Mỹ bỏ lỡ cơ hội lôi kéo tướng lĩnh Venezuela đào ngũ
Hồ sơ - Ngày đăng : 09:17, 05/05/2019
Hãng tin Mỹ dẫn thông tin của một cựu quan chức Mỹ và một người biết một cuộc họp nội bộ của chính quyền Trump hồi khoảng tháng 5.2017, để nghiên cứu một đề nghị bất thường của tướng Ivan Hernandez, chỉ huy đội vệ binh bảo vệ tổng thống Venezuela, và là chỉ huy cơ quan tình báo quân sự Venezuela. Ông đề nghị Mỹ cho con trai 3 tuổi của ông đến Boston (Mỹ) để chịu mổ não, và ông cần Mỹ cấp visa nhập cảnh cho gia đình ông.
Mỹ đề phòng tướng tình báo Hernandez và Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela
Một lá thư từ Bệnh viện Nhi khoa Boston gửi đến Sứ quán Mỹ ở Venezuela, cho biết đứa trẻ được xếp lịch mổ ngày 14.3.2017, và gia đình đã đóng số tiền 150.000 USD. Thư khẳng định “vì quyền lợi tốt nhất của cháu bé”, tốt nhất thì vợ chồng tướng Hernandez đi cùng con trai trong thời gian hồi sức dự kiến 2 tuần.
Sau nhiều ngày họp nội bộ, Mỹ bác đề nghị của tướng Hernandez, nhận định không việc gì phải giúp một quan chức cấp cao trong chính quyền Venezuela, vốn đã bị Mỹ cáo buộc là chế độ tham nhũng, độc tài và côn đồ, nhưng lúc đó Mỹ chưa có ý định đối đầu.
Sau khi đề nghị cấp visa nhân đạo bị bác, một cựu quan chức cấp cao Venezuela - từng hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật Mỹ - đã thay mặt tướng Hernandez để liên hệ với các mối tiếp xúc của ông ở Washington.
Nhưng đề nghị cấp visa của ông lại bị bác, điều mà một nguồn tin của AP đánh giá là các nhà hoạch định chính sách ở Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đã thiếu tầm nhìn chiến lược. AP nói đấy là một trong những cơ hội “ban ơn” cho quân đội Venezuela vốn không dễ thâm nhập, nhưng Mỹ đã bỏ lỡ.
Tướng Hernandez (bìa phải) là trưởng nhóm vệ sĩ của Tổng thống Maduro - Ảnh: AP
Mỹ còn bác đề xuất lập “một hành lang an toàn” cho người được giả định sẽ là trưởng nhóm tướng Venezuela sẽ đào ngũ: Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez. Hiện cả hai ông Padrino và Hernandez đều bị Mỹ cấm vận tài chính. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc tướng Hernandez “chỉ huy cơ quan tình báo chuyên đánh đập dã man, bóp cổ, dùng dao lam cắt gót chân, giật điện đối với người biểu tình và dọa giết họ”.
Vị cựu quan chức Mỹ cùng 2 người khác đã yêu cầu AP giấu tên, vì tính chất nhạy cảm của những câu chuyện riêng tư cấp cao trong hai chính phủ Trump và Barack Obama.
Hai người đó kể Bộ trưởng Quốc phòng Padrino cũng liên hệ với Mỹ. Đầu năm 2016, tướng về hưu Jimmy Guzman đến Mỹ để làm việc với một quan chức cấp cao của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ. Tại bữa trưa ở một khách sạn, ông Guzman cho biết ông Padrino quan tâm đến việc mở một kênh liên lạc với Mỹ và với phe chống Tổng thống Maduro, khi phe đối lập bất ngờ chiếm thế đa số ở cuộc bầu cử quốc hội Venezuela (hồi tháng 12.2015).
Nhưng sau khi cựu tướng Guzman trở về Venezuela, Mỹ lập tức cắt đứt liên lạc, khi ông Diosdado Cabello (chủ tịch đảng Xã hội cầm quyền ở Venezuela) lên TV tố cáo hai người Venezuela lưu vong đã làm trung gian cho cuộc gặp của ông Guzman, và nói họ làm việc với Mỹ nhằm tổ chức một cuộc đảo chính.
Một nguồn tin của AP nói Mỹ sợ ông Padrino giả bộ quan tâm việc tiếp xúc với Mỹ và phe đối lập, nhằm thu thập thông tin về các ý đồ của Mỹ trước khi báo cáo với ông Maduro. Ông Padrino từng học tâm lý chiến tranh suốt 2 năm ở Mỹ (hồi những năm 1990) và bạn học cũ nhớ ông học rất chăm suốt 2 năm, và hai con của ông đã có hộ chiếu Mỹ.
Mỹ trúng kế lừa của tình báo Cuba?
Việc chính phủ Trump bác đề nghị của tướng Hernandez lẽ ra không ai biết đến, nếu như trong một phát biểu truyền hình trực tiếp tuần này, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton không nói ra việc tướng Hernandez là một trong 3 quan chức - 2 quan chức còn lại là Bộ trưởng Quốc phòng Padrino và Thẩm phán Tòa án tối cao Maikel Moreno - đến giờ chót đã chọn cách trung thành với Tổng thống Maduro, khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido hôm 30.4 kêu gọi quân đội góp sức vào “Chiến dịch Tự do” nhằm lật đổ chế độ Maduro và tái lập nền dân chủ cho Venezuela.
3 quan chức không trực tiếp phủ nhận việc họ đối thoại với phe đối lập, nhưng họ tái khẳng định sự trung thành với Tổng thống Maduro và họ vẫn nắm các chức vụ. Ngày 2.5, khi đứng cạnh ông Maduro, Bộ trưởng Padrino nói: “Chúng tính mua chuộc chúng tôi, cứ như chúng tôi là bọn lính đánh thuê vậy”.
Nhưng tướng Manuel Figuera, chỉ huy cơ quan tình báo SEBIN, thì đã đào ngũ và biến mất kể từ đó.
Bộ trưởng Padrino (phải) thề trung thành với Tổng thống Maduro - Ảnh : AP
Không thể rõ tầm cỡ ủng hộ âm mưu lật đổ Maduro của 3 quan chức Venezurela. Thủ lĩnh đối lập Leopoldo Lopez hôm 2.5 nói từ nhiều tuần qua, ông đã nói chuyện với nhiều sĩ quan quân đội trong lúc ông bị quản thúc tại gia.
Đặc phái viên Mỹ Elliots Abrams nói còn có một tài liệu nêu rõ quá trình chuyển giao chế độ, mà các sĩ quan cấp cao đã đồng ý truyền hình trực tuyến VPItv (Venezuela), ông khẳng định đã được biết tài liệu 15 điểm này đề cập sự bảo đảm cho quân đội, cho sự ra đi xứng đáng của ông Maduro, và để ông Guaido làm tổng thống tạm quyền.
Nhưng các nhà phân tích nghi ngờ khả năng các sĩ quan cấp cao phản bội ông Maduro, khi họ đang có quyền lực lớn và lại bị Mỹ trừng phạt. Thay vào đó, họ cho rằng phe đối lập và Mỹ có thể đã bị các đặc vụ tình báo Cuba ở Venezuela lừa.
Một trong những yếu tố khiến có vẻ các sĩ quan quân đội miễn cưỡng tham gia âm mưu lật đổ (có Mỹ ủng hộ) là trong quá khứ, họ đã có những cuộc thương lượng bất thành với các quan chức Mỹ. Suốt nhiều năm, các quan chức Mỹ đã tìm các cách tiếp cận quân đội Venezuela, lực lượng đóng vai trò trọng tài trong các tranh chấp chính trị ở nước này.
Vị cựu quan chức Mỹ nói từ nhiều năm, các quan chức dân sự và tướng lĩnh trung thành của Venezuela đã thoải mái đến Mỹ - nơi họ đầu tư nhờ hàng tỉ USD “rút ruột” ngân sách quốc gia - nên họ không quan tâm việc hợp tác với Mỹ trong việc tái lập trật tự và nền dân chủ ở Venezuela.
Hơn nữa, trong suốt 20 năm đảng Xã hội cầm quyền ở Venezuela, Mỹ không đặt mục tiêu thay đổi chế độ ở nước này, cho mãi đến hè 2017, khi chính phủ Trump tỏ ra cứng rắn khi ông Maduro đàn áp người biểu tình. Từ đó, các quan chức Nhà Trắng cảnh giác khi tiếp xúc với các quan chức Venezuela bị Mỹ điều tra vì nghi ngờ tham nhũng và buôn ma túy.
Mỹ Trinh (theo AP)