Cơ sở quân sự bí mật của Trung Quốc thu hút khách du lịch

Hồ sơ - Ngày đăng : 13:14, 15/03/2017

Nhà máy hạt nhân 816 chính là cơ sở quân sự bí mật của Trung Quốc. Dự án cơ sở hạ tầng quân sự đầy tham vọng nhất ở núi Kim Tử hiện nay là một điểm đến du lịch khá thu hút.
Cổng vào Nhà máy hạt nhân 816 - Ảnh: New York Times

Trên đỉnh núi Kim Tử thuộc vùng Phục Lăng (tỉnh Chiết Giang) có một ống khói mọc lên như người lính gác nhìn xuống sông Ngô. Ống khói này không hoạt động và được xây từ hàng chục năm trước, nhưng vài năm gần đây người Trung Quốc mới biết lý do.

Bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân

15 năm trước, chính quyền địa phương thông báo bên trong ngọn núi là tàn tích của Dự án 816 tuyệt đối bí mật. Dự án này được lập vào những năm 1960, lúc đỉnh điểm căng thẳng giữa Trung Quốc với Liên Xô. Theo phóng sự của báo New York Times, Dự án 816 là nỗ lực đầu tiên của Bắc Kinh để xây một lò phản ứng hạt nhân có thể sản xuất plutonium đạt cấp trở thành vũ khí nguyên tử mà không có sự hợp tác của Liên Xô.

Để phòng chống nguy cơ bị tấn công, các cán bộ và kỹ sư Trung Quốc có một quyết định bất thường là đặt lò phản ứng ngầm, điều tạo nên sự phức tạp cho quá trình xây dựng vốn đã có nhiều thách thức. Trong 18 năm tiếp theo, hơn 60.000 công nhân tham gia dự án đầy rủi ro này, một số công nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Kết quả là một hang động nhân tạo lớn nhất thế giới, có thể chịu đựng sức mạnh của hàng ngàn tấn chất nổ hoặc một cơn động đất mạnh ra đời. Nhưng đầu những năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu chuyển đổi công năng phòng thủ dân sự đối với một số dự án quân sự, hoạt động ở nhà máy hạt nhân 816 tuyệt mật đột ngột bị ngưng trệ.

Trong 26 năm, nhà máy hoạt động như một xí nghiệp sản xuất phân hóa chất, cho đến năm 2010 thì được phục hồi để trở thành một điểm đến du lịch. Dù vậy, nhiều cựu công nhân vẫn tiếc Dự án 816, vào lúc Bắc Kinh đã thúc đẩy kế hoạch xây nhiều nhà máy hạt nhân trên toàn quốc và mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Đối với các cựu công nhân, một dự án hạt nhân quân sự quan trọng như Dự án 816 thì khó thể bị lãng quên.

Ban quản lý khu du lịch Dự án 816 đã tiến hành một năm nâng cấp. Từ khi mở cửa lại hồi tháng 9.2016, du khách nội địa (và lần đầu tiên cho phép du khách nước ngoài vào tham quan) nay có thể quan sát 1/3 hang động nhân tạo vốn có gần 13 dặm đường hầm.

Báo New York Times tường thuật một chuyến tham quan gần đây: nữ hướng dẫn viên Qi Hong mặc quân phục và mang giày bốt quân dụng dẫn đoàn du khách lên xe điện chạy vào một tuyến đường hầm vào tận giữa núi Kim Tử.

Ở chặng dừng đầu tiên của tour tham quan 90 phút này là một sảnh từng là cơ sở phát điện của nhà máy hạt nhân 816. Hướng dẫn viên Qi Hong nói với khoảng 30 người Trung Quốc cao tuổi: "Hang động này không chỉ là nỗ lực của các công nhân, mà còn là một phần quan trọng trong lịch sử quốc phòng và phát triển hạt nhân của Trung Quốc".

Du khách Xia Renhui (66 tuổi), nhận xét: “Dự án phản ánh sự vĩ đại của nhân dân ta và nay Trung Quốc càng mạnh hơn. Quân đội Mỹ không thể đánh lại chúng tôi!”.

Bản sao một quả bom hạt nhân thử nghiệm được trưng bày ở khu du lịch Dự án 816

100 người lính trẻ thiệt mạng

Nhóm tham quan đi qua nhiều sảnh trống, các phòng triển lãm, những bậc thang sắt và Qi Hong thường dừng lại để giải thích cho các du khách lớn tuổi có thể hít thở. Hầu hết họ gần đây mới biết Dự án 816, nhưng họ đủ già để nhớ lại những tình huống lịch sử khiến chính phủ Trung Quốc tiến hành xây dựng dự án hạt nhân tuyệt mật khổng lồ này.

Cô hướng dẫn viên Qi Hong giải thích: Vào năm 1964, Trung Quốc khởi động Mặt trận thứ ba, vốn là một chương trình phòng thủ khổng lồ, nhằm lập một cơ sở công nghiệp trong nước. Lúc đó, Trung Quốc đã có một lò phản ứng hạt nhân ở tỉnh Cam Túc trong Dự án 404 do Liên Xô thiết kế. Nhưng vì lo ngại lò phản ứng này có thể bị tấn công nên vào năm 1966, đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai phê duyệt kế hoạch xây dựng phiên bản Dự án 404 ở vùng Phục Lăng.

Các nhà khoa học, kỹ sư, binh lính và nhân viên hậu cần từ khắp Trung Quốc lập tức được đưa đến vùng hẻo lánh này (lúc đó chỉ đi bằng thuyền) để xây dựng Dự án 816. Họ thuộc giai cấp ưu tú, từng học ở các đại học hàng đầu của Trung Quốc, Liên Xô và Nhật Bản.

Ngay từ đầu đây đã là một dự án tuyệt mật. Dân địa phương và thậm chí nhiều quân nhân làm việc ở dự án này không hề được biết mục đích thật của dự án. Cơ sở hạ tầng trong núi Kim Tử có cả trường học, một ngôi chợ và một bệnh viện để công nhân có thể sống hoàn toàn biệt lập. Thị trấn Baitao lân cận không có trên bản đồ.

Hồi năm 2010, khi tham gia một chương trình truyền hình nói về Dự án 816, Li Tingyong, một cư dân địa phương sau này làm lãnh đạo Sở du lịch Phục Lăng, nói: “Tất cả những gì chúng tôi được biết chỉ là con số 816. Nhưng chúng tôi cũng chẳng hiểu đó là mật danh. Rất bí ẩn”.

Cuộc sống trong hang rất cực khổ đối với hơn 20.000 quân nhân trẻ có độ tuổi trung bình là 21. Nhiều thanh niên khi thi hành nghĩa vụ quân sự đều ngỡ họ sẽ đến Bắc Kinh, nhưng hóa ra họ được điều động đến Dự án 816, hưởng mức lương tháng 6 nhân dân tệ (lúc đó tương đương 2,44 USD) từ việc khoét đá núi bằng cuốc, mìn.

Đó là công việc nguy hiểm, sức ép hoàn thành dự án lại rất lớn. Những người lính làm việc suốt ngày đêm, thực hiện đúng theo khẩu hiệu: “Chiến đấu không ngừng chống đế quốc, bọn xét lại và bè lũ phản cách mạng!”.

Nhiều người lính bị thương hoặc hy sinh. Ngày nay, số liệu thương vong chính thức khoảng 100 người. Nhưng nữ hướng dẫn viên du lịch Qi Hong nói cô không tin con số đó và cho rằng số thương vong phải cao hơn.

Trưng bày bộ quân phục của người lính làm việc ở Dự án 816

Đóng Dự án 816 là chính đáng

Vào lúc Dự án 816 bị ngưng năm 1984, công trình xây dựng đạt 85%. Tổng đầu tư vào dự án này ước tính hơn 746 triệu nhân dân tệ, tức khoảng 359 triệu USD vào lúc đó. Nhưng bỏ qua chuyện tốn kém, vài chuyên gia nói quyết định hủy Dự án 816 là rất chính đáng.

Hui Zhang, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Dự án quản lý nguyên tử của Đại học Harvard (Mỹ) nói: “Điều tốt duy nhất xảy ra với dự án này là họ không hoàn thành nó. Về tổng quan phát triển chương trình hạt nhân của Trung Quốc, Dự án 816 thật sự chẳng đóng góp được gì”.

Dù vậy, đối với nhiều người như ông Chen Huaiwe (69 tuổi), một cựu quân nhân từng khoét núi Kim Tử từ năm 1969 đến năm 1974, thì cảm giác mất mát vẫn còn nguyên.

Sau một lần trở lại thăm di tích Dự án 816, ông Chen kể: “Thời ấy, dự án này đã khiến nhiều thanh niên phải giã từ cuộc sống. Chúng tôi cần nói rõ điều này cho người dân biết, nếu không thì quả là một sự lãng phí nghiêm trọng những nỗ lực và nhân lực của chúng tôi. Trên hết, chúng tôi đã cống hiến hết mình vì tin tưởng rằng bản thân đang phục vụ Tổ quốc. Nếu chúng tôi biết cuối cùng nó lại là một điểm đến du lịch thì chúng tôi sẽ không bao giờ tham gia”.

Kim Hương (theo New York Times)