Cựu điệp viên CIA dính nghi án Nga âm mưu lật đổ chính quyền Montenegro

Hồ sơ - Ngày đăng : 16:38, 18/06/2017

Các nhà điều tra của Quốc hội Mỹ đang tò mò có phải một cựu điệp viên CIA dính nghi án Nga âm mưu lật đổ chính quyền Montenegro, theo báo The Wall Street Journal (WSJ) .
Vợ chồng cựu điệp viên CIA Assad kể chuyện giải cứu người Iraq khỏi bọn IS - Ảnh: The Wall Street Journal

Hồi tháng 10.2016, ngành công tố Montenegro cáo buộc các cơ quan tình báo Nga và những tổ chức thân Nga ở Montenegro âm mưu ám sát Thủ tướng lúc đó là ông Milo Djukanovic, và tổ chức đảo chính ở cuộc bầu cử quốc hội nước này để đưa đảng đối lập Mặt trận Dân chủ thân Nga lên nắm quyền.

Tuy nhiên, âm mưu bị ngăn chặn vào giờ chót. Phe đối lập nói đã có những dàn dựng một cuộc đảo chính giả, nhằm lôi kéo cử tri “về phe” đảng Dân chủ xã hội cầm quyền.

Nga cũng phủ nhận cáo buộc.

Cựu điệp viên CIA nhận tiền của tình báo Nga ?

Nay, các quan chức Montenegro và Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đang muốn biết vì sao hồi tháng 10.2016, cựu điệp viên CIA Joseph Assad lại bay đến Montenegro chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử quốc hội Montenegro.

Các quan chức Montenegro nói họ đang xác minh có phải Assad được trả tiền để giúp nhóm âm mưu lật đổ chính quyền.

Ngành công tố nước này đã buộc tội 14 người tham gia âm mưu này. Cáo trạng nói bị cáo gồm một nhóm người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc và nhiều người tự nhận là “Bầy Sói”.

Cáo trạng buộc tội nhóm nghi can âm mưu lật đổ chính quyền, âm mưu giết thủ tướng và lập một chế độ thân Nga.

Trong số những người bị cáo buộc có hai điệp viên Nga, 3 thành viên đảng đối lập và 9 người Serbia.

Phiên tòa xét xử ở nước này sẽ dựa vào độ tín nhiệm của nhân chứng chính của chính phủ, là một người Serbia không bị buộc tội.

Trong một bản tuyên bố, nhân chứng này nói một điệp viên Nga đã tuyển ông ta vào vụ lật đổ.

Cáo trạng không buộc tội Assad, nhưng nói ông ta có thể được thuê để giúp dẫn dắt nhóm âm mưu đảo chính đào thoát khỏi Montenegro.

Các quan chức Mỹ nói không có chuyện bọn âm mưu đảo chính lại dùng người ngoài để đưa người của họ thoát khỏi Montenegro. Tuy nhiên, họ cùng các quan chức Montenegro nói có thể những điệp viên Nga muốn lôi kéo một cựu điệp viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) vào âm mưu này, để làm mờ đi trách nhiệm của Moscow.

Các quan chức Mỹ và đồng minh nói về một lý do khiến họ tin có một âm mưu lật đổ chính quyền. Đó là việc Tổng thống Aleksandar Vucic của Serbia nói: cơ quan an ninh nước ông phát hiện “chứng cứ không thể chối cãi” hỗ trợ cáo buộc Nga âm mưu đảo chính, và Serbia quyết định hợp tác với cuộc điều tra.

Trong cáo trạng, công tố viên Montenegro nêu Assad đã gọi điện thoại đến công ty bảo vệ Patriot Defense Group ở bang Florida, để tìm người giúp “chống theo dõi và sơ tán” cho đảng đối lập ở Montenegro.

Giám đốc công ty bảo vệ này là Brian Scott, một cựu quan chức CIA. Ông nói công ty ông không nhận việc do Assad đề nghị, vì nó không liên quan tôn chỉ hoạt động của công ty là giúp gìn giữ an ninh cho các công ty Mỹ ở nước ngoài.

Theo WSJ, trong tuần này, nhân viên và các nhà điều tra thuộc Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ sẽ gặp Assad và Scott để thẩm vấn họ.

Chủ tịch Ủy ban này, Hạ nghị sĩ Devin Nunes nói: “Nếu người Mỹ dính líu, chúng tôi cần phải điều tra”.

Ông đã đi Montenegro để gặp các công tố viên về cáo buộc sự dính líu của Nga. Ông nói tiếp: “Đây là một âm mưu lật đổ một chính quyền thân NATO vì những quyền lợi của Nga”.

Lời biện hộ của người bạn đồng nghiệp

Assad chưa hề bị buộc tội danh nào. Ông từ chối trao đổi với báo WSJ.

Luật sư Vincent Citro của ông cho biết: Assad đến Montenegro hồi tháng 10.2016, để giúp một người bạn đang điều hành chiến dịch tranh cử của phe đối lập.

Luật sư Citro còn nói Assad không dính líu bất kỳ âm mưu nào, đồng thời khẳng định Assad không làm điệp viên cho Nga hoặc bất kỳ nước nào khác.

Luật sư xác nhận Assad có gọi điện đến công ty bảo vệ an ninh Patriot. Và nói thân chủ của ông có hợp tác với cuộc điều tra của chính phủ Mỹ, để “làm rõ những thông tin sai đến từ Montenrgo”.

Luật sư Citro khẳng định Assad không hề bị điều tra.

Theo WSJ, phe đối lập đã thuê giám đốc tranh cử Aron Shaviv người Anh gốc Israel. Shaviv nổi tiếng nhờ sản xuất những quảng cáo chính trị vui vẻ cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Shaviv kể vì những quảng cáo đả kích và chọc vui chính phủ Montenegro, ông bị an ninh và cảnh sát Montenegro theo dõi và chặn xe gây khó dễ. Ông thừa nhận đã gọi điện nhờ bạn đồng nghiệp Assad đến Montenegro giúp thực hiện những đánh giá an ninh.

Luật sư của Assad nói ông đã cung cấp các bản đánh giá cho Shaviv rồi trở về Mỹ vào ngày bầu cử quốc hội Montenegro.

Các quan chức Montenegro nói không có dấu hiệu cho thấy các cơ quan an ninh hoặc quân đội theo dõi Shaviv, Các nhà điều tra của Hạ viện Mỹ và Montenegro đều đặt dấu hỏi về thời gian về nước của Assad.

Nói chuyện với WSJ, họ thắc mắc tại sao một cố vấn an ninh lại rời bỏ khách hàng vào ngày bầu cử, chỉ vài giờ sau những vụ bắt các nghi phạm âm mưu lật đổ chính quyền.

Cảnh sát Montenegro bắt một nghi can âm mưu lật đổ chính quyền

Shaviv không bị cáo buộc dính líu vụ âm mưu đảo chính, nói cáo buộc của các công tố viên nhằm để người dân tin Nga toan lật đổ chính quyền, bằng cách sử dụng một nhóm cố vấn chính trị, một cựu điệp viên CIA và “vài gã nông dân cầm súng săn người Montenegro”.

Ông cũng nói chính phủ Montenegro đối mặt với sự thất cử hồi tháng 10, nên “dựng chuyện” có âm mưu đảo chính nhằm lôi kéo cử tri.

Các quan chức đảng cầm quyền và chính phủ Montenegro đều phủ nhận cáo buộc của Shaviv.

Trò chơi tình báo phương Đông chống phương Tây “sống lại”

Tình trạng phức tạp trên là dấu hiệu trò chơi tình báo phương Đông chống phương Tây ngày trước nay “sống lại” ở châu Âu.

Các cựu và đương kim quan chức Nga - Mỹ đều xác nhận ở chỗ riêng tư, rằng điệp viêp của họ hoạt động ở vùng Balkan và Montenegro.

Những rắc rối gần đây của Montenegro bắt đầu từ khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói sẽ đón nhận nước này, trong khi Nga nỗ lực không cho khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này mở rộng thêm thành viên.

Nga đã lập tức lên tiếng phản đối, và phương Tây nói Nga bắt đầu hành động để không cho Montenegro gia nhập NATO. Thế nhưng đảng cầm quyền thắng cuộc bầu cử quốc hội Montenegro tháng 10.2016, và ông Dusko Markovic làm Thủ tướng.

Ngày 5.6.2017, Montenegro chính thức trở thành thành viên thứ 29 của NATO, cam kết đóng góp 2 % GDP vào kinh phí quốc phòng, theo chỉ tiêu của NATO.

Moscow liền phản đối, nói NATO mở rộng về phía Đông là hành động đe dọa an ninh Nga và dẫn đến gia tăng căng thẳng ở châu Âu.

Nga từng là đồng minh hàng đầu với Montenegro, cũng là nước đầu tư lớn nhất vào đất nước này. Thế nhưng quan hệ giữa Montenegro và Nga đã xấu đi sau khi quốc gia vùng Balkan này tỏ ý muốn gia nhập NATO, khối liên minh quân sự được thành lập từ năm 1949 và vẫn là luôn là "cái gai trong mắt" Nga.

Dù có diện tích và dân số nhỏ, Montenegro được cho là sở hữu vị trí chiến lược quan trọng tại vùng Balkan và giúp NATO mở rộng biên giới tại vùng bờ biển Adriatic, theo AP.

Các quan chức Nga bác bỏ cáo buộc họ nỗ lực gây bất ổn ở các nước muốn gia nhập NATO hoặc các nước giáp giới Nga. Nhưng các quan chức Mỹ cho rằng sẽ còn nhiều vụ Nga can thiệp vào chính trường châu Âu.

Tướng Ben Hodges, một chỉ huy cấp cao của quân Mỹ ở châu Âu, nói Nga “sẽ tiếp tục làm thế, gây sức ép lên các nước xung quanh Nga”.

Trung Trực (theo The Wall Street Journal)

+ Assad là người Ai Cập theo đạo Thiên Chúa, lớn lên ở Ai Cập và Lebanon và nay có quốc tịch Mỹ.

+ Assad đến Mỹ để theo học đại học ở Florida, khoa chính trị học và tốt nghiệp năm 1994.

+ Năm 1999, Assad và vợ (sinh ở Mỹ) đều gia nhập CIA.

+ Năm 2015, sau khi Assad chuyển qua công ty tư vấn an ninh tư nhân, kênh thời sự ABC có một phim tài liệu kể ông ta giúp giải cứu 149 người Iraq theo đạo Thiên Chúa khỏi bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).