Đức ‘đánh cược’ vào mô hình chống COVID-19 kiểu Hàn Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 05:55, 31/03/2020
Giới chức Đức cho biết, nước này đã thực hiện nhiều xét nghiệm coronavirus nhiều nhất châu Âu với 300.000 đến 500.000 ca mỗi tuần. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel muốn tăng cường ít nhất 200.000 ca xét nghiệm mỗi ngày, theo một tài liệu của Bộ Nội vụ Đức.
Mục tiêu của phương pháp này là sẽ xét nghiệm tất cả người có triệu chứng, những người bị nghi nhiễm cùng toàn bộ người đã tiếp xúc các trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận nhằm chuyển từ trạng thái "xác định tình hình" sang "vượt lên đón đầu".
Theo dõi trên điện thoại di động
Một vũ khí quan trọng trong việc đối phó với đại dịch là sử dụng dữ liệu định vị của điện thoại thông minh để đối chiếu lịch sử đi lại gần đây của bệnh nhân, sau đó khoanh vùng, cách ly những người nghi nhiễm bệnh.
Trong khi các quan chức chính phủ và các nhà dịch tễ học ủng hộ theo dõi dữ liệu điện thoại di động, đây vẫn là ý tưởng gây tranh cãi tại Đức khi một bộ phận người dân bị ám ảnh bởi sự giám sát trong thời kỳ Đức Quốc xã.
Các kế hoạch được đề xuất tại Đức lặp lại chiến lược "truy dấu, truy dấu và điều trị" dường như đã giúp Hàn Quốc kiểm soát được sự bùng phát của virus. Chiến lược này bao gồm việc sàng lọc hàng loạt trường hợp nghi nhiễm và sử dụng nhiều công nghệ để theo dõi bệnh nhân.
Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler nhận định rằng, mặc dù Đức và Hàn Quốc là hai quốc gia rất khác nhau, nhưng chiến lược chống dịch của quốc gia châu Á "có thể là hình mẫu” và “điểm mấu chốt là truy dấu dữ liệu định vị trên điện thoại di động".
Chính quyền Đức đã ban hành quy định cấm tụ tập quá 2 người ở nơi công cộng có hiệu lực đến ngày 28.4 để giảm nguy cơ lây lan của COVID-19. Thủ tướng Angela Merkel cũng đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với một bác sĩ được xác định dương tính với coronavirus.
Cơn bão đang đến
Với 580 ca tử vong trong số hơn 63.000 ca nhiễm, Đức hiện có tỷ lệ tử vong chỉ là 0,87%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ khoảng 11% ở Ý và 8,6% ở Tây Ban Nha, hai nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh tại châu Âu. Nhưng Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo nước này có thể đối mặt với một "cơn bão" ca nhiễm mới trong những tuần tới.
Người đức đầu Viện dịch tễ của Đức ông Lothar Wieler giải thích tỷ lệ tử vong thấp ở Đức là do đa số những người nhiễm không thuộc nhóm người có nguy cơ gặp nguy hiểm, song nếu tình trạng lây nhiễm xảy ra với các nhà dưỡng lão hay bệnh viện thì số ca tử vong sẽ tăng mạnh.
Ngoài ra, ông Wieler cho rằng kịch bản bệnh viện quá tải hiện giờ ở Ý cũng có thể xảy ra ở Đức. "Chúng ta không thể loại trừ viễn cảnh rằng chúng ta sẽ có nhiều bệnh nhân hơn cả máy thở ở đây”, ông nói.
Với 25.000 giường chăm sóc đặc biệt được trang bị máy thở, Đức ở vị trí tốt hơn so với nhiều quốc gia đang đối phó với hàng loạt bệnh nhân bị suy hô hấp. Nhưng nhiều năm chưa được quan tâm đủ bởi nhà nước đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức đang lâm vào cảnh thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.
Reinhard Busse, chuyên gia về kinh tế y tế tại Đại học Kỹ thuật Berlin, cho biết trong những tháng gần đây, một số giường chăm sóc đặc biệt đã phải ngừng hoạt động vì thiếu nhân viên điều dưỡng.
Đức hiện tại chỉ có khoảng 17.000 vị trí nhân viên điều dường và con số này không đủ để điều phối đến các bệnh viện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng, do đó nhiều bệnh viện, trung tâm y tế của Đức đã phải tuyển dụng y bác sĩ đã về hưu hoặc sinh viên y khoa đối phó với coronavirus, ngay cả tại bệnh viện Đại học Charite nổi tiếng ở Berlin.
Hoàng Vũ (theo AFP)