Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm quê quán Triều Tiên

Hồ sơ - Ngày đăng : 14:23, 10/05/2017

Báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 10.5 đưa tin tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ đi thăm quê quán ở Triều Tiên, quê hương của cha mẹ ông.
Tân Tổng thống Moon Jae-in hứa với dân sẽ là lãnh đạo “sạch” - Ảnh AP

Ngày 10.5, trong diễn văn đầu tiên ở vai trò Tổng thống, ông Moon nhấn mạnh nỗ lực sẽ là một lãnh đạo “sạch”, ngược với bà Park Geun-hee, vị nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đã bị bãi nhiệm và bị luận tội tham nhũng.

Ông Moon hứa sẽ là Tổng thống của nhân dân, kể cả của người không bầu cho ông. Ông cũng nhắc lại lời hứa tranh cử là tiếp tục đối thoại với Bình Nhưỡng, tái thực hiện Chính sách Ánh Dương: "Nếu cần thiết, tôi sẽ bay đi Mỹ ngay lập tức. Tôi cũng sẽ đến Bắc Kinh và Nhật Bản và khi đủ điều kiện, tôi sẽ thăm Bình Nhưỡng. Tôi sẽ làm mọi việc vì bán đảo Triều Tiên”.

Ông cũng hứa sẽ làm việc để củng cố mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, nói chuyện với Trung Quốc và Mỹ để tháo ngòi nổ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Hồi tháng 12.2016, ông Moon tuyên bố nếu trúng cử, ông sẽ thăm Triều Tiên trước khi thăm Mỹ. Sau khi bị chỉ trích vì tuyên bố này, ông Moon bào chữa rằng giới truyền thông trình bày sai ý ông.

Khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bùng nổ, sức tiến quân của quân đội Triều Tiên đã buộc cha mẹ ông cùng 100.000 người lên một tàu chiến Mỹ sơ tán khỏi cảng Heungnam (Triều Tiên) hồi mùa đông 1950.

Hai năm sau, ông Moon ra đời trong một trại tị nạn ở đảo Geoje (Hàn Quốc) do LHQ quản lý.

Một nhóm người di tản lên tàu chiến Mỹ khi bùng nổ chiến tranh Triều Tiên

Thời sinh viên chống Mỹ

Năm 1972, Moon trở thành sinh viên đại học luật Kyung Hee ở Seoul.

Năm 1975, anh bị bắt và bị đuổi khỏi trường, do dẫn đầu cuộc biểu tình sinh viên chống chế độ độc tài quân sự Park Chung-hee, người nắm quyền lực ở Hàn Quốc từ năm 1961 đến năm 1969, và là cha của bà Park.

Vào những năm 1970, chàng sinh viên Moon chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhà báo Rhee Young-hee, người từng viết một cuốn sách chỉ trích Mỹ-Hàn tham chiến trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Chế độ quân sự Hàn Quốc đã cấm cuốn sách này và bắt giữ tác giả.

Năm 2011, trong cuốn hồi ký “Định mệnh”, ông Moon viết: “Cho đến lúc đó, chúng tôi được dạy rằng mọi điều Mỹ làm đều là công lý, là sự thật và những ai phản bác chính là bọn quỷ cần phải đẩy lui. Cuốn sách của Rhee đã tháo cởi những tư tưởng sai trái”.

Theo WSJ, vào những năm 1970-1980, sinh viên thường biểu tình, xung đột với chế độ Park Chung-hee. Nhiều sinh viên đọc các bài viết của nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và có cảm tình với miền Bắc. Một số người muốn kết thân với chế độ Bình Nhưỡng.

Ông Moon từng có mặt ở vụ lính Triều Tiên chém chết lính Mỹ

Sau khi ngồi tù 4 tháng, Moon đi lính, trở thành một quân nhân lực lượng biệt kích Hàn Quốc. Khi đang ở lực lượng này, Moon thuộc một đơn vị lo chặt một gốc cây bạch dương có tán lá rộng, che khuất tầm nhìn của quan sát viên LHQ ở Khu an ninh chung (JSA) thuộc làng Bàn Môn Điếm, vùng giới tuyến phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều-Hàn.

Ngày 18.8.1976 xảy ra sự cố 2 lính bộ binh Mỹ tham gia vụ đốn cây bạch dương và bị lính Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) chém chết.

Hôm ấy, một nhóm nhân công Hàn được 14 lính hộ tống, đến dùng rìu để tỉa cây này. Vài phút sau, một nhóm lính KPA đến quan sát, không ngăn chặn họ làm việc trong khoảng 15 phút. Rồi thật bất ngờ, tổ trưởng KPA là trung úy Pak Chul ra lệnh nhóm nhân công Hàn phải ngưng làm việc lập tức. Pak khẳng định cây bạch dương này do chính nhà lập quốc Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) trồng, Hàn Quốc không được chặt.

Nhưng đại úy Arthur Bonifas - chỉ huy nhóm nhân công - phớt lờ lệnh của Pak, người lập tức gọi một xe chở thêm 20 lính KPA đến. Khi lệnh của mình lại bị phớt lờ, Pak liền lệnh cho nhóm lính: “Giết hết bọn chúng”.

Nhóm nhân công Hàn liền buông rìu, nhưng các tay súng KPA lượm rìu lên và giết chết đại úy Bonifas và tiểu đội trưởng Mark Barrett bị thương nặng. Barrett phải trốn xuống một ao nước gần đó trước khi được cứu, nhưng ông chết ngay sau khi được đưa lên trực thăng bay về Seoul.

Ngày 18.8.1976, lính Mỹ-Hàn mở chiến dịch Paul Bunyan, đi chặt cây bạch dương nhằm phô trương lực lượng. Khoảng 800 lính LHQ và Hàn trang bị súng ngắn, tiểu liên M-16, súng phóng lựu và mìn, ngồi trên 23 xe chạy thẳng vào JSA mà không báo cho PKA biết.

Họ có sự hỗ trợ của các trực thăng tấn công, chiến đấu cơ F-4, thậm chí có cả máy bay ném nom B-52 quần thảo trên đầu họ. Tất cả các hành động này chỉ để bảo vệ 8 người cầm cưa máy lo đốn cây bạch dương.

KPA liền phản ứng với khoảng 200 quân trang bị vũ khí đầy đủ. Họ nhảy khỏi xe liền lập nhiều ụ súng máy 2 người, và ở đó, họ lặng lẽ theo dõi phía Mỹ-Hàn đốn cây bạch dương trong 42 phút.

Nhóm cưa đốn cố tình để lại gốc cây. Mãi đến năm 1987 mới có một tấm biển đồng tưởng niệm 2 sĩ quan Mỹ bị giết được gắn vào đó. Vụ phản ứng này được gọi là Chiến dịch Paul Bunyan và được đưa vào sách giáo khoa lịch sử Hàn Quốc. Đơn vị của Moon cũng được tặng một mẩu cây bạch dương để làm kỷ niệm.

Vụ xô xát giữa lính KPA với lính Mỹ-Hàn khi chặt cây bạch dương năm 1976

Thực hiện ước mơ luật sư nhân quyền

Năm 1980, Moon trở lại giảng đường rồi tốt nghiệp, bắt đầu hành nghề luật sư.

Rồi ông Moon gặp đàn anh Roh Moo-hyun, tạo mối quan hệ thân thiết và năm 1982, hai người mở công ty luật ở thành phố Busan, tập trung vào các vấn đề về dân quyền và nhân quyền.

Ông Moon từ chối nhiều chỗ làm béo bở trong các công ty luật, để làm luật sư bảo vệ nhân quyền. Ông viết trong hồi ký: “Người luật sư mà tôi muốn trở thành là người biết nghe dân góp ý”.

Năm 2002, với sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Moon, ông Roh trúng cử Tổng thống Hàn Quốc, chọn ông Moon làm trợ lý pháp lý và giao nhiệm vụ quét sạch tham nhũng, xét lý lịch các ứng viên vào các vị trí cấp cao trong chính quyền. Không lâu sau, ông Moon trở thành chánh văn phòng Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc).

Sau khi mãn nhiệm kỳ năm 2008, ông Roh bị thẩm vấn về một số cáo buộc hối lộ, rồi ông nhảy núi tự sát năm 2009, trước sự chứng kiến của ông Moon. Sau đó, ông Moon thông báo cái chết của ông Roh rồi lo tổ chức đám tang.

Đến năm 2014, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc xóa tội cho ông Roh.

Hai ông Roh-Moon đều ủng hộ Chính sách Ánh Dương (từ 1998 đến 2008), cổ động giúp đỡ nhân đạo và hợp tác kinh tế với Triều Tiên, trong hy vọng xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau, hướng Triều Tiên đến sự mở cửa và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân (VKHN).

Từ chính sách này, ông Roh và người tiền nhiệm Kim Dae-jung từng có cuộc gặp thượng đỉnh với cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un.

Năm 2007, ông Roh và ông Moon cũng gặp ông Kim Jong-il ở Bình Nhưỡng.

Kết quả của Chính sách Ánh Dương là một giai đoạn quan hệ hòa dịu chưa từng có ở bán đảo Triều Tiên. Nhưng Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi chương trình VKHN, thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên hồi năm 2006.

“Phải công nhận Kim Jong-un là lãnh đạo Triều Tiên”

Khi tranh cử Tổng thống năm 2012 và năm nay, ông Moon từng trình bày kế hoạch tham vọng là hợp tác kinh tế liên Triều, nói nó sẽ “tạo ra không dứt các vận hội”.

Ông cũng hứa sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un: “Tôi sẽ lau khô nước mắt của những gia đình bị đau khổ vì bán đảo Triều Tiên bị chia rẽ”.

Nhằm làm thân với Triều Tiên, ông Moon nói sẽ cho mở lại khu phức hợp xí nghiệp liên doanh Hàn-Triều ở thành phố Kesong (Triều Tiên). Người Triều Tiên được đưa vào làm nhân công ở khu này trong khi Hàn Quốc bỏ vốn.

Ông Moon từng chỉ trích hai cựu Tổng thống “diều hâu” là bà Park và người tiền nhiệm của bà là ông Lee Myung-bak đã phá hỏng những tiến bộ trong quan hệ liên Triều.

Ông kêu gọi một biện pháp kép đối với Triều Tiên: đối thoại để đạt đến sự thống nhất về kinh tế, cuối cùng là thống nhất về chính trị và quân sự.

Ngày 12.3, ông Moon nói ông lo ngại “chế độ độc tài tàn nhẫn ở Triều Tiên”. Nhưng ông cũng nói lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Mỹ cùng phe bảo thủ ở Hàn Quốc áp đặt suốt 10 năm qua đã không thể chặn ngăn chương trình VKHN của Triều Tiên, nên đã đến lúc phải thử cách không đối đầu với Bình Nhưỡng.

Ông Moon nói: “Chúng ta phải ôm lấy nhân dân Triều Tiên như một một phần của quốc gia, và để làm thế, dù chúng ta thích hay không thích, chúng ta phải thừa nhận Kim Jong-un là lãnh đạo và là đối tác đối thoại của chúng ta, và liệu có nên tiếp tục gây sức ép và áp đặt lệnh cấm vận lên Triều Tiên”.

Nhưng ông Moon cũng nói người Hàn Quốc phải học “nói không” với người Mỹ và chiến lược của phe bảo thủ đã không hiệu quả: “Họ đã làm được gì ngoài việc nói xấu Triều Tiên? Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ phải tăng cường cấm vận, nhưng mục đích trừng phạt phải là đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán”.

Ông Moon cũng phản đối quan điểm “diều hâu” đối với Bình Nhưỡng của phe bảo thủ và của Mỹ, “vệ sĩ số 1” của Hàn Quốc.

Ông Moon và các đối tác đặc biệt lo ngại việc Mỹ dàn hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Ông dẫn việc Trung Quốc phẫn nộ về động thái này và cảnh cáo một vụ căng thẳng tương tự vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba.

THAAD hiện đại đặt ở cửa ngõ Trung Quốc, khiến người dân nước này phẫn nộ, tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc. Bắc Kinh đã phản đối chiến lược của Mỹ.

Chính phủ bà Park từng xem THAAD là phương tiện phòng thủ chủ lực trước mối đe dọa tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng ông Moon từng “thề” sẽ xem lại việc dàn THAAD, nếu ông trúng cử TT. Ông trách bà Park đã không hỏi ý dân về việc này: “Tôi không thể hiểu tại sao lại vội vã dàn hệ thống này. Tôi nghi rằng họ muốn tạo ra chuyện đã rồi, biến nó thành một vấn đề chính trị để sử dụng trong cuộc bầu cử”.

Kim Hương (tổng hợp)