FBI ‘ém’ vụ Nga nhận hối lộ để bán uranium cho Mỹ
Hồ sơ - Ngày đăng : 11:26, 19/10/2017
Trang The Hill ngày 17.10 công bố một số tài liệu chính phủ, cho thấy các quan chức của công ty con Tenex (thuộc ROSATOM, cơ quan quản lý các cơ sở hạt nhân Nga) từ đầu năm 2009 đã nhận tiền hối lộ và lại quả của các công ty Mỹ.
Một đặc vụ FBI đã bí mật ghi âm, tập hợp những báo cáo tài chính, đọc lén các e-mail về những khoản chuyển tiền kể từ tháng 9.2009.
Vài năm sau, một đặc vụ viết trong bản khai: đường dây hối lộ này được thực hiện có sự “phê duyệt của những quan chức cấp cao hơn ở Nga, là những người được chia phần từ khoản lại quả”.
FBI ‘ém’ thông tin để chính phủ làm ăn với Nga
Nhưng FBI ‘ém’ phát hiện này trước khi chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama đạt được một thỏa thuận hạt nhân lớn và gây tranh cãi với Nga.
Thay vì công bố vụ điều tra của FBI trong năm 2010, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) tiếp tục điều tra thêm 4 năm nữa, khiến dân Mỹ và Quốc hội Mỹ không hề biết một vụ tiêu cực với Nga ngay trên đất Mỹ, vào lúc chính quyền Obama thực hiện hai quyết định lớn làm lợi cho tham vọng hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo The Hill.
Trước hết, hồi tháng 10.2010, Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan thuộc Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ cho phép ROSATOM mua lại một phần công ty mỏ Uranium One (Canada), điều đó có nghĩa Moscow kiểm soát hơn 20% nguồn cung uranium cho Mỹ.
Qua năm 2011, chính phủ Obama bật đèn xanh cho Tenex tăng khối lượng uranium bán cho các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ. Trước đó, Tenex chỉ có thể bán uranium tái xử lý (từ vũ khí hạt nhân Liên Xô đã phá hủy) cho các nhà máy này.
Công nhân Mỹ nhận uranium do công ty Nga giao
Bà Clinton có liên quan vụ thỏa thuận với ROSATOM
Các tài liệu cho thấy DOJ điều tra vụ này trong gần 4 năm nhưng vẫn ém đi. Người giám sát cuộc điều tra này Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lúc đó, ông Rod Rosenstein (do ông Obama chọn, nay là Thứ trưởng DOJ thời Tổng thống Donald Trump) và phó giám đốc FBI lúc đó là Andrew McCabe (vẫn giữ chức này thời ông Trump).
Vụ thỏa thuận với ROSATOM cũng là một chủ đề mà khi tranh cử tổng thống 2016, ông Trump thường nêu lên để đấu trí với đối thủ tranh cử, bà Hillary Clinton.
Vài năm sau, các quyết định này gây tranh cãi, tiếp sau một thông tin cỡ ‘bom tấn’ năm 2015: báo New York Times (NYT) phát hiện Moscow chuyển hàng triệu USD vào quỹ từ thiện Clinton Foundation của cựu Tổng thống Bill Clinton, cùng thời điểm Mỹ đạt thỏa thuận với ROSATOM.
Nhà báo Peter Schweitzer của NYT còn tập hợp những khoản tiền hàng trăm ngàn USD là thù lao diễn thuyết ở Nga của ông Clinton. Lúc đó, bà Clinton là Ngoại trưởng Mỹ, và đứng đầu Ủy ban đầu tư nước ngoài.
Khi ông Trump lôi chuyện này ra, người phát ngôn của nhóm tranh cử tổng thống của bà Clinton từng nói với NYT rằng bà Clinton không liên quan và không can thiệp vào Ủy ban đầu tư nước ngoài: “Không ai cấp được chứng cứ ủng hộ giả thiết bà Hillary Clinton dùng chức vụ để phục vụ quyền lợi của những mạnh thường quân của Quỹ Clinton Foundation. Nói Bộ Ngoại giao, thời Ngoại trưởng Clinton, đã tác động đến việc chính phủ Mỹ xét bán công ty Uranium One là hoàn toàn vô căn cứ”.
Một nguồn tin dứt khoát giấu tên vì sợ bị các quan chức Nga hoặc Mỹ trả thù cho The Hill biết: “Trò dọa tống tiền và lại quả của Nga làm hỏng những nhà thầu Mỹ, và khiến có sự lo ngại chính đáng cho quyền lợi an ninh quốc gia. Và các chứng cứ mà FBI có được đều được giấu trước khi chính quyền Obama đưa ra các quyết định”.
Theo Newsweek, chính quyền Obama từng nhấn mạnh: không có bằng chứng Nga can thiệp, và không hề có sự đáng ngại về an ninh quốc gia nên các ủy viên Ủy ban đầu tư nước ngoài không phản đối thỏa thuận bán Uranium One cho ROSATOM.
Như chính quyền Obama, vợ chồng ông Clinton nói không có bằng chứng buộc họ phản đối thỏa thuận này.
Ông Obama ủng hộ bà Clinton tranh cử tổng thống
Nỗ lực hành động ‘gây ngạt thở’ của Nga
Cùng năm 2015, FBI bắt Vadim Mikerin, giám đốc Tenex, vì ông ta đã thu xếp khoản hối lộ hơn 2 triệu USD cho vài lãnh đạo công ty xe tải Transport Logistics International (Mỹ) để công ty này nhận chở uranium của Nga đến khắp nước Mỹ. Nhóm lãnh đạo công ty này cũng đã bị bắt và bị buộc tội.
Trong cuộc điều tra của DOJ, Mikerin thú nhận đã cùng những người khác bàn kế hoạch chuyển hơn 2 triệu USD đến các tài khoản ngân hàng của những công ty vỏ bọc ở Cyprus, Latvia và Thụy Sĩ.
Hành vi trái pháp luật của Mikerin bị phát hiện, nhờ sự hỗ trợ của một doanh nhân Mỹ trở thành nhân chứng được bảo vệ bí mật. Ông này nghe lệnh Mikerin, thực hiện những vụ lại quả. Vụ lại quả đầu tiên mà nhân chứng này báo FBI là từ ngày 27.11.2009.
Mikerin từng được cử qua Mỹ với visa lao động (do chính quyền Obama cấp) để mở Tenam, một nhánh mới ở Mỹ của ROSATOM. Ông ta bị buộc phải từ bỏ số tiền này và bị kết án 48 tháng tù.
Vụ bắt Mikerin không làm báo giới xôn xao. Nhưng các nghị sĩ nói với The Hill: họ lo ngại chính quyền Obama đã không sớm công bố vụ tiêu cực.
Cựu hạ nghị sĩ Mike Rogers từng là chủ nhiệm ủy ban tình báo Hạ viện khi DOJ tiến hành cuộc điều tra, nói ông chưa hề được báo cáo “nỗ lực gây ngạt thở” của Nga và lúc đó, nhiều nghị sĩ rất lo ngại về vụ bán Uranium One cho Nga.
Ông nói: “Việc không cung cấp thông tin về một vụ tiêu cực trước thỏa thuận mua uranium Nga vốn được quốc hội thông qua là một hành động gây tổn hại cho quyền lợi an ninh quốc gia, từ người chịu trách nhiệm bảo vệ các quyền lợi an ninh quốc gia Mỹ”.
Vĩnh Thụy (theo The Hill)