Kỳ 2: Trung Quốc dứt khoát không rút quân gìn giữ hòa bình

Hồ sơ - Ngày đăng : 14:21, 19/03/2017

Dù đã có những lời kêu gọi đưa lính trẻ về nước, nhưng Trung Quốc dứt khoát không rút quân gìn giữ hòa bình do ông Tập Cận Bình muốn giữ quyền lợi ở nước ngoài.
Tiểu đoàn bộ binh Trung Quốc đến Juba năm 2015 - Ảnh: Tân Hoa Xã

Cái chết của binh nhì Li Lei ở Nam Sudan xảy ra vài tuần sau khi một kỹ sư quân sự Trung Quốc bị giết ở Mali. Những việc này dẫn đến sự trăn trở ở Trung Quốc vốn lần đầu tiên phải đối mặt với những thực tế phũ phàng: lính trẻ về nước trong quan tài. Đó là một thực tế đắng lòng cho bất kỳ quốc gia nào đưa quân ra nước ngoài chiến đấu và là một điều rất mới đối với nhiều người Trung Quốc.

Các binh sĩ trẻ chào đời vào thời điểm Trung Quốc có chính sách “mỗi gia đình chỉ nên có một con” nên những trường hợp chết trận khiến cha mẹ họ về già không có ai chăm sóc. Theo một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây có liên quan việc trao đổi với Trung Quốc về tình hình Nam Soudan, thì lãnh đạo Trung Quốc “rụng rời” với việc binh lính tử trận ở Nam Sudan.

Wang Hongyi, một cựu quan chức ngoại giao và từng là lính gìn giữ hòa bình, nay làm việc ở Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói: “Những binh sĩ tử trận đã tác động đến chính phủ, quân đội và xã hội Trung Quốc”.

Không rút quân về nước

Cho đến nay, xem ra những trường hợp chết trận chưa dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc thay đổi chủ trương. Bắc Kinh nói vẫn sẽ duy trì kế hoạch mở rộng lực lượng gìn giữ hòa bình. Một quan chức quốc phòng cấp cao nói Trung Quốc nói rằng chính phủ không có ý định rút hay tăng quân đến Nam Sudan.

Theo WSJ, không có chuyện người dân Bắc Kinh rầm rộ phản chiến. Nhưng một chủ tài khoản của mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc đã kêu gọi lãnh đạo Bắc Kinh rút quân khỏi Nam Sudan vì “không đáng để Trung Quốc chịu đựng thêm những thương vong”.

Yue Gang, một vị đại tá hưu trí, từng làm việc ở Bộ Tổng tham mưu PLA cũng viết trên Weibo rằng nên rút binh sĩ Trung Quốc về nước: “Chúng ta không thể thụ động chờ bị đánh”.

Theo WSJ dẫn lời những người trong cuộc cho biết: Trong chính phủ Trung Quốc đã có những tư tưởng khác biệt về việc đưa quân ra nước ngoài.

Họ nói quan điểm chính của Bộ Ngoại giao là Trung Quốc nên nhanh chóng mở rộng hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài để thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu như Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu. Ngược lại, các chỉ huy quân sự chỉ muốn chậm rãi trong việc đưa quân ra nước ngoài, vì họ biết rõ binh lính thiếu kinh nghiệm chiến đấu, đồng thời có sự “nhạy cảm” trước những chỉ trích của người trong nước và dư luận quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận với WSJ, trong khi một quan chức quốc phòng khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc không hề có bất đồng.

Quân binh gìn giữ hòa bình Trung Quốc ở Nam Sudan

Quân gìn giữ quyền lợi Trung Quốc

Từ khi nắm quyền lực, ông Tập muốn Trung Quốc chuyển mình thành một cường quốc của thế giới. Ông quyết định đưa quân đội ra nước ngoài để tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình dưới cờ LHQ. Dù Trung Quốc cung cấp cảnh sát, kỹ sư và nhân viên y tế làm quân gìn giữ hòa bình từ năm 1990, nhưng chỉ dưới thời ông Tập mới triển khai quân chiến đấu đến Nam Sudan và Mali.

Trước đó từ năm 1990, Trung Quốc đã bị tổn thất 16 lính gìn giữ hòa bình, nhưng không phải quân chiến đấu mà chủ yếu vì lính bệnh, gặp tai nạn hoặc là nạn nhân thiên tai.

Hồi giữa thập niên 1990, các công ty Trung Quốc mua lại những giếng dầu do các công ty Mỹ bỏ, sau khi Washington cáo buộc chính phủ Sudan dính líu khủng bố. Tình hình phức tạp hơn khi Nam Sudan giành độc lập năm 2011. Các mỏ dầu của Trung Quốc chủ yếu ở quốc gia mới này. Đến năm 2013 thì nội chiến Nam Sudan bùng nổ.

Lúc này, ông Tập vừa nắm quyền lực được một năm. Ông Tập đã quyết tự thể hiện là một lãnh đạo quân sự mạnh mẽ nên ra lệnh cho quân đội bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc ở nước ngoài, đồng thời lệnh cho quân binh phải “sẵn sàng chiến đấu thật sự”.

Tháng 1.2015, Bắc Kinh triển khai một tiểu đoàn bộ binh 700 quân đến Nam Sudan, phối hợp với hơn 300 kỹ sư, nhân viên y tế và lực lượng vận tải người Trung Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc là cố gắng tránh tái diễn kinh nghiệm của họ ở Libya, khi các công ty Trung Quốc mất gần hết những khoản đầu tư trong cuộc nội chiến Libya. Cuộc chiến này đã buộc Bắc Kinh phải sơ tán 35.000 công dân của họ hồi năm 2011.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn quân đội cần học thêm kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài. Giới truyền thông nhà nước nói việc triển khai quân này là một cột mốc và liên tục phát hình ảnh lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc được trang bị vũ khí hiện đại đảm nhiệm tuần tra, đề cao tinh thần kỷ luật và công tác huấn luyện.

Năm 2015, ông Tập hứa lập lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 8.000 quân, trong khi hiện có 2.600 quân được triển khai đến nước ngoài. Trung Quốc cũng góp tiền thuộc hàng thứ hai cho hoạt động này (sau Mỹ) và là quốc gia cung cấp nhiều quân nhất trong 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.

Người trong cuộc còn nói với WSJ: Bắc Kinh đang vận động hành lang để một quan chức của họ lãnh đạo cơ quan điều phối quân gìn giữ hòa bình của LHQ kể từ năm 2017. Đây là sẽ là năm mà Trung Quốc hoàn tất nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Djibouti (châu Phi) và ông Tập Cận Bình cũng nhắm đến năm 2020 sẽ cải tổ PLA, để có thể tham gia các chiến dịch khác ở nước ngoài, nhằm bảo vệ các quyền lợi và công dân Trung Quốc ở nước ngoài.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)