Mỹ nhận hàng tấn vật tư y tế từ Trung Quốc chống dịch COVID-19
Quốc tế - Ngày đăng : 15:20, 31/03/2020
Người phát ngôn của Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA), bà Lizzie Litzow cho biết, máy bay này đã giao 130.000 chiếc khẩu trang N95, 1,8 triệu khẩu trang và áo choàng cùng 10 triệu găng tay và hàng nghìn nhiệt kế để phân phối đến 3 bang gồm New York, New Jersey và Connecticut. Các chuyến bay khác sẽ đến bang Chicago vào 30.3 và Ohio vào 31.3, và các nguồn vật tư y tế sẽ được gửi từ đó đến các bang khác bằng cách sử dụng mạng lưới phân phối tư nhân.
Mặc dù số hàng này đã đến New York vào hôm 29.3 được các bệnh viện và nhân viên y tế chào đón, chúng chỉ chiếm một phần nhỏ những thứ bệnh viện ở Mỹ cần. Nhiều đội ngũ y bác sĩ đã hạn chế dùng dụng cụ bảo hộ hoặc phải sử dụng đồ tự chế. Bộ Y tế Mỹ đã ước tính sẽ cần 3,5 tỷ khẩu trang nếu đại dịch này kéo dài một năm.
Nhu cầu quá lớn trên đã tạo ra cuộc đua giữa các quốc gia và các quan chức Mỹ ở tất cả các cấp chính phủ và tư nhân khi họ ồ ạt mua đồ bảo hộ, máy thở và các hàng hóa thiết yếu khác từ Trung Quốc, nơi các nhà máy mới được xây dựng sản xuất những thứ trên ở số lượng lớn trong bối cảnh quốc gia châu Á được cho là đang dần kiểm soát được dịch bệnh.
Chủ tịch công ty APCO Worldwide tại Trung Quốc, James McGregor nói rằng “Trung Quốc hiện có rất nhiều thiết bị bảo vệ y tế còn thế giới thì đang thiếu hụt”.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump Trump đã tìm cách đẩy mạnh sản xuất mặt nạ phòng độc, máy thở và các vật tư y tế khác ở Mỹ, nhưng các nhà máy đã hoạt động hết công suất. Các hãng ô tô như General Motors, Ford và các công ty khác đã lần đầu tiên thử sản xuất những sản phẩm này. Song, có thể cần vài tuần hoặc vài tháng trước khi các cơ sở mới được xây dựng để có thể đẩy mạnh sản xuất.
Một người phát ngôn của Nhà Trắng tiết lộ, lô hàng vật tư y tế từ Trung Quốc đến New York vào ngày 29.3 là sản phẩm của quan hệ đối tác công tư – dẫn đầu bởi con rể và cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump, Jared Kushner – với các nhà phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe lớn như McKesson Corporation, Cardinal Health, Owens & Minor, Medline và Henry Schein. Đại diện của các công ty này đã tham dự một cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Trump vào chủ nhật tuần trước.
Nhà Trắng đang điều phối máy bay để giúp đẩy nhanh việc vận chuyển các thiết bị bảo vệ mua bởi các công ty này ở nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của FEMA Lizzie Litzow, không phải tất cả các nguồn cung cấp đều đến từ Trung Quốc. Bà Litzow cho biết Mỹ đang làm việc với các nhà sản xuất từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ, Honduras và Mexico.
Trong bối cảnh khan hiếm thiết bị y tế như hiện nay, các thống đốc, thị trưởng và các nhà lập pháp Mỹ đã phải tự nỗ lực có được các sản phẩm từ Trung Quốc. Một số người nói rằng chính phủ liên bang hành động quá chậm và khiến Mỹ có nguy cơ mất trắng những lô hàng này vào tay nước ngoài.
Các quan chức Mỹ dựa vào mối quan hệ giữa các thành phố với nhau, móc nối các văn phòng liên lạc mà đã thiết lập ở Trung Quốc để thu hút đầu tư nhằm liên kết với các công ty nhà nước Trung Quốc để cố gắng có được các thiết bị đang khan hiếm.
Trong lĩnh vực tư nhân, một loạt các cá nhân giàu có, các tổ chức từ thiện và giám đốc điều hành công ty có quan hệ ở Trung Quốc cũng tham gia vào các nỗ lực này để nhằm giúp đưa hàng hóa đến Mỹ.
Người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba, tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma đang mang 1 triệu khẩu trang và 500.000 bộ xét nghiệm tới Mỹ. Ủy ban 100, một tổ chức của người Mỹ gốc Hoa, cũng đã huy động 1 triệu USD để mua vật tư y tế và đồ bảo hộ từ khắp nơi trên thế giới cung cấp cho Mỹ.
Chủ tịch của công ty quản lý vốn Himalaya Capital, Li Lu cho biết ông đang giúp sắp xếp một chuyến hàng đến Mỹ vào ngày 1.4 với 1 triệu khẩu trang được sản xuất bởi BYD, một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mà trong đó Himalaya Capital là chủ sở hữu một phần. Ngoài ra, ông Li cho biết ông cũng đang nói chuyện với nhà sản xuất máy thở lớn nhất Trung Quốc mà châu Âu đã đặt hàng toàn bộ sản phẩm công ty này sản xuất cho đến tháng 9, nhằm cố gắng thuyết phục họ gửi vài trăm máy thở đến Mỹ.
Hoàng Vũ (theo New York Times)