Cách của người Đức (kỳ 4): Bá chủ bất đắc dĩ của EU
Hồ sơ - Ngày đăng : 12:07, 06/10/2018
Cách của người Đức kỳ 1: Angela Merkel - Một cá tính Đức
Cách của người Đức kỳ 2: Bí mật động cơ đốt trong của nền kinh tế Đức
Cách của người Đức kỳ 3: Đức - Vùng đất không quá khứ
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp bắt đầu vào cuối năm 2009. Nó là một trong 5 cuộc khủng hoảng nợ từng xảy ra ở châu Âu nhưng tính tới nay là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Từ năm 2009 đến năm 2015, Hy Lạp nhận được hai gói cứu trợ tài chính khẩn cấp từ Cơ chế bình ổn châu Âu và các cơ chế trước đó. Điều kiện để được giải cứu là Hy Lạp phải chấp nhận một loạt biện pháp hạn chế chi tiêu công, tăng thu thuế và cải cách nền kinh tế. Hai đảng chính trị lớn ở Hy Lạp là PASOK (theo đường lối xã hội) và Dân chủ mới (theo đường lối bảo thủ) chấp nhận trong miễn cưỡng. Nhưng tới tháng 1.2015, đảng Syriza – từng kêu gọi chống lại các biện pháp khắc khổ trong chiến dịch tranh cử – giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Hy Lạp. Các khẩu hiệu và tuyên ngôn tranh cử của Syriza thể hiện rõ tâm lý chống Đức. Trong số đòi hỏi của họ có việc Hy Lạp của năm 2015 nên được xóa nợ theo cách mà Đức được xóa vào năm 1953 và/hoặc Đức nên bồi thường cho thiệt hại kinh tế của Hy Lạp trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tới khi nắm được chính phủ, Syriza điều chỉnh giọng điệu chống Đức của mình song vẫn yêu cầu thay đổi các điều kiện giải cứu. Lập luận của Syriza là nếu kinh tế Hy Lạp không được tạo điều kiện tăng trưởng, nước này sẽ không thể trả nợ.
Cảnh tượng những bộ trưởng mới trẻ trung, không đeo cà vạt của Hy Lạp tranh luận trôi chảy về một cách tiếp cận khác đối với các vấn đề của eurozone đem lại cảm giác thật sự mới mẻ. Đảng của họ không đẩy Hy Lạp vào hỗn loạn. Sự lên án họ dành cho nạn tham nhũng đã thành trầm kha trong đời sống chính trị và kinh tế Hy Lạp nhiều thập niên liền rất thẳng thắn. Lập luận Hy Lạp chỉ trả được nợ nếu kinh tế có đất phát triển được nhiều nhà kinh tế học tán thành.
Thế nhưng, Hy Lạp chỉ nhận được phản hồi hạn chế trong eurozone. Thủ tướng Ý Matteo Renzi tỏ ra thông cảm và ngụ ý ủng hộ việc kéo dài thời hạn trả nợ. Tổng thống Pháp nói về sự cần thiết phải thỏa hiệp và bóng gió rằng Pháp có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình tìm kiếm giải pháp. Thế nhưng, không ai tán thành ý tưởng xóa nợ. Và không ai đề xuất phương án cụ thể nào cho những đòi hỏi của chính phủ mới tại Hy Lạp cho tới khi bà Angela Merkel lên tiếng.
Như mọi khi, bà vẫn từ tốn. Nhưng ngay từ khi bắt đầu, bà và Bộ trưởng Tài chính Đức là ông Wolfgang Schäuble đã ám chỉ những ưu tiên của bà. Bà nhấn mạnh Hy Lạp cần kiên trì theo đuổi chương trình cải cách mà họ đã cam kết. Bà loại trừ bất cứ khả năng hủy nợ nào cho Hy Lạp. Dù vậy, bà cũng ngụ ý sẵn lòng xem xét gói giải cứu thứ 3 để giúp điều chỉnh cơ cấu vốn cho các ngân hàng Hy Lạp. Như vậy, các điều kiện của một thỏa thuận mới, nếu có, đã được chính phủ Đức nói rõ hoàn toàn. Bất cứ hỗ trợ tài chính bổ sung nào cũng phụ thuộc vào các cải cách của kinh tế Hy Lạp nhằm đảm bảo ngân sách nước này trong tương lai sẽ cân bằng và những số liệu thống kê phải đáng tin cậy.
Không nước nào trong eurozone chỉ trích quan điểm của Đức. Không ai trong số họ biểu lộ điều gì ngoài sự cảm thông thầm lặng dành cho cử tri Hy Lạp. Suy nghĩ của họ dường như là chính phủ Đức có quyền quyết định sẽ hỗ trợ thứ gì, nếu có.
Có thể hiểu được sự im lặng nói trên bởi chính người đóng thuế Đức phải hứng chịu gánh nặng tài chính của bất cứ thay đổi nào trong điều khoản trả nợ của Hy Lạp. Có nhiều nguyên nhân khách quan để cứng rắn với Hy Lạp: những nước khác cũng có thể đòi được đối xử tương tự, kinh tế Hy Lạp chỉ tồn tại được trong eurozone nếu áp dụng các biện pháp cải cách năng lực cạnh tranh, và các thành viên không được phép đơn phương bội ước.
Tuy nhiên, cả Tổng thống Hollande của Pháp và Thủ tướng Renzi của Ý, cũng như ông Pierre Moscovici, ủy viên (người Pháp) về các vấn đề kinh tế trước đây đều chỉ trích các điều khoản của Hiệp ước Liên minh tài chính. Do đó, sự ưng thuận của họ đối với lối tiếp cận chỉ đem lại những nhượng bộ tối thiểu cho một đất nước rõ ràng đang trải qua thảm họa kinh tế là điều rất đáng chú ý.
Khi khủng hoảng Hy Lạp trầm trọng hơn và bầu không khí đàm phán tệ đi, sự kiểm soát của Đức đối với thỏa thuận (tương lai) càng rõ nét. Nếu người Hy Lạp nghĩ có thể khiến Đức mềm lòng bằng cách đẩy sự việc tới bờ vực, hoặc khiến các thành viên eurozone khác tranh luận công khai về một hướng đi bớt khắc nghiệt hơn, thì họ đã tính sai. Chiêu bài kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về các điều khoản do các chủ nợ đưa ra mà Thủ tướng Hy Lạp sử dụng đã bị phản tác dụng. Chính phủ Đức không hề bị lay chuyển và thậm chí tỏ ý sẽ rời khỏi bàn đàm phán nếu cần thiết. Ông Wolfgang Schäuble còn lần đầu tiên đệ trình một kế hoạch, trong đó xem xét phương án Hy Lạp tạm ra khỏi eurozone.
Trong khi đó, người dân Hy Lạp không thể rút hơn 60 euro một ngày từ tài khoản của mình, còn các ngân hàng nước này như sắp tuyên bố vỡ nợ tới nơi. Chính phủ Pháp bức thiết níu kéo Hy Lạp ở lại eurozone và phái một nhóm chuyên gia tới Athens để tư vấn, nhưng là tư vấn Hy Lạp phải làm gì để thỏa mãn các đòi hỏi của Đức. Những lời khuyên này có lẽ không phải là điều mà chính phủ Hy Lạp muốn nghe.
Kết quả là một sự đầu hàng. Cuộc họp gay gắt của những nhà lãnh đạo các nước eurozone vào ngày 11 và 12.7.2015 được một số người tham dự mô tả là tàn nhẫn nhất mà EU từng trải qua. Tại đó, chính phủ Hy Lạp buộc phải lựa chọn giữa rời eurozone hoặc chấp nhận các biện pháp thậm chí còn khắc nghiệt hơn những biện pháp mà người dân nước này đã bác bỏ trong cuộc trưng cầu chỉ một tuần trước đó. Thủ tướng Hy Lạp cay đắng chọn vế thứ 2.
Sự hổ thẹn của Hy Lạp càng bị chà xát bởi việc áp dụng thỏa thuận sau đó. Trong vòng ba ngày, quốc hội Hy Lạp phải ban hành các đạo luật quan trọng để thực thi các cải cách được yêu cầu, trước khi bắt đầu bất cứ cuộc thảo luận nào về quy mô và tính chất của gói giải cứu. Một đòi hỏi khác của Hy Lạp – được giảm nợ dài hạn – không hề được đề cập.
Chiến thuật đàm phán của chính phủ Hy Lạp làm tất cả đối tác bực bội. Có lúc bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, phải thốt lên sẽ chỉ có tiến triển nếu trong phòng đàm phán có người trưởng thành. Nhưng tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất thuộc về Bộ trưởng Tài chính Đức. Ông không hề giấu diếm chuyện ông không tin chính phủ Hy Lạp sẽ hành động theo những gì mình hứa. Do đó, trước hết quốc hội Hy Lạp phải thông qua luật.
Tổng thống Hollande của Pháp nhấn mạnh một cách kiên quyết rằng Hy Lạp nên ở lại eurozone. Ông còn kín đáo thuyết phục Thủ tướng Merkel bớt cứng rắn. Chắc chắn họ đã dành nhiều thời gian trao đổi trước và trong cuộc họp thượng đỉnh. Họ tổ chức nhiều cuộc họp chung với Thủ tướng Hy Lạp. Tuy nhiên, những ý tưởng của Pháp không tạo được nhiều ảnh hưởng. Quan điểm của Pháp là phải giữ Hy Lạp ở lại eurozone bằng mọi giá. Còn với chính phủ Đức, cho tới trước cuộc họp ngày 11 và 12.7, tư cách thành viên của Hy Lạp đã trở thành một giá trị không chắc chắn. Người Đức không ép người Hy Lạp ra đi song họ nói rõ nếu Hy Lạp chọn rời bỏ eurozone, Đức sẽ không cố ngăn lại, còn muốn ở lại thì phải tuân thủ các điều khoản mà Đức đề ra.
Đáng chú ý, Tổng thống Hollande chưa bao giờ công khai chỉ trích quan điểm của Đức. Pháp cũng không đề xuất bất cứ giải pháp phút chót nào để tháo gỡ bế tắc. Bỏ qua những lo ngại cá nhân, Tổng thống Hollande dường như cho rằng tốt hơn là cứ thỏa hiệp với các yêu cầu của Đức thay vì liều lĩnh nhận lấy sự cự tuyệt về mặt chính trị. Những nhà lãnh đạo khác có lẽ cũng nghĩ vậy, như Thủ tướng Ý chẳng hạn dù ông có thể từng được người Hy Lạp kỳ vọng là biết cảm thông hơn. Họ nhận ra rằng một khi Đức cứng rắn thì dù cho là họ hay bất kỳ ai khác cũng không thể thay đổi được.
Trích Cách của người Đức