Nga và mối nguy tại sân sau chiến lược Nam Caucasus
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:56, 14/10/2017
Ngày 11.5, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Daniel R. Coats đưa ra cảnh báo về khả năng xung đột giữa Armenia - Azerbaijan xung quanh tranh chấp tại khu vực Nagorno - Karabakh, thì đến ngày 3.7, Azerbaijan đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, cho thấy Nam Caucasus thật sự không bình yên.
Đặc biệt, khi Armenia - một dồng minh chiến lược của Nga - tham gia cuộc tập trận “Noble Partner 2017 - Đối tác cao quý 2017” tại Gruzia cùng với Anh, Mỹ và thái độ bất bình của Yerevan với Moscow về việc Thổ Nhĩ Kỳ được xem xét tham gia Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), thì vấn đề tại Nam Caucasus đã trở nên nguy hiểm với Nga.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, Moscow đã liên tiếp có những hoạt động nhằm hóa giải mối nguy hại tại khu vực vốn được xem là sân sau chiến lược của Nga, trong đó quan trọng nhất là củng cố và tăng cường với cả Armenia và Azerbaijan.
Quan hệ đồng minh chiến lược Nga - Armenia liên tục được củng cố và tăng cường
Ngày 22.9 vừa qua tại New York, Ngoại trưởng Armenia Edward Nalbandian đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp lần thứ 72 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, theo hãng tin News.am của Armenia.
Trong cuộc gặp, hai bên được cho là đã tập trung thảo luận về việc thúc đẩy tiến trình thực hiện các thỏa thuận đã đạt được giữa Moscow và Yerevan, mà qua đó củng cố và nâng cao quan hệ đồng minh chiến lược Nga - Armenia.
Đó là Thỏa thuận thành lập Lực lượng phòng thủ khu vực chung được ký kết giữa Moscow và Yerevan cuối tháng 12.2015, nhằm phối hợp hành động giữa quân đội và an ninh của Nga và Armenia trong bảo vệ an ninh tập thể tại khu vực Nam Caucasus.
Bên cạnh đó là Thỏa thuận thành lập đơn vị quân đội hỗn hợp Nga - Armenia được ký kết vào cuối tháng 11.2016, nhắm đối phó nguy cơ và đáp trả hành động xâm lược hoặc ngăn chặn nguy cơ một cuộc xung đột khu vực có thể biến thành cuộc chiến tranh xâm lược.
Ông Nalbandian và Lavrov cũng bàn về các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, mà sắp tới là chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới Armenia vào tháng 10.2017, tham dự cuộc họp thường kỳ của người đứng đầu chính phủ các nước thành viên EAEU.
Theo báo Hraparak của Armenia, chuyến công du của ông Medvedev tới Armenia là một chuyến đi "định mệnh" cho người đứng đầu chính phủ Nga trong việc củng cố lại niềm tin cho Yerevan, bởi vấn đề không chỉ thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong EAEU, mà còn là việc các thành viên khác đề xuất đưa Armenia ra khỏi EAEU.
EAEU bao gồm các thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Liên bang Nga. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ tham gia EAEU, trong khi Ankara và Yerevan chưa kết nối quan hệ ngoại giao, khiến cho Moscow rơi vào thế khó.
Để giải cứu cho chuyến đi "định mệnh" của Thủ tướng Medvedev, Moscow đã thực hiện các hoạt động kết nối với Yerevan, với mụcđích là mở rộng không gian hợp tác giữa Nga và Armenia, qua đó khẳng định sự gắn kết với đồng mình chiến lược.
Ngay sau khi cuộc gặp gỡ gữa Ngoại trưởng Nga với người đồng cấp Armenia, ngày 25.9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga Olga Vasilyeva đã thăm Armenia nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước về lĩnh vực khoa học và giáo dục.
Sau hội đàm với người đồng cấp Nga, Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Armenia Levon Mkrtchyan cho biết hai bên đã đồng ý tập trung đào tạo các chuyên gia về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và sẽ phối hợp chặt chẽ khi triển khai.
Thủ tướng Mevedev chuẩn bị có chuyến đi định mệnh tới Armenia
Một ngày sau đó, ngày 26.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Veronika Skvortsova cũng có mặt tại Yerevan đề tham dự Diễn đàn Y tế Armenia - Nga lần thứ 3 và đã có các cuộc gặp với cả Tổng thống và Thủ tướng Armenia.
Khi tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế Nga, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cho rằng thách thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hiện là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất, vì vậy Armenia mong nhận được sự chia sẻ của Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Karen Karapetyan mong muốn Nga tăng cường hỗ trợ các cải cách y tế đang diễn ra ở Armenia và sự hợp tác giữa các cơ quan y tế của Armenia với Nga cần thực chất và có hiệu quả hơn nữa.
Bộ trưởng Y tế Nga đã gợi mở về những hướng đi mới của sự hợp tác và cam kết chia sẻ kinh nghiệm với Armenia. Đặc biệt, một cơ chế nâng cao sự hợp tác qua việc thăm viếng thường xuyên và định kỳ giữa hai bên trong lĩnh vực này đã được xác lập.
Như vậy, không gian của mối quan hệ đồng minh giữa Nga và Armenia không còn là kinh tế, chính trị, quân sự, mà đã mở rộng sang những lĩnh vực khác, giúp cho quan hệ chiến lược không dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài.
Quan hệ đối tác toàn diện Nga - Azerbaijan liên tục mở rộng và nâng tầm
Trong khi tăng cường củng cố quan hệ đồng minh với Armenia thì Nga cũng đồng thời có những hoạt động mở rộng và nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện với Azerbaijan - kẻ thù của Armenia, một thực thể có thể khiến Moscow phải trả giá nếu xao nhãng.
Theo hãng tin AZ.news của Azerbaijan, từ 28.9, 3 hãng hàng không Nga là Ikar Airlines, Saratov Airlines và NordStar Airlibes đã được phép mở đường bay thẳng đến Azerbaijan, theo Nghị định thư của ủy ban liên ngành vận tải Nga - Azerbaijan.
Ikar Airlines được mở đường bay từ Zhukovsky đến Ganja với tần suất 7 chuyến/tuần. Saratov Airlines được mở đường bay hai chiều Saratov-Baku và Ufa-Baku với tần suất 2 chuyến/tuần. NordStar Airlines được mở đường bay Yekaterinburg-Baku với tần suất 1 chuyến/tuần.
Tiếp theo, ngày 29.9, trong khuôn khổ Diễn đàn Nga - Azerbaijan lần thứ 8 tại Stavropol, Bộ trưởng Kinh tế Azerbaijani Shahin Mustafayev và Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin đã ký 5 văn kiện về hợp tác song phương.
Đó là Biên bản ghi nhớ về dự định triển khai dự án đầu tư xây dựng khu nhà kính để trồng rau sạch, dự định thực hiện dự án đầu tư khu điều trị y tế và khu khách sạn 400 phòng, dự định thực hiện dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Rusel.
Bên cạnh đó là Hiệp định Hợp tác giữa chính quyền khu vực Astrakhan của Nga với chính quyền quận Narimanov của Baku, Hiệp định về hợp tác giữa Hội đồng Kinh tế Azerbaijan - Nga với Liên hiệp các Phòng Thương mại Stavropol.
Cũng trong ngày 29.9, Thư ký của Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã có chuyến thăm Azerbaijan nhằm thảo luận về hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và thanh lọc sắc tộc cũng như hợp tác về an ninh thông tin.
Quan hệ đối tác toàn diện với Azerbaijan là dao hai lưỡi với Nga
Ông Patrushev nhận định quan hệ Nga - Azerbaijan có tính chất của sự hợp tác chiến lược, vì vậy trong bối cảnh công nghệ thông tin được sử dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia nên Moscow cần chia sẻ với Baku.
Khi tiếp Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho rằng quan hệ Nga - Azerbaijan phát triển nhanh và đạt được nhiều thành quả trong lĩnh vực quân sự, chính trị và an ninh, hợp tác kinh tế thì đang được mở rộng.
Như vậy, không gian hợp tác giữa Nga và Azerbaijan cũng không dừng lại ở thỏa thuận hợp tác quân sự - kỹ thuật, vốn được xem là cốt lõi trong sự phát triển tích cực giữa Moscow và Baku, như lời Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov.
Rõ ràng, với hậu quả lịch sử để lại qua việc nhà nước Liên Xô sáp nhập, rồi tái sáp nhập vùng đất Nagorno - Karabakh qua lại giữa hai nước Armenia và Azerbaijan, khiến cho việc cân bằng quan hệ với Yerevan và Baku là một bài toán quá khó với Moscow.
Việc Moscow cùng lúc mở rộng không gian hợp tác với cả Armenia và Azerbaijan được cho là nước đi cần thiết của Moscow, từ đó có thể hóa giải nỗi lo có biến tại sân sau chiến lược. Tuy nhiên, liệu Moscow có hóa giải được không thì khó có thể nhận diện, bởi Kazakhstan - một đồng minh của Nga cũng có những động thái lệch chuẩn Nga tại khu vực này.
Vấn đề càng nan giải hơn khi Mỹ ngày càng tham gia nhiều hơn vào những hoạt động liên quan đến an ninh và quân sự tại Nam Caucasus khiến cho khu vực không dễ bình yên. Bên cạnh đó đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ, Israel hay Ả Rập Saudi cũng đã bắt đầu chú ý nhiều hơn tới khu vực chiến lược này, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Ngọc Việt