Mỹ tính từ năm 2001 đến nay là khoảng 90.000, và đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, chỉ trong năm 2015 vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đã tạo ra tới hơn 13.000 việc làm ở Mỹ.

Ngoài ra, việc dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sụt giảm cũng sẽ tác động xấu đến khá nhiều bộ phận quan trọng trong kinh tế Mỹ, mà điển hình là các doanh nghiệp công nghệ tại thung lũng Silicon. Eric Huang, thành viên hội đồng quản trị của công ty khoa học và công nghệ Monte Jade tại Silicon Valley cho biết: “Các công ty công nghệ tại đây đang khá lo lắng, đặc biệt là những công ty có mạng lưới cung cấp rộng lớn tại châu Á và Trung Quốc”.

Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc có thể sử dụng chính thứ đang được Donald Trump lấy ra để gây sức ép với Bắc Kinh: Đài Loan. Đài Loan đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu và đang cung cấp rất nhiều hạng mục thiết bị quan trọng cho các công ty Mỹ có nhà xưởng tại Trung Quốc, như đối tác chính của Apple là Foxconn, của Intel là Taiwan Semiconductor Manufactoring… đều là các công ty Đài Loan.

Ngoài ra, mối liên hệ về kinh tế giữa Đài Loan và đại lục cũng đang ngày càng lớn hơn. Trong kịch bản xấu nhất, Trung Quốc có thể tiến hành một lệnh cấm vận kinh tế đối với Đài Loan, vừa có thể khiến các công ty Mỹ đang hoạt động ở đại lục có thể phải đóng cửa do thiếu linh kiện thiết bị, mà còn khiến kinh tế Đài Loan rơi vào khủng hoảng. Khi đó Đài Bắc có thể sẽ về phe Bắc Kinh để lên tiếng phản đối chính sách gây chiến thương mại Mỹ - Trung của Tổng thống Donald Trump.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)