Hãng AP nêu nỗi khổ của WHO với Trung Quốc trong đại dịch COVID-19
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:50, 03/06/2020
Trong suốt tháng 1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công khai ca ngợi Trung Quốc về cái mà họ gọi là phản ứng nhanh với loại coronavirus chủng mới. WHO liên tục cảm ơn chính phủ Trung Quốc đã chia sẻ ngay lập tức mã di truyền của vi rút và nói rằng việc cam kết cũng như thực hiện về tính minh bạch của Trung Quốc rất ấn tượng, còn nhiều hơn cả những lời hứa
Nhưng theo AP phát hiện thông qua băng ghi âm, đằng sau những lời có cánh lại là những chuyện khác biệt. Đó sự chậm trễ đáng kể của Trung Quốc so với kỳ vọng của WHO dẫn đến sự thất vọng không hề nhẹ của các quan chức WHO. Họ không nhận được thông tin cần thiết một cách kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của vi rút chết người nhưng vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi.
Bất chấp những lời khen ngợi, trên thực tế, Trung Quốc đã công bố mã di truyền hay còn gọi là bộ gien của vi rút khoảng hơn một tuần sau khi 3 phòng thí nghiệm khác nhau của chính phủ đã giải mã đầy đủ thông tin. Theo các cuộc phỏng vấn và các tài liệu nội bộ, việc kiểm soát chặt chẽ thông tin và tính đua tranh trong hệ thống y tế công cộng Trung Quốc là điều đáng trách.
Các phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc chỉ công bố bộ gien sau khi một phòng thí nghiệm khác công bố nó trên một trang web về vi rút vào ngày 11.1. Ngay cả khi đó, Trung Quốc đã trì hoãn thêm ít nhất 2 tuần nữa để cung cấp cho WHO dữ liệu chi tiết về các trường hợp nhiễm bệnh. AP đưa thông tin trên dựa theo các bản ghi âm trong các cuộc họp nội bộ của WHO trong tháng 1 - thời điểm có thể ngăn chặn vụ dịch lây lan sớm hơn.
Theo bản ghi âm của AP, các quan chức của WHO đã ca ngợi Trung Quốc trước thế giới vì họ muốn vỗ về để có thêm thông tin từ quốc gia này. Còn khi trao đổi riêng, chẳng hạn trong cuộc họp ngày 6.1, họ đã phàn nàn rằng Trung Quốc đã không chia sẻ đủ dữ liệu để đánh giá mức độ lây lan của vi rút giữa người với người hoặc nguy cơ lây nhiễm cho phần còn lại của thế giới, gây lãng phí thời gian.
Nhà dịch tễ học người Mỹ Maria Van Kerkhove, hiện đang phụ trách chương trình chống COVID-19 của WHO, đã nói trong một cuộc họp nội bộ rằng “Chúng ta có quá ít thông tin". Tiến sĩ Gauden Galea, Trưởng đại diện của WHO ở Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi chỉ có được những thông tin sớm hơn 15 phút so với thông tin được họ phát trên đài truyền hình quốc gia”.
Câu chuyện của AP được đưa ra đúng thời điểm WHO đang bị áp lực và ngay cả Mỹ cũng nghi ngờ họ "đi đêm" với Trung Quốc. Sau khi liên tục ca ngợi phản ứng của Trung Quốc từ rất sớm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay sang chỉ trích WHO trong những tuần gần đây bới cáo buộc WHO đồng lõa với Trung Quốc để che giấu mức độ tàn phá của coronavirus.
Phát biểu tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng hôm 29.5, ông Trump cho biết các quan chức Trung Quốc đã phớt lờ nghĩa vụ báo cáo của họ với WHO về vi rút đã khiến hàng trăm ngàn người trên toàn cầu tử vong, và gây áp lực khiến cơ quan này lừa dối thế giới. “Vì họ đã thất bại trong việc thực hiện các cải cách được đòi hỏi và rất cần thiết, nên hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với WHO và chuyển các khoản tiền đó sang các tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu khác trên toàn thế giới”. Đồng thời, ông Trump nhấn mạnh Trung Quốc đã hoàn toàn thao túng WHO mặc dù chỉ chi 40 triệu USD mỗi năm, ít hơn rất nhiều so với số tiền mà nước Mỹ đã chi, khoảng 450 triệu USD/năm.
Thông tin mới mà AP thu thập được đã cho thấy WHO hiện đang bị mắc kẹt ở giữa các nước lớn trong lúc họ đang cố gắng tìm kiếm thêm dữ liệu bất chấp rào cản bảo mật từ chính quyền nước sở tại. Mặc dù theo quy định, các quốc gia bắt buộc phải báo cáo cho WHO thông tin có thể có tác động đến sức khỏe cộng đồng thế giới, nhưng WHO không có quyền hạn buộc các nước phải thực thi và không thể điều tra độc lập dịch bệnh trong các quốc gia. Thay vào đó, họ phải dựa vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên.
Như vậy, theo AP, các bản ghi âm cho thấy WHO không đồng lõa với Trung Quốc như ông Trump tuyên bố. Thay vào đó, WHO đã cũng khổ sở khi Trung Quốc cung cấp cho họ thông tin nhỏ giọt. Tuy nhiên, cơ quan này đã cố gắng ca ngợi Trung Quốc hết cỡ để có thể được cung cấp nhiều thông tin hơn. Và các chuyên gia của WHO thực sự nghĩ rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện một công việc rất tốt trong việc phát hiện và giải mã vi rút mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc lại không sẵn sàng như thế.
Các bản ghi âm cũng tiết lộ việc nhân viên của WHO đã tranh luận về cách dụ phía Trung Quốc cung cấp mã gien và dữ liệu chi tiết bệnh nhân mà không khiến các nhà chức trách tức giận, không phải lo lắng về việc mất quyền hoạt động hay khiến đồng nghiệp là các nhà khoa học Trung Quốc gặp rắc rối.
Tuy nhiên, đây mới là thông tin từ AP, dư luận đang chờ những nguồn "điều tra độc lập" khác.
Trung Quốc nói rằng cuộc điều tra của hãng thông tấn Mỹ AP nói nước này hoãn chia sẻ thông tin COVID-19 với WHO là hoàn toàn sai sự thật.
Tuyên bố trên được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra trong cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm nay 3.6 khi trả lời câu hỏi về bài điều tra của AP, trong đó nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thất vọng vì sự chậm trễ đáng kể trong việc chia sẻ thông tin của Trung Quốc khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán hồi tháng 1.
Wu Zunyou, nhà dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, hôm 19.5 nói rằng Trung Quốc đã chia sẻ thông tin về virus và dịch bệnh với WHO cũng như thế giới dựa trên các nguyên tắc "sớm, nhanh và minh bạch" kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Anh Tú