Năm trong số các cuộc biến động tài chính lớn nhất thế giới
Hồ sơ - Ngày đăng : 08:57, 07/04/2020
Năm 1918: Nước Nga Xô viết không thừa nhận thiếu nợ
Ngay sau khi nắm quyền ở Nga vào năm 1917, chính quyền Lenin tuyên bố sẽ không trả hàng đống nợ nước ngoài và đóng cửa đất nước với nền kinh tế thế giới một cách hiệu quả.
Món nợ chồng chất dưới thời Sa hoàng, chính phủ Sa hoàng vay mượn nhiều và bán hàng triệu trái phiếu chính phủ, hầu hết cho công dân Pháp tìm kiếm sự đầu tư chắc chắn.
Đầu của bức tượng Sa hoàng Alexander III bị phá hủy sau Cách mạng Tháng Mười
Động thái này khiến các chính quyền phương Tây giận dữ, đặc biệt là người Pháp, những người đang bên bờ vực phá sản sau Thế chiến thứ 1.
Vài tháng sau thông báo sốc của nước Nga Xô viết, các lực lượng quân sự đồng minh đã can thiệp vào cuộc nội chiến của Nga trong một nỗ lực không thành công nhằm lật đổ sự kiểm soát của chính quyền Lenin.
Trong một phòng xử án ở Paris vào năm 2001, “một số chủ nợ” Pháp đưa ra các trái phiếu chính phủ Nga được mua trước Cách mạng Tháng Mười
Hơn 1 thế kỷ sau, nhiều con cháu người Pháp vẫn không ngưng đòi những khoản đầu tư ngày xưa. Một website dành cho những người vẫn còn giữ các trái phiếu của đế quốc Nga nhằm “tập hợp những người giữ trái phiếu do nhà nước Nga phát hành và bảo đảm trước năm 1917… để nhận được bồi hoàn”.
Năm 1921 - 1923: Siêu lạm phát ở Đức
Khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1914, quốc hội Đức đã tạm hoãn yêu cầu đồng tiền của mình được hỗ trợ bằng vàng. Đức hy vọng trả cho nỗ lực Thế chiến thứ 1 đơn giản bằng cách in thêm tiền.
Một người phụ nữ bán ống lon bằng thiếc trên đường phố Berlin vào năm 1923 trong cảnh nghèo đói và siêu lạm phát đến chóng mặt
Khi cuộc chiến kéo dài, Đức bơm thêm hàng chục tỉ mác vào lưu thông tiền tệ và gửi gần như tất cả tiềm lực kinh tế và quân sự của đất nước cho tiền tuyến. Khi Đức bị thua trận vào năm 1918, đất nước có quá nhiều tiền, nhưng thiếu hàng hóa sử dụng hằng ngày.
Tình huống nguy hiểm trở nên tồi tệ hơn sau khi Đức ký Hiệp ước Versailles, trong đó đất nước “(đã) nhận trách nhiệm” cho thiệt hại do chiến tranh gây ra và cam kết hoàn trả cho quân đồng minh tương đương hàng tỉ USD. Tuy nhiên, khi các nhà chức trách Đức in thêm tiền để trả những khoản nợ này, lạm phát bắt đầu nằm ngoài tầm kiềm soát.
Một người đàn ông Đức dùng những tờ tiền không có giá trị để làm giấy dán tường vào năm 1923
Một phóng viên ở Berlin vào năm 1923 đã nhớ lại: “Giá vé tàu điện và thịt bò, vé xem hát và học phí, báo chí và cắt tóc, đường và thịt xông khói, tăng hằng tuần… không ai biết tiền của họ sẽ tiêu xài được trong bao nhiêu lâu, người ta sống trong nỗi sợ hãi thường xuyên, không nghĩ đến bất cứ điều gì ngoài chuyện ăn và uống, mua và bán”.
Nhiều người Đức rời bỏ đất nước giữa lúc hỗn loạn; những người khác trở nên quá khích.
Năm 1923, ngay tại đỉnh điểm của siêu lạm phát, một nhà lãnh đạo của một phong trào chính trị mới ở Đức hứa ông có thể “làm cho cuộc sống dễ thở hơn”. Tên của ông là Adolf Hitler.
Năm 1929: Sự sụp đổ thị trường chứng khoán phố Wall
Một đám đông tụ tập bên ngoài thị trường chứng khoán New York vào ngày 29.10.1929, khi thị trường chứng khoán mất gần 1/4 giá trị trong 2 ngày
Sau nhiều năm chứng kiến một nền kinh tế thịnh vượng và một thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, nước Mỹ trong những năm 1920 tận hưởng những gì mà tác giả cuốn sách The Great Gatsby F. Scott Fitzgerald gọi là “cuộc vui chơi thú vị nhất, sang trọng nhất trong lịch sử”. Nhưng bữa tiệc chấm dứt vào tháng 10.1929 khi giá chứng khoán lao dốc bất ngờ. Sự rớt giá bất ngờ của cổ phiếu được đánh giá cao đã khơi mào một sự hoảng loạn ngày càng tăng khi người ta vội vã bán tống bán tháo cổ phiếu.
Trong 3 năm, thị trường mất gần 90% giá trị của mình.
Cách thức mua chứng khoán bằng tiền vay mượn của những người môi giới chứng khoán đã gây hại đối với nhiều người. Khi thị trường sụp đổ, những nhà đầu tư này chỉ còn lại một phần tiền mà họ bỏ vào, nhưng lại mang nợ 100%.
Một người phụ nữ và các con sống trong nghèo đói ở Oklahoma, Mỹ vào năm 1936
Ngay sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ, cuộc Đại Suy thoái xảy ra, khiến hàng triệu người Mỹ vô gia cư, thất nghiệp, và không phương hướng. Cuộc Đại Suy thoái nhanh chóng lan trên toàn cầu và từ năm 1929 đến 1932, nền kinh tế thế giới suy giảm khoảng 15% - nếu so với chỉ 1% của cuộc suy thoái toàn cầu vào cuối những năm 2000.
Năm 1998: Cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga
Những người Moscow chen lấn để vào ngàn hàng với hy vọng rút tiền tiết kiệm của mình vào ngày 27.8.1998, khi giá trị đồng rúp lao dốc
Khi giá dầu giảm vào năm 1997 sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á, Nga lập tức cảm thấy khó khăn về mặt tài chính. Nền kinh tế tư bản non trẻ phần lớn dựa vào tiền bán dầu và ít có tiền mặt dự trữ.
Tháng 8.1998, Ngân hàng Trung ương Nga buộc phải tháo gỡ việc đồng rúp mất giá nhiều so với đồng đô la Mỹ. Trong một tháng, đồng rúp mất 2/3 giá trị và nhiều người, bao gồm người cao tuổi dễ bị tổn thương của đất nước, mất phần lớn tiền tiết kiệm của họ. Tháng 9, khoảng 230.000 người Nga thất nghiệp và trong vòng 1 năm, thu nhập trung bình ở Nga giảm 1/3.
Một ông lão chơi nhạc nơi công cộng để kiếm sống ở Moscow vào tháng 12.1998
Với nạn lạm phát gần 84% trong năm 1998, chuyện mua sắm hoảng loạn lan rộng làm tăng thêm chấn thương khi người dân đổ vào các cửa hàng và dự trữ thực phẩm nhằm tránh tình trạng giá cả sẽ tăng cao hơn. Nhưng sau đó, nền kinh tế phục hồi - được thả nổi bởi giá dầu tăng và lợi nhuận xuất khẩu của đồng rúp rẻ - rất nhanh.
Năm 2008: Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn
Một phụ nữ ôm đồ đạc của mình sau khi bị sa thải khỏi chi nhánh Lehman Brothers London vào tháng 9.2008
Đầu những năm 2000, giá nhà ở Mỹ tăng và thế chấp được đưa ra cho bất cứ ai những người muốn mua bất động sản. Kết quả là, các thị trường tài chính phức tạp cho vay mua bất động sản bùng nổ.
Nhưng vào năm 2007, số người mua mà không có thu nhập ổn định tăng đã không thể trả nợ hằng tháng, vì thế, việc giao dịch trong lĩnh vực “chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp” thất bại hoàn toàn.
Một cuộc đụng độ ở Hy Lạp vào năm 2014 giữa cảnh sát và giới trẻ chiếm đóng Sở Lao động thành phố Thessaloniki
Năm 2008, gã khổng lổ tài chính Lehman Brothers - một tay chơi lớn trên thị trường chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp - đệ đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Đó là vụ đệ đơn xin phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Thị trường chứng khoán của Mỹ lao dốc vào năm 2008, tỉ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi, và chẳng mấy chốc “sự phát tán” suy thoái kinh tế lây lan trên toàn thế giới. Châu Âu bị ảnh hưởng trầm trọng và Hy Lạp bị suy thoái từ năm 2009 cho đến 2018 - cuộc suy thoái kéo dài nhất đối với một nền kinh tế tư bản tiên tiến.
Mê Linh (theo RFERL)