Cựu trùm tình báo Hàn Quốc 'chuyên lập vua' qua đời

Hồ sơ - Ngày đăng : 13:36, 23/06/2018

Ông Kim Jong-pil, cựu trùm tình báo Hàn Quốc, qua đời khi được đưa từ nhà đến Bệnh viện Đại học Soonchunhyang (thuộc Seoul) vào sáng nay 23.6.
Ông Kim Jong-pil - Ảnh: AP

Người phát ngôn của bệnh viện nói nguyên nhân cái chết do ông Kim, 92 tuổi, có những vấn đề sức khỏe liên quan tuổi tác.

Trùm KCIA không trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc thủ lĩnh đối lập

Ông Kim có kỹ năng chính trị, nên từng hai lần làm Thủ tướng Hàn Quốc. Ông là trung tá về hưu, là một thành viên chủ chốt trong cuộc đảo chính năm 1961 đã đưa thiếu tướng Park Chung-hee lên nắm quyền cho đến khi ông này bị ám sát năm 1979.

Sau khi tướng Park cướp chính quyền, ông Kim lập và chỉ huy Cục Tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA) tiền thân của Cục Tình báo quốc gia (NIS) rồi ông làm Thủ tướng dưới quyền Tổng thống Park, từ năm 1971 đến 1975.

Theo hãng tin AP, ông Kim sử dụng KCIA như công cụ để đàn áp đối thủ chính trị trong nước, rồi đàn áp thủ lĩnh đối lập Kim Dae-jung, người sau này làm Tổng thống Hàn Quốc vào cuối những năm 1990.

Năm 2007, một ủy ban tìm kiếm sự thật, thuộc chính phủ Hàn Quốc, phát hiện các điệp viên KCIA bắt cóc ông Kim Dae-jung từ một khách sạn Nhật năm 1973, nhiều ngày trước khi ông Kim lập một liên minh các tổ chức Hàn kiều tại Nhật để đấu tranh đòi dân chủ ở Hàn Quốc.

Đó là bằng chứng chính thức đầu tiên về hoạt động đàn áp phe chống đối của KCIA. Báo cáo năm 2007 của Ủy ban tìm kiếm sự thật không nêu kết luận rõ ràng rằng có phải vụ bắt cóc nhằm mục đích giết chết ông Kim Dae-jung, người kể lại rằng nhóm bắt cóc đã tính xô ông từ tàu xuống biển, nhưng họ phải ngừng tay vì một trực thăng quân sự Mỹ bay rất thấp trên chiếc tàu biển.

Trong vụ bắt cóc ông Kim Dae-jung, ông Kim không trực tiếp chỉ huy KCIA.

Thủ lĩnh đối lập thời “kỷ nguyên 3 Kim” trở thành “Kim dựng vua”

Vẫn theo AP, ngoài việc có quan hệ sui gia với Tổng thống Park, ông Kim là nhân vật số 2 ở Hàn Quốc suốt thời kỳ tướng Park nắm quyền.

Nhưng sau cái chết của Tổng thống Park, một cuộc đảo chính khác đưa tướng Chun Doo-hwan lên nắm quyền, và ông Kim bị buộc tội tham nhũng, phải nộp số tài sản trị giá hàng triệu USD trước khi qua Mỹ sống.

Năm 1987, Tổng thống Chun chịu thua những cuộc biểu tình rầm rộ, đã cho phép tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp và tự do. Sự kiện này đánh dấu thời kỳ quá độ để Hàn Quốc chuyển qua nền dân chủ.

Ông Kim về nước, lập đảng chính trị riêng và tranh cử tổng thống với các ứng cử viên đối lập Kim Dae-jung và Kim Young-sam (sự nổi lên của nhóm này được gọi là “thời của 3 Kim”) và tướng Roh Tae-woo, bạn của tướng Chun,

Ứng viên Roh trúng cử dễ dàng vì phe đối lập bị phân hóa, ông Kim về hạng tư. Ông có sự ủng hộ mạnh ở quê quán tỉnh Chungcheong và của người đánh giá cao sự phát triển kinh tế nhanh chóng dưới thời ông làm Thủ tướng cho Tổng thống Park.

Nhưng ông Kim chưa hề nhận được đủ sự ủng hộ để trúng cử tổng thống, vì thế ông trở thành “Kim dựng vua” khi ông phô triển kỹ năng chính trị trong các cuộc chạy đua làm chủ nhân Nhà Xanh (Phủ tổng thống Hàn Quốc) và được đặt biệt danh là “Nhân vật số 2 vĩnh viễn”.

Năm 1990, hai đảng của ông Kim dựng vua và ông Kim Young-sam sáp nhập với đảng cầm quyền của Tổng thống Roh, từ đó giúp ông Kim Young-sam trúng cử tổng thống năm 1992.

Nhưng việc sáp nhập giữa cánh đấu tranh đòi dân chủ với các cựu sĩ quan cướp chính quyền đã bị chỉ trích là phá hoại nền dân chủ.

25 năm sau vụ KCIA bắt cóc ông Kim Dae-jung, ông Kim về phe và giúp nhân vật này trúng cử tổng thống năm 1997.

Tiếp đó từ năm 1998 đến 2000, ông Kim làm Thủ tướng dưới quyền Tổng thống Kim Dae-jung, trong một kế hoạch chia sẻ quyền lực với người của cựu trùm KCIA giữ nhiều vị trí trong nội các.

Năm 2000, Tổng thống Kim Dae-jung đoạt giải Nobel Hòa bình, vì ông nỗ lực quảng bá dân chủ và hòa giải với CHDCND Triều Tiên. Nhưng năm 2001, liên minh cầm quyền giữa hai ông Kim tan vỡ, do cựu trùm KCIA không chấp nhận chính sách “Ánh dương” làm thân với Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc.

Ông Kim đã có 9 lần được bầu vào Quốc hội Hàn Quốc. Ông kết thúc sự nghiệp chính trị năm 2004, sau khi đảng Dân chủ tự do thống nhất của ông thua nặng trong các kỳ bầu cử quốc hội. Trong cuộc họp báo tuyên bố về hưu, ông nói: “Tôi hoàn toàn bị đốt thành tro”.

Chưa có thông tin về ngày an táng cựu trùm tình báo KCIA.

Bích Ngọc (theo AP)