Giới trẻ Âu-Mỹ vẫn tụ tập mở tiệc, coi thường đại dịch
Quốc tế - Ngày đăng : 12:09, 23/03/2020
Nhiều sinh viên đại học các nước Pháp, Úc, Mỹ... vẫn coi thường dịch bệnh kéo đến bãi biển bất chấp nguy hiểm. Có những trường hợp họ còn đe dọa cảnh sát tới thực thi các lệnh cấm, theo AP.
“Một số người coi mình là anh hùng khi phá vỡ luật lệ”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nói. “Không, bạn rất ngu ngốc, và là mối đe dọa cho chính mình”.
Sau nhiều ngày có một số người không ở nhà theo lệnh phong tỏa, ngày 20.3, Pháp điều lực lượng cảnh sát tới các bến tàu để ngăn không cho dân chúng tới các ngôi nhà nghỉ dưỡng ở nông thôn hay vùng biển, những nơi có thể có hệ thống y tế chưa được tốt.
Ở Clichy-Sous-Bois ngoại ô Paris, một người cắn cảnh sát đang thực thi quy định phong tỏa. Một đám đông thậm chí còn dọa nhổ vào cảnh sát tới giải tán đám đông ở thành phố đông nam Lyon, nhưng sau đó tự giải tán.
Chính quyền cũng đóng cửa một đường đi bộ dọc sông Seine và lệnh giới nghiêm buổi tối được thành phố Nice ven Địa Trung Hải ban hành. 100.000 cảnh sát Pháp được điều động ra ngoài phố để thực thi lệnh phong tỏa đã tiến hành 1,7 triệu lượt kiểm tra trong 5 ngày qua, phạt hơn 22.500 người, theo Bộ Nội vụ Pháp.
Thống đốc bang Bavaria, miền nam nước Đức cho hay thanh niên bang này vẫn tổ chức những bữa tiệc "corona", ho vào người già và hét lên "corona" để đùa giỡn. Sự bất chấp của những người này khiến giới chức buộc phải mạnh tay
Ông John Daley - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu độc lập Grattan của Úc - cho rằng yêu cầu "cách ly" không hiệu quả là điều không quá ngạc nhiên. Ông Daley kêu gọi cách ly phải nghiêm khắc, người bị cách ly nghiêm túc phải ở trong khách sạn, trong nhà và không đi ra ngoài trong 2 tuần. Sự không nghiêm túc ấy có thể thấy ở những bãi biển ở Mỹ, Úc.
"Tôi còn trẻ. Tôi tin cơ thể mình có thể chống chọi được COVID-19" là lời biện hộ của những người trẻ đang phớt lờ yêu cầu hạn chế giao tiếp xã hội.
Theo báo News, trong số những người có mặt trên bãi biển Bondi (Úc) trong thời tiết 31oC ngày 19.3, có những du khách Mỹ nằm phơi nắng hoặc bơi lội vui vẻ. Họ cho biết cả nhóm sống cùng nhau, đi chơi biển, ăn tối và các hoạt động khác và bỏ qua việc mỗi người phải đứng cách 1,5m với người khác.
"Không ai trong chúng tôi có triệu chứng. Coronavirus không có xu hướng tấn công người trẻ. Nguy cơ nhiễm vi rút này ở Mỹ, nơi có nhiều ca nhiễm hơn chứ không phải ở Úc, nơi chỉ có vài trăm ca tổng cộng", du khách tên Lauren Titone nói.
Ở Mỹ, hàng ngàn người có mặt trên các bãi biển ở bang Florida dường như xem chuyện giữ khoảng cách trong dịch bệnh COVID-19 là chuyện nhỏ dù Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) đã khuyến các tránh các sự kiện tụ tập hơn 10 người, không ăn uống ở nhà hàng, quán bar, mỗi người cách xa nhau 6 feet (khoảng 1,8m).
Trên bãi biển ở Florida, hàng ngàn người nằm phơi nắng sát nhau mà chẳng hề lo ngại dịch bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh, không không nghĩ tới hậu quả mình còn trẻ khỏe nhưng khi trở về nhà thì lây cho người khác già yếu hơn, như ông bà mình.
Giới chức bang Florida đã đóng cửa một số bãi biển nổi tiếng của bang này sau khi tivi phát hình ảnh đám đông sinh viên nghỉ xuân tới khu vực bãi biển, giữa lúc số người chết do COVID-19 toàn cầu vượt qua 13.000 người hôm 22.3.
Úc cũng vừa đóng cửa bãi biển Bondi nổi tiếng ở Sydney.
Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm 21.3 cảnh báo những người trong độ tuổi từ 18-49 chiếm hơn một nửa số ca nhiễm COVID-19 của bang này. "Bạn không phải những nam siêu nhân hay nữ siêu nhân", Cuomo nói.
Nhiều người New York không tuân thủ các khuyến nghị về "cách biệt cộng đồng", tụ tập tại các công viên rộng lớn trong thành phố. Thống đốc Cuomo khẳng định hành động đó có thể vô tình làm tổn thương những người họ yêu thương và người khác, đồng thời kêu gọi người dân thực thi nghiêm túc "cách biệt trong cộng đồng".
Trên toàn thế giới, hơn 330.000 người đã nhiễm COVID-19. Đa số chỉ có triệu chứng nhẹ tới trung bình. Nhưng người già hoặc người có bệnh nền có thể sẽ bị triệu chứng nặng. Khoảng 92.000 người đã hồi phục, đa phần là ở Trung Quốc nơi đầu tiên xảy ra dịch bệnh.
Ở Ý, ngay cả khi số ca tử vong đã vượt quá Trung Quốc, chính quyền vẫn phải ra sức giới hạn người dân ra ngoài hay đi thăm bạn bè. Tại chợ ở các vùng nông thôn Pháp, cảnh sát yêu cầu mọi người đứng cách nhau 2 mét. Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha thậm chí phải dùng trực thăng để tìm các nhóm người tụ tập bên ngoài, sau đó điều lực lượng tới giải tán.
Đan Thùy