Úc hốt hoảng khi Trung Quốc rải tiền khắp Thái Bình Dương

Hồ sơ - Ngày đăng : 19:05, 23/07/2019

Úc bắt đầu hốt hoảng khi vai trò địa chính trị của họ tại Thái Bình Dương bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng.
Úc lo lắng trước kiểu chơi của Trung Quốc - Ảnh: CNN

Với những bãi biển rợp bóng cọ và vùng nước nguyên sơ đầy hải sản nhiệt đới, nhiều hòn đảo trên Thái Bình Dương tưởng chừng là những nơi xa xôi mà bạn sẽ chỉ có thể thấy trên Instagram. Nhưng đối với Trung Quốc và Úc, những hòn đảo nhỏ bé này đã trở thành trung tâm của một cuộc đấu tranh quyền lực mới trỗi dậy.

Trung Quốc muốn Úc bị bật sới

Thực ra, chuyện nước ngoài ve vãn vốn không có gì mới đối với các hòn đảo nhỏ này. Dù các quốc đảo này thật nhỏ bé nhưng họ lại cùng nhau kiểm soát một khu vực đại dương lớn hơn cả diện tích nước Nga. 14 quốc đảo tại Thái Bình Dương từng chịu cảnh thuộc địa trong các khoảng thời gian khác nhau nhưng giờ thì tất cả họ đều độc lập. Chỉ có điều, do phát triển kinh tế kém, đây là một trong những khu vực có mức độ phụ thuộc vào bên ngoài nhiều nhất thế giới.

Trong nhiều thập kỷ, Úc mặc định là nhà viện trợ cho các quốc đảo đó vì không chỉ vấn đề về địa lý mà còn vì Úc còn có trách nhiệm với cộng đồng thổ dân ở đây. Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng nổi lên như một tay chơi lớn trong khu vực và họ muốn hất Úc ra khỏi cuộc chơi này.

Các quần đảo rải rác trên Thái Bình Dương là nơi cư trú ít hơn 10 triệu người, chưa bằng 1% của Trung Quốc và có tổng GDP khoảng 33,770 tỉ USD, cũng ít hơn 1% tổng GDP của Trung Quốc. Vị trí địa lý của họ cách xa Trung Quốc hàng ngàn dặm. Nhưng điều đó đã không ngăn được tiền từ Bắc Kinh tràn vào trong các dự án xây dựng cầu cảng, đường sá và sân bay.

Ở Úc, một số nhà phân tích lo ngại ảnh hưởng của đất nước họ tại Thái Bình Dương đang bị đe dọa. "Úc chắc chắn rất lo lắng về mức độ đầu tư (từ Trung Quốc)", Michael O Keefe, một chuyên gia về quan hệ đối ngoại Thái Bình Dương tại Đại học La Trobe của Melbourne cho biết.

Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Scott Morrison đã dành ưu đãi cho các quốc đảo trên Thái Bình Dương vượt trội so với những người tiền nhiệm kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm ngoái. Khi công bố một quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỉ AUD (1,5 tỉ USD) cho khu vực này vào tháng 11 năm ngoái, ông nói: "Úc không thể từ bỏ ảnh hưởng ở Tây Nam Thái Bình Dương. Và thật đáng buồn, tôi nghĩ rằng chúng ta đã từ bỏ quá nhiều".

Phong cách khác nhau của hai tay chơi

Mặc dù Úc - và các quốc gia khác - đã đầu tư viện trợ cho khu vực trong nhiều năm, nhưng phát triển kinh tế trên các đảo vẫn chậm. Điều đó một phần là do sự cô lập về mặt địa lý của các đảo với dân số quá ít. Mọi thứ càng khó khăn hơn khi các đảo ở đây dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiên tai.

Tại hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương, hơn 20% dân số không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, theo Ngân hàng Thế giới. Điều đó đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của viện trợ.

Trong các bài báo năm 2003 và 2010, nhà kinh tế học người Úc Helen Hughes nói rằng "viện trợ đã thất bại ở Thái Bình Dương", vì nó làm suy yếu khu vực tư nhân, ảnh hưởng đến thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nhưng nhà kinh tế người Úc Matthew Dornan và Jonathan Pryke, giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy, đã lập luận vào năm 2017 rằng viện trợ đã nâng cao "mức sống vượt quá mức”. Dù 2 báo cáo trên có vẻ trái ngược nhưng chúng cùng chỉ ra rằng khi viện trợ, Úc chỉ nghĩ đến việc nâng cao chất lượng sống của người dân một cách cụ thể còn Trung Quốc nghĩ khác.

Trung Quốc luôn đưa ra đòi hỏi với các quốc đảo Thái Bình Dương nơi họ cần đầu tư nhất. Điều đó đã có xu hướng dẫn đến việc Bắc Kinh đổ tiền tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Dữ liệu từ Viện Lowy trên 8 quốc gia nơi cả Úc và Trung Quốc đang đầu tư cho thấy ở tất cả các quốc gia, chi tiêu lớn nhất của Trung Quốc là cho một dự án cơ sở hạ tầng, trong khi tất cả các dự án hàng đầu của Úc đều không phải là cơ sở hạ tầng.

Chẳng hạn, tại Papua New Guinea, Trung Quốc đã hoàn thành việc nâng cấp đường bộ trị giá 85 triệu USD vào năm 2017. Trong khi đó, Úc đã chi 219 triệu USD cho một sáng kiến ​​cung cấp các loại thuốc thiết yếu như vắc-xin và tăng cường giáo dục sức khỏe, đặc biệt là xung quanh việc chống lây lan HIV.

Năm 2018, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Úc và Nam Thái Bình Dương, Concetta Fierraaugei-Wells, đã chỉ trích Trung Quốc tài trợ cho "các tòa nhà vô dụng" mà các đảo không thể trả nợ, dù bà không đề cập đến bất kỳ dự án nào cụ thể. Trung Quốc đã đưa ra một cuộc phản đối ngoại giao chính thức lên án bộ trưởng, gọi nhận xét của bà là "đầy định kiến ​​và thiên vị".

Ngoài ra, còn có một sự khác biệt khác giữa hai tay chơi ở Thái Bình Dương: cách giao tiền. Trong khi Úc viện trợ thông qua các khoản tài trợ không hoàn lại thì phần lớn chi tiêu của Trung Quốc là dưới dạng các khoản vay, theo Viện Lowy.

Nhiều khoản vay của Trung Quốc đã được thực hiện từ năm 2006 đến 2010, Jonathan Pryke của Viện Lowy cho biết. Đây là thời kỳ "đào vàng" khi Trung Quốc ngày càng mạnh tay dốc túi cho vay các nước trên thế giới, kể cả ở châu Phi. Các khoản vay thường có thời gian ân hạn từ 5 đến 10 năm, theo Pryke. Cho đến nay, không có hồ sơ về bất kỳ quốc đảo Thái Bình Dương nào trả lại tiền cho Trung Quốc, nghiên cứu của Viện Lowy cho thấy.

Đầu năm nay, Đại sứ Mỹ tại Úc, Arthur B. Culvahouse Jr., đã mô tả chi tiêu của Trung Quốc ở Thái Bình Dương là ngoại giao "cho vay trả góp" - cố tình khiến các nước phải gánh các khoản nợ không bền vững để mua đòn bẩy chính trị.

(kỳ tiếp: Đằng sau lòng tốt của Trung Quốc khi viện trợ cho các đảo nghèo)

Anh Tú