Điều khiến Thủ tướng Shinzo Abe tự tin với 'canh bạc' bầu cử sớm
Hồ sơ - Ngày đăng : 07:20, 01/10/2017
Thủ tướng Abe quyết định bầu cử sớm, sẵn sàng đánh cược sinh mạng chính trị của mình
Ngày 28.9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức giải tán Hạ viện - mà lẽ ra phải tới tháng 12.2018 mới kết thúc nhiệm kỳ - mở đường cho cuộc tổng tuyển cử sớm, được ấn định vào ngày 22.10. Theo giới phân tích, quyền lực của vị thủ tướng 63 tuổi chưa bao giờ vững như lúc này, vậy mà ông lại tổ chức bầu cử sớm và có thể phải đánh cược với sinh mệnh chính trị của mình.
Bởi lẽ, cách đây mới hơn 2 tháng, đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Hội đồng Thủ đô Tokyo diễn ra vào ngày 2.7.2017. Là đảng cầm quyền trung ương, nhưng LDP chỉ giành được 23 ghế, giảm hơn nửa phần từ 57 ghế. Đây là con số thấp nhất trong lịch sử LDP.
Nhận trách nhiệm về thất bại lịch sử, ngay sáng ngày 3.7, Thủ tướng Abe, với tư cách là Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, đã nhấn mạnh rằng đây là một sự trừng phạt rất nặng nề đối với LDP và các thành viên đảng chính trị này phải xem đó là lời cảnh tỉnh.
Nhiều nhận định cho rằng không loại trừ khả năng Thủ tướng Abe có thể rơi vào tình cảnh của Thủ tướng Theresa May tại nước Anh khi tổ chức bầu cừ sớm. Bởi Thủ tướng May quyết định bầu cử sớm vào tháng 6.2017 trong bối cảnh đảng Bảo thủ đang ở vị thế thuận lợi, để rồi cuối cùng phải nhận "chiến thắng còn hơn thất bại" khi đánh mất nhiều ghế tại Nghị viện cho các đối thủ.
Vậy cơ sở nào khiến Thủ tướng Abe tự tin vào quyết định của mình? Theo giới phân tích, quyết định của ông Abe dựa trên cả hiệu ứng xã hội, hiệu ứng kinh tế và hiệu ứng chính trị, mà sẽ đảm bảo chiến thắng cho liên minh cầm quyền, qua đó giúp cho chương trình kinh tế Abenomics - chiến lược cuộc đời của ông Abe - có thêm sức sống.
Hiệu ứng xã hội tích cực đối với liên minh cầm quyền thể hiện qua kết quả các cuộc khảo sát
Phải thấy rằng, từ sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ cho đến nay, mọi cuộc thăm dò dư luận trước các cuộc bầu cử theo mô hình các nước phương Tây đều có độ chính xác cao. Từ bầu cử tại Hà Lan, Pháp, Đức, Hàn Quốc và cả tại Anh vậy.
Đây là cơ sở rất quan trọng để Thủ tướng Abe tự tin giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử sớm. Bởi từ sau “sự cố Tomomi Inada”, kết quả các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy mức độ tín nhiệm dành cho cá nhân Thủ tướng Abe và liên minh cầm quyền Dân chủ tự do - Komeito luôn ở mức cao.
Theo thăm dò mới nhất của báo Mainichi trong ngày 26 và 27.9 - ngay trước khi Thủ tướng Abe giải tán Hạ viện - kết quả có 29% người được khảo sát cho biết họ sẽ bầu cho đảng chính trị của Thủ tướng Abe, đảng chính trị của bà Koike - đối thủ chính của ông Abe - chỉ được 18%. Kết quả khảo sát của báo Asahi thì tỉ lệ này là 32% và 13%. Quá là chênh lệch.
Theo Nikkei News, số ghế tại Hạ viện Nhật Bản sẽ giảm từ 475 xuống còn 465 trong nhiệm kỳ tới. LDP có 287 ghế, đảng Komeito có 35 ghế, qua đó tạo ra thế "siêu" đa số tại Hạ viện. Tuy nhiên, mục tiêu của đảng cầm quyền sẽ chì là giành ít nhất 233 ghế trong nhiệm kỳ tới - nghĩa là rất khiêm tốn so với nhiệm kỳ vừa qua - điều đó giúp cho chiến thắng có thể được đảm bảo.
Còn nhớ trong cuộc bầu cử lại 1/2 Thượng viện hồi tháng 7.2016, đảng LDP và đảng Komeito đã có chiến thắng vang dội, qua đó giúp cho liên minh cầm quyền có 2/3 số ghế tại Thượng viện để có thể tu chính Hiến pháp - một vấn đề mà Thủ tướng Abe luôn theo đuổi khi nắm giữ quyền lực.
Điều đó cho thấy, việc LDP và Komeito thất bại trong cuộc bầu cử Hội đồng Thánh phố Tokyo chỉ là một tai nạn nhỏ, không ảnh hưởng tiêu cực quá lớn tới lực lượng chính trị đương quyền và mức độ tín nhiệm qua các cuộc khảo sát đã chứng minh cho nhận định đó.
Có thể thấy rằng, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe khó có thể thất bại. Và khi mục tiêu được hạ thấp thì chiến thắng của lực lượng chính trị như đã được báo trước. Do vậy, Thủ tướng Abe đã mạnh dạn giải tán Hạ viện, nhằm tạo ra những nét mới cho chính trường Nhật Bản theo hướng có lợi cho vị thế và quyền lực của ông.
Kinh tế Nhật phục hồi và liên tục tăng trưởng trong năm 2017 - điểm cộng cho liên minh cầm quyền
Theo số liệu mà chính phủ Nhật công bố vào ngày 14.8, trong quý 2/2017, nền kinh tế có quy mô lớn thứ 3 thế giới đã đạt mức tăng trưởng 1,0%. Đây là quý thứ 6 liên tiếp chứng kiến kinh tế Nhật Bản tăng trưởng và đó là chu kỳ tăng trưởng dài nhất tại xứ sở hoa anh đào trong 10 năm qua.
Tiêu dùng cá nhân tăng 0,9%, tăng hơn gấp đối so với mức 0,4% của quý 1. Đây là một trong những động lực thúc đẩy đà tăng của nền kinh tế mà chi tiêu cá nhân đóng góp tới hơn 50% GDP. Thị trường việc làm và sản lượng công nghiệp Nhật Bản cũng tiếp tục được cải thiện, theo The Japan Times.
Ngoài ra, xuất khẩu cũng là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý 2. Thị trường việc làm ổn định khiến niềm tin của khối doanh nghiệp được củng cố là yếu tố tích cực đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế có quy mô GDP lên tới 4.900 tỉ USD.
Mặc dù TPP chưa thể vận hành sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại lịch sử này và chính sách lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng không đạt hiệu quả như mong đợi, nhưng tháng 7.2017, BoJ đã đánh giá tình hình kinh tế Nhật tích cực nhất trong 12 năm qua.
BoJ đã nâng cao chỉ số đánh giá đối với 5 trong số 9 lĩnh vực trong điểm của kinh tế Nhật. BoJ cũng đánh giá tích cực 6 với nền kinh tế khu vực ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Nhật. Hiện nay những hiệu ứng đó không những được duy trị, mà còn tích cực hơn, thể hiện qua tăng trưởng của các nền kinh tế như Trung Quốc, Việt Nam hay Hàn Quốc - khiến cho đánh giá của BoJ tăng giá trị.
Rõ ràng, hiệu ứng tích cực trong đời sống kinh tế Nhật Bản - yếu tố có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri - đã là điểm cộng cho chính phủ của Thủ tướng Abe. Chính vì vậy, quyết định của ông Abe tổ chức bầu cử sớm dường như đã không còn là mạo hiểm.
Phe đối lập chưa đủ sức thách thức liên minh cầm quyền, qua đó chi phối chính trường Nhật Bản
Theo giới phân tích, bông hồng thép Koike chưa phải là đối thủ xứng tầm của Thủ tướng Abe
Theo giới phân tích, dù đảng Tokyo Citizens First (Công dân Tokyo trước tiên) của nữ Thị trưởng nổi tiếng Tokyo đánh bại LDP trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo, song thực tế lực lượng chính trị và cá nhân ngôi sao chính trị đang lên chưa có đủ tạo tầm ảnh hưởng tới đời sống chính trị Nhật Bản.
Từng là thành viên của LDP và là "bóng hồng" đầu tiên đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi trở thành Thị trưởng Tokyo vào năm 2016, qua đó cầm trịch kinh tế của thành phố lớn nhất Nhật Bản, song bà Koike vẫn cần thêm thời gian và hành động để nâng ảnh hưởng của mình lên tầm quốc gia.
Để tham gia cuộc chơi, ngày 27.9, bà Koike đã thông báo thành lập đảng Hy vọng, qua đó nâng sức chiến đấu với LDP. Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập đã ngay lập tức "ủng hộ hoàn toàn" đảng Hy vọng. Ông cho biết không ứng cử và cho phép thành viên đảng Dân chủ tranh cử "dưới ngọn cờ đảng Hy vọng".
Thậm chí, một số thành viên của LDP cũng "đào thoát" sang đảng mới thành lập của bà Koike. Ông Amir Anvarzadeh, một chuyên gia Singapore cho rằng LDP không thể xem thường những hoạt động chính trị và hình ảnh của nữ Thị trưởng Koike trong việc hình thành một phe đối lập hùng mạnh.
Tuy nhên, theo The Japan Times, những chuyển động chính trị mang tính xào xáo của phe đối lập ngay trước thềm bầu cử đã là điểm trừ của phe đối lập, vì vậy khó có thể ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm sự tín nhiệm của cử tri dành cho liên minh cầm quyền. Điều này phần nào lý giải cho quyết định chiến lược của Thủ tướng Abe kết thúc sớm nhiệm kỳ hiện tại của Hạ viện Nhật Bản.
Ngọc Việt