Nghị sĩ Nhật thăm Triều Tiên bị tố ‘làm trò hề tự quảng cáo’

Hồ sơ - Ngày đăng : 21:16, 15/09/2017

Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung xuống biển Nhật Bản hôm 15.9, cùng ngày, báo New York Times (NYT) nêu một số nhà bình luận Nhật chỉ trích nặng nề nghị sĩ Antonio Inoki vừa đi thăm Bình Nhưỡng trở về là "làm trò hề tự quảng cáo".
Nghị sĩ Inoki tại văn phòng Quốc hội Nhật - Ảnh: New York Times

41 năm trước, ông Inoki là một đô vật nhà nghề nổi tiếng nhất Nhật, đã đấu với võ sĩ quyền Anh huyền thoại Muhammad Ali hồi năm 1976. Trận đấu này được quảng cáo rầm rộ, dù thật ra suốt 15 hiệp đấu, Inoki chỉ chạy quanh nhà vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới, đá được vài phát vào chân Muhammad Ali, người chỉ tung được 2 cú đấm.

Ban tổ chức tuyên bố trận đấu có kết quả hòa! Và đó là một trận đấu mà Ikoni bị chỉ trích là “diễn kịch tự đánh bóng tên tuổi”.

"Già mà còn ham hố đánh bóng tên tuổi"

Bây giờ, lời chỉ trích đó lại vang lên, khi ông nghị 74 tuổi Inoki vừa trở về Nhật sau chuyến thăm Bình Nhưỡng 5 ngày. Ông Inoki chia sẻ với báo giới ngay tại sân bay quốc tế Haneda: Ở Triều Tiên, ông được các quan chức dẫn đi thăm một sở thú và lên tận tầng mái một tòa nhà cao 70 tầng mà ông từng thấy đang xây trong lần ông thăm Triều Tiên năm 2016.

Và tại một tiệc chiêu đãi, ông được mời thưởng thức món nấm cây thông (hiếm ở Nhật, nhiều ở Triều Tiên), nhấp rượu ngâm nhân sâm và nói chuyện ngoại giao hạt nhân với 3 cán bộ cấp cao Triều Tiên.

Vị nghị sĩ cho biết cán bộ cấp cao Triều Tiên muốn đối thoại, nhưng vào lúc Mỹ đang tỏ ra muốn dùng vũ lực, giải pháp duy nhất của Bình Nhưỡng là phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông kể cuộc gặp với ông Ri Su-yong, Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên: “Ông ấy nói Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử hạt nhân, đưa hoạt động này lên tầm cao mới, trừ phi cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ ngưng gây sức ép với Triều Tiên”.

Ông nói LHQ, Tổng thống Donald Trump và Nhật đều tuyên bố cần tăng sức ép đối với Triều Tiên, nhưng “trước tiên chúng ta cần lắng nghe họ, hiểu lý do đàng sau hành động của họ”.

Trong khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe không đồng ý xem xét đối thoại với Triều Tiên - trừ phi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân - nghị sĩ Inoki nói nội bộ đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LPD) đang ngày càng ủng hộ việc Nhật làm thân với chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Inoki nói ông đã trao đổi với nhiều đảng viên LDP giấu tên, và họ ủng hộ việc cử một đoàn nghị sĩ Nhật đến Bình Nhưỡng, trong mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng: Các nghị sĩ LDP ngày càng nghiêng về ý tưởng đối thoại Nhật - Triều. "Làn gió chính trị đã đổi chiều" - ông nói, và nhấn mạnh các quan chức Triều Tiên sẵn sàng đón tiếp đoàn nghị sĩ Nhật qua thăm.

Ông còn nói: “Chúng ta đang chứng kiến Trump và Kim Jong-un đang giơ cao nắm đấm và tình hình đang leo thang. Điều quan trọng là chứng kiến ai sẽ là người đầu tiên hạ nắm đấm xuống và hạ nhiệt căng thẳng. Tôi thật sự nghĩ Nhật nên nhận lãnh vai trò trung gian giữa Mỹ - Triều. Là nước duy nhất bị đánh bom hạt nhân hồi Thế chiến 2, Nhật cần lên tiếng để chúng ta tránh được việc tái diễn một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Chính phủ Nhật không có ý kiến về chuyến thăm Triều Tiên mới nhất của ông Inoki. Trước khi ông rời Tokyo hồi tuần trước, Chánh văn phòng chính phủ nhắc lại khuyến cáo công dân Nhật chớ nên đến Triều Tiên. Thủ tướng Abe cũng liên tục tuyên bố chưa đến lúc nói chuyện chính thức với Bình Nhưỡng.

Vị nghị sĩ thích khoe mẽ, bị Triều Tiên lợi dụng

Ông Inoki còn nói lần đầu tiên sau một chuyến đi Triều Tiên của ông, quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc muốn ông cho lời khuyên.

Người phát ngôn Taro Fujii của Vụ Đông Bắc Á khẳng định một số số quan chức có nói chuyện với ông Inoki, nhưng từ chối cho biết nội dung cuộc nói chuyện.

Nhưng Giáo sư Shigemura,một chuyên gia về Triều Tiên, nhận định những quan điểm của nghị sĩ Inoki chẳng có ý nghĩa gì đối với lãnh đạo Nhật: “Ông ấy không phải nhân vật quan trọng, không có tầm ảnh hưởng với lãnh đạo Nhật hoặc với Thủ tướng”.

Khi NYT phỏng vấn ngay tại văn phòng của ông ở Quốc hội Nhật, ông Inoki ngồi cạnh ảnh rất to chụp ông giơ nắm đấm, một hình ảnh sớm được dùng để quảng cáo cho hãng xe Toyota.

Ông nói nhiệm vụ tối thượng của ông là "lập hòa bình thông qua ngoại giao thể thao".

Tờ báo Mỹ viết: Cựu đô vật nhà nghề Inoki thích phô trương, giống như cựu ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman, người cũng có nhiều chuyến thăm Triều Tiên, nói chuyện và giải trí với lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng ông Inoki chưa hề gặp nhân vật này.

Giới chỉ trích ông Inoki ở Nhật cũng nói: Ông tự cho phép Triều Tiên lợi dụng mình như một công cụ tuyên truyền, đồng thời để tự quảng cáo cho ông.

Toshimitsu Shigemura, Giáo sư danh dự của đại học Waseda (ở Tokyo) và là một chuyên gia về Triều Tiên, nói với NYT: "Triều Tiên lợi dụng ông ta để quảng cáo và tuyên truyền".

Nghị sĩ Inoki thích giữ ảnh chụp ông thân thiết với cán bộ cấp cao Triều Tiên

Nghị sĩ Inoki tiếc nhớ một thời vang bóng ở Triều Tiên

Vị nghị sĩ tên thật là Kanji Inoki, cùng gia đình đến Brazil sống năm 1957, vì lúc đó Nhật có chủ trương khuyến khích công dân tìm cơ hội kinh tế ở nước ngoài.

Tại Brazil, Inoki lấy tên Antonio khi theo môn vật, sau khi được đô vật nhà nghề Rikidozan từ Nhật qua chơi và phát hiện khả năng thể thao của ông.

Đó là lần đầu Inoki có quan hệ với Triều Tiên: Thời bán đảo Triều Tiên bị Nhật chiếm đóng, Rikidozan từng có tên thật Kim Sin-rak, trước khi xây dựng sự nghiệp đô vật sumo ở Nhật. Rikidozan sau đó chuyển qua môn vật nhà nghề.

Với thầy Rikidozan, Inoki trở thành đô vật nổi tiếng nhất Nhật, tiếp đó là trận đấu tai tiếng với võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali.

Năm 1989, ông Inoki nhảy vào chính trường, là ứng viên độc lập được bầu vào Thượng viện Nhật, nhưng ông vẫn đấu vật đến năm 1998 mới kết thúc sự nghiệp.

Người Nhật rất dễ nhận ra ông Inoki cằm bạnh thích đeo cà vạt đỏ và khăn quàng cổ màu đỏ. Ông sớm hoạt động ngoại giao độc lập, năm 1990 gặp Chủ tịch Fidel Castro tại Cuba, có ảnh chụp hai ông bắt tay nhau, cùng uống rượu saké và ôm hôn nhau thắm thiết trưng đầy trong văn phòng của ông Inoki tại Quốc hội Nhật.

Cuối năm 1990, ông Inoki thăm Iraq, tạo được uy tín khi giúp thương lượng trả tự do cho 41 công dân Nhật. Nhóm này từng bị quân Tổng thống Saddam Hussein bắt làm con tin nhiều tháng, trước khi xảy ra cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.

Năm 1994, nhà lập quốc Triều Tiên Kim Il-sung mời ông Inoki đến thăm Bình Nhưỡng, vì ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) được cho là thích môn vật nhà nghề.

Nhưng chuyến thăm không thể diễn ra: Trên đường đi Bình Nhưỡng, ông Inoki dừng lại ở Bắc Kinh khi nghe tin nhà lãnh đạo Triều Tiên qua đời.

Chuyến đi mới nhất của nghị sĩ Inoki là lần thăm Triều Tiên thứ 32 của ông, tính từ năm 1995, khi ông tham dự một trận đấu vật tại Bình Nhưỡng - nhân sự kiện Liên hoan thể thao và Hòa Bình.

Ông Inoki khoe có hơn 380.000 người Triều Tiên đến xem trận đấu của ông. Từ đó, mỗi năm ông đều đến Triều Tiên dự lễ kỷ niệm thành lập CHDCND Triều Tiên.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)