Trung Quốc thề hiện diện ở vùng biển xa lãnh thổ 1.500 km bất chấp Mỹ tức giận
Hồ sơ - Ngày đăng : 08:40, 19/07/2019
Ứng cử viên cho chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 17.7 trong phiên trả lời Ủy ban Quốc phòng Thượng viện đã lên tiếng cảnh báo việc Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức chiến lược từ Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực (vùng biển đa phần bị đóng băng ở cực bắc bán cầu). Đặc biệt, Esper cho rằng Trung Quốc vốn không có lãnh thổ nào dính dáng đến Bắc Cực, nhưng họ đang tìm cách tham gia cai quản khu vực.
Đáp lại thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Đây không phải là lần đầu tiên một số cá nhân Mỹ cố tình chỉ trích sự tham gia của Trung Quốc vào các vấn đề Bắc Cực. Không có gì trong lời nói của họ dựa trên thực tế. Những bình luận như vậy là chống lại xu hướng hợp tác hòa bình trong khu vực".
Đồng thời, người của Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Vấn đề Bắc Cực không chỉ liên quan đến các nước Bắc Cực. Nó có liên quan đến toàn thế giới. Tất cả các bên liên quan cần tham gia và đóng góp vào việc cai quản Bắc Cực. Là một bên liên can quan trọng, Trung Quốc sẽ không can thiệp vào các vấn đề hoàn toàn mang tính nội bộ của khu vực.
Nhưng về các vấn đề xuyên khu vực và toàn cầu liên quan đến Bắc Cực, chúng tôi sẽ không vắng mặt. Chúng tôi có thể và muốn đóng một vai trò xây dựng. Về việc tham gia vào các vấn đề Bắc Cực, Trung Quốc luôn cởi mở và hợp tác. Chúng tôi muốn làm việc sao cho kết quả đôi bên cùng có lợi. Cùng với tất cả các bên, chúng tôi sẵn sàng thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Bắc Cực”.
Tuy nhiên, ông Lục Khảng lại không định nghĩa rõ thế nào là “vấn đề hoàn toàn mang tính nội bộ của Bắc Cực” và “vấn đề nào mang tính chất toàn cầu ở Bắc Cực”.
Trước Esper thì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompey cũng đã rất cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc tại Bắc Cực. Hồi đầu tháng 5, ông Pompeo đã chỉ trích công khai Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng nghiên cứu dân sự để tiếp tục các mục tiêu thương mại và quân sự của mình tại Bắc Cực.
“Những lời nói và hành động của Trung Quốc gây ra những hoài nghi về ý định của họ”, ông Pompeo phát biểu tại Rovaniemi, Phần Lan, nơi tám thành viên của Hội đồng Bắc Cực họp hồi đầu tháng 5. “Bắc Kinh tuyên bố là một quốc gia gần Bắc Cực. Tuy nhiên, khoảng cách ngắn nhất giữa Trung Quốc và Bắc Cực là 900 dặm (gần 1.500 km)”. Ông Pompeo nói rằng Mỹ hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào Bắc Cực nhưng Mỹ cần kiểm tra chặt chẽ các hoạt động này, nhất là việc triển khai tàu ngầm.
Vị trí Trung Quốc cách Bắc cực khá xa
Cho đến khoảng một thập kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu mon men gần Bắc Cực. Vào năm 2013, Bắc Kinh xin được một chân làm “quan sát viên” của Hội đồng Bắc Cực gồm tám thành viên (Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan).
Còn lúc này, dường như Trung Quốc đang đánh bại Mỹ trong việc hiện diện ở phía bắc Vành đai Bắc Cực. Trung Quốc đã mở một trạm nghiên cứu ở Iceland vào năm 2018 để nghiên cứu thời tiết không gian. Theo một quan chức Nga, Bắc Kinh có một cái khác ở đảo Svalbard của Na Uy và đã ký một thỏa thuận vào tháng 4 với Nga về việc thành lập một trung tâm nghiên cứu chung để dự báo tình trạng băng của tuyến đường biển trên Bắc Băng Dương.
Mùa thu năm ngoái, Trung Quốc đã cho ra mắt tàu phá băng cực thứ hai, được đặt tên là Tuyết Long 2. Đây là chiếc tàu đầu tiên trên thế giới có thể phá vỡ lớp băng dày 5 feet cả 2 đầu phía trước và phía sau. Trung Quốc cũng có kế hoạch đóng một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân trong vài năm tới, cùng với một số tàu tuần tra có khả năng đi xuyên băng.
Trong khi đó, tàu phá băng hạng nặng của Mỹ vẫn cô đơn khi đã hơn 40 tuổi và hay bị hỏng hóc. Ngân sách cho một tàu phá băng mới trị giá 746 triệu đô la đã được chuyển sang dùng cho Bức tường biên giới phía nam của Tổng thống Trump.
Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Mỹ Daniel Abel hôm qua cũng khẳng định nước này cần phải đóng 6 tàu phá băng để đáp ứng tình hình mới. "Chúng tôi muốn có được ít nhất sáu tàu phá băng, trong đó có ba tàu hạng nặng: Tàu phá băng đơn độc của chúng tôi là Sao Bắc cực đã hơn 40 tuổi", Abel nói trong một cuộc hội thảo về Tác động của băng Bắc Cực trên các hoạt động hải quân và hàng hải. Mỹ cần tăng cường sức mạnh tại Bắc Cực không chỉ vì sự trỗi dậy của Trung Quốc mà còn cả vì Nga. Abel nói rằng Nga gần đây đã hoàn thành sáu căn cứ mới ở Bắc Cực và đóng sáu tàu phá băng mới
Vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một báo cáo trong đó họ ưu tiên một cách tiếp cận chiến lược đến Bắc Cực để chống lại "lợi thế cạnh tranh" của Trung Quốc và Nga ở khu vực này. Mỹ rõ ràng đã dè chừng cả Nga và Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực giàu tiềm năng.
Với Nga thì dù sao Mỹ cũng phải chịu vì Nga có đường biển dài (chiếm nửa múi giờ thế giới) giáp Bắc Cực. Nhưng Trung Quốc mà hiện diện tại Bắc Cực thì người Mỹ đương nhiên là bực bội vì lãnh thổ quốc gia đông dân số 1 vốn không dính dáng tí nào ở khu vực lạnh giá này.
Anh Tú