SARS-CoV-2 xuất hiện biến thể ‘mãn tính’
Quốc tế - Ngày đăng : 17:11, 01/04/2020
Trường hợp hiếm gặp này là người đàn ông trung niên có triệu chứng không nghiêm trọng, nhưng bệnh kéo dài đến 49 ngày. Bệnh nhân dường như lập nên thế cân bằng với virus: các chỉ số tế bào miễn dịch vẫn ổn định trong khi lượng SARS-CoV-2 trong người rất cao.
“Giữa virus và vật chủ có thể đã hình thành quan hệ cộng sinh”, theo nhóm nghiên cứu đến từ đại học Quân y Trung Quốc, bệnh viện quân đội 967, bệnh viện đa khoa Chiến khu miền Trung.
Khi cơ thể không thể loại bỏ virus bằng phác đồ điều trị thông thường biến bệnh nhân thành nguồn lây tiềm tàng, bác sĩ phải tiêm huyết tương từ người khỏi bệnh cho ông. Kết quả xét nghiệm dịch hầu họng/ dịch mũi sau đó cho kết quả âm tính.
Quan sát số ca nhiễm trước đây cho thấy thời gian trung bình khoảng 20 ngày, dài nhất 37 ngày. Thông thường bệnh càng lâu thì càng trở nặng.
Vậy mà trường hợp 49 ngày chỉ sốt nhẹ chứ không ho, ớn lạnh, khó thở hay có bất cứ triệu chứng đặc trưng nào khác. Ảnh chụp CT thể hiện vùng viêm ở phổi biến mất vài ngày sau khi nhập viện, thân nhiệt cũng về mức bình thường.
Tuy nhiên kết quả xét nghiệm acid nucleic thì vẫn dương tính với lượng virus cao tương tự bệnh nhân nặng - đồng nghĩa với khả năng lây nhiễm kéo dài.
Một phụ nữ cao tuổi liên quan đến trường hợp hiếm gặp trên cũng mắc COVID-19 và có triệu chứng vừa phải. Nhưng bất chấp yếu tố bất lợi về tuổi tác lẫn điều kiện sức khỏe, bà lại hồi phục nhanh hơn người cùng độ tuổi. Không có ca dương tính nào khác trong số người từng tiếp xúc gia đình trường hợp 49 ngày.
Từ những thông tin thu thập được, các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo về một biến thể SARS-CoV-2 độc tính thấp, khó lây nhưng lại khó loại bỏ hơn, đem lại nguy cơ xuất hiện thêm nhiều trường hợp mắc COVID-19 “mãn tính” gây ra đợt bùng phát mới. Hiện vấn đề liệu trường hợp mắc COVID-19 “mãn tính” có lan truyền mầm bệnh qua con đường mới (chẳng hạn như đường tình dục) cần phải được tìm hiểu thêm.
Cẩm Bình (theo SCMP)