Kỳ 1: Lính Trung Quốc chết vì súng ‘made in China’
Hồ sơ - Ngày đăng : 11:00, 18/03/2017
Sau 1979, Trung Quốc từng quyết định không can thiệp vào những cuộc chiến ở nước ngoài, cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình làm lãnh đạo thì có sự thay đổi.
Lính trẻ hồi cố hương trong quan tài
Ngày 8.7.2016, từ trụ sở của quân gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ) ở thủ đô Juba của Nam Sudan, binh nhì Li Lei gửi lời chúc mừng sinh nhật 22 tuổi của chính anh qua ứng dụng WeChat, với hình ảnh một chiếc nón sắt màu xanh của quân LHQ và các trực thăng đang bay. Lời chúc của Li: “Mong tất cả các đồng đội được an toàn”. Đó là thông tin cuối cùng của Li Lei mà gia đình và bạn bè anh biết được.
Lúc đó, quân đội chính phủ Nam Sudan đang chiến đấu ngay tại trung tâm Juba từ ngày 7.7, và trận đánh đe dọa trụ sở LHQ gần đó. Quân đội Trung Quốc gìn giữ hòa bình canh gác, bảo vệ trụ sở này. Quân chính phủ Nam Sudan dùng xe tăng, súng máy và trực thăng tấn công để đấu súng với quân nổi loạn ẩn náu trong các lùm cây.
Ngày 10.7, quân chính phủ đưa xe tăng đến cách trụ sở LHQ khoảng 400 mét, nã đạn vào những tòa nhà mà quân nổi loạn ẩn náu. Chúng bỏ chạy ra cổng gần một xe bọc thép với 6 lính Trung Quốc trong đó có binh nhì Li Lei.
Nhân chứng kể lại rằng lựu đạn từ một khẩu súng phóng lựu đã bắn vào chiếc xe tăng này. Quân Trung Quốc liền đưa xe cứu thương tới. Các đồng đội cố gắng giữ Li Lei tỉnh nhưng anh hy sinh lúc gần 9 giờ tối, theo quân đội Trung Quốc cho biết. Hôm sau, đến lượt trung sĩ Yang Shupeng chết.
Khi quan tài Li Lei và Yang Shupeng được đưa về nước có phủ cờ Trung Quốc, một đội quân danh dự đón và diễu hành qua các đường phố có 200.000 người xếp hàng chờ và truyền hình trực tiếp. Hai liệt sĩ được thiêu, hài cốt đựng trong bình được đưa về nghĩa trang dành cho các chiến sĩ cách mạng (chủ yếu là mộ liệt sĩ thời nội chiến Trung Hoa và thời bị Nhật chiếm đóng) ở quê nhà của họ.
Trong 3 ngày đầu tiên, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập đến cuộc đấu súng này mà chỉ đưa tin sâu sau khi có lính chết. Sau đó, chính quyền tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ, trong khi giới truyền thông có những bình luận rằng các liệt sĩ hy sinh vì công cuộc đưa tổ quốc trở thành cường quốc. Trong những nội dung đó có phần bình luận như sau: “Khi bảo vệ hòa bình thế giới, quân nhân Trung Quốc đã ra mặt trận, đối diện với thử thách của máu và chiến tranh. Điều này phản ánh trách nhiệm của một cường quốc”.
Lính Trung Quốc chết vì chính súng “made in China”
Điều trớ trêu là theo nhiều quan chức LHQ, có lẽ binh nhì Li Lei bị giết bởi một loại vũ khí do chính Trung Quốc sản xuất rồi bán cho các nước đang phát triển. Trung Quốc đã bán vũ khí cho Nam Sudan từ nhiều năm khi theo đuổi chủ trương nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.
Trung tướng Johnson Mogoa Kimani Ondieki, chỉ huy quân gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan nói rằng điều tra đạn đạo cho thấy khẩu súng phóng lựu do Trung Quốc sản xuất. Nhưng một quan chức quốc phòng cấp cao Trung Quốc nói: “Chúng ta cần chú ý kẻ nào sử dụng chúng chứ không nên để ý ai sản xuất ra nó”.
LHQ nói rằng chiếc xe bọc thép vô tình lọt vào tầm đạn, còn nhiều nhân chứng thì nói quân chính phủ đã nã đạn vào trụ sở LHQ. Viên tướng người Kenya lại nghĩ chiếc xe bị bắn vì quân chính phủ nghĩ rằng LHQ che chắn cho bọn nổi loạn.
Hồi đầu tháng 10.2016, LHQ cho biết đã thay tướng Ondieki vì “chỉ huy yếu kém, dẫn đến sự phản ứng hoảng loạn và phi hiệu quả”. Cuộc điều tra của LHQ cũng phát hiện lính Trung Quốc bỏ vị trí phòng thủ ít nhất hai lần, không chịu can thiệp để ngăn chặn quân nổi loạn hiếp dâm các nhân viên hoạt động cứu trợ phương Tây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói phát hiện này là “phê phán vô trách nhiệm”, yêu cầu phải bảo vệ lính gìn giữ hòa bình tốt hơn. Các quan chức chính phủ Nam Sudan từ chối bình luận về báo cáo của LHQ.
Phó tổng thống Taban Deng Gai nói rằng chính phủ nước ông vẫn đang điều tra vụ bạo lực hồi tháng 7.2016.
Gia đình Li Lei bên quan tài liệt sĩ
Mộ bia ở mặt trận không tên
Tiểu đoàn quân Trung Quốc chủ yếu đóng ở trụ sở LHQ tại Juba với hai trại tị nạn chứa khoảng 37.000 dân bản xứ. Một tấm bảng tại đây cho biết Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc đồng tài trợ kinh phí hoạt động cho một trại. Quân Trung Quốc chủ yếu tuần tra ở khu vực này. Họ ăn đồ ăn Trung Quốc do các siêu thị của người Trung Quốc cung cấp và chơi với dân địa phương.
Khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát hình ảnh bộ binh Trung Quốc đang dưới tầm đạn lửa ở Juba, chật vật cứu chiến hữu bị thương, nhiều khán giả rụng rời. Rất ít người Trung Quốc biết những nguy hiểm của chiến tranh, như gia đình binh nhì Li Lei ở một vùng quê gần Tây Tạng. Mẹ anh kể rằng trước khi con lên đường, bà hỏi nhiệm vụ có nguy hiểm hay không và anh đã trả lời: “Trung Quốc mạnh, ai dám bắt nạt dân ta?”.
Cái chết của Li Lei là nỗi đau thương rất lớn vì anh còn trẻ và rất hiếu thảo. Do Trung Quốc theo đuổi chính sách “mỗi gia đình chỉ nên có một con” nên anh không có anh chị em và lúc 13 tuổi thì cha chết vì bệnh ung thư.
4 năm sau, Li Lei nhập ngũ để có tiền lương giúp mẹ. Anh đến Juba hồi cuối năm ngoái, vinh dự tự hào được tham gia một hoạt động lịch sử. Nhưng trong cuộc gọi điện về nhà, người mẹ nhận ra con trai cảm thấy rất căng thẳng về chuyện các trại tị nạn bị quá tải, thiếu nước uống và an ninh xuống cấp.
Những tin nhắn WeChat của anh ngày càng u ám hơn, như hồi tháng 3, anh viết: “Khi một người lính hy sinh vì tổ quốc ở một mặt trận không tên, mộ anh là nơi anh ngã xuống, vải liệm chính là bộ quân phục anh mặc”.
Ngày 7.7, Li Lei còn chụp ảnh đang mặc quần áo dân sự, rồi đến bộ quân phục rằn ri và đội mũ nồi xanh của quân gìn giữ hòa bình LHQ. Anh viết trên WeChat: “Trưởng thành qua năm tháng” rồi cho biết 6 tháng nữa mới về nước. Vào sinh nhật, anh gọi điện thoại cho mẹ nhưng chỉ nói được vài câu vì tín hiệu xấu.
Gia đình Li Lei nói rằng nghe báo đài ngày 11.7 mới biết tin anh tử trận. Nhưng họ chưa chịu tin vì tiểu đoàn của anh có người trùng tên. Mẹ anh gọi điện hỏi chỉ huy tiểu đoàn thì không được họ trả lời. Rồi chỉ khi bà trông thấy ngày sinh và ảnh con trên mạng, quân đội mới báo tử. Bộ Quốc phòng Trung Quốc giải thích các sĩ quan quyết định không trực tiếp thông báo, chỉ dùng điện thoại để báo tử.
Người mẹ cho biết bà ủng hộ con trai nhập ngũ vì nghĩ rằng đó là một công việc ổn định: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến kiểu nguy hiểm này”.
(còn tiếp)
Kim Hương (theo The Wall Street Journal)