Các quốc gia, vùng lãnh thổ thành công kiểm soát dịch COVID-19
Quốc tế - Ngày đăng : 15:29, 05/04/2020
Xếp ngay sau là Tây Ban Nha với Ý - mỗi nước đều có hơn 100.000 người mắc, hơn 10.000 người chết vì COVID-19. Vài quốc gia châu Âu khác cũng bắt đầu “vỡ trận”.
Trong khi Mỹ và một số nước phương Tây bị chỉ trích vì phản ứng quá chậm chạp, thiếu hiệu quả, thì Đài Loan, Hàn Quốc, Canada,… lại được đánh giá đã thành công trong việc làm chậm quá trình lây lan.
Đài Loan
Ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 21.1, Đài Loan tính đến ngày 5.4 chỉ có 355 ca nhiễm cùng 5 ca tử vong. Tốc độ tăng chậm là nhờ chính quyền hòn đảo tự trị lập tức hành động ngay lúc xuất hiện thông tin về một căn bệnh bí ẩn ở thành phố Vũ Hán: kiểm tra du khách nhập cảnh, xây dựng hệ thống theo dõi người tự cách ly bằng điện thoại, đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế đồng thời cấm xuất khẩu.
Nhà bình luận chính trị Hilton Yip đánh giá phản ứng nhanh chóng trên xuất phát từ bài học trong quá khứ. Do phải đối mặt với mọi thứ từ Trung Quốc - tin giả, đe dọa quân sự, hậu quả vì che đậy thông tin dịch SARS 2003 - nên Đài Loan luôn đề cao cảnh giác.
Hàn Quốc
Từng là quốc gia bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn cứu vãn được tình hình mà không cần phong tỏa. Chìa khóa thành công nằm ở chương trình xét nghiệm diện rộng.
Quốc gia 51 triệu dân này thực hiện hơn 20.000 xét nghiệm/ngày, áp dụng biện pháp cách ly và tìm kiếm người có tiếp xúc với bệnh nhân để cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Giáo sư y tế công Devi Sridhar thuộc đại học Edinburgh ca ngợi đây là mô hình chặn dịch cũng như giữ cho tỷ lệ tử vong ở mức thấp hiệu quả.
Canada
Quốc gia Bắc Mỹ cũng cố gắng triển khai xét nghiệm diện rộng. Từ tháng 1 và 2, Canada đã thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ xét nghiệm cùng với tìm kiếm người có tiếp xúc với bệnh nhân. Họ phản ứng sớm như vậy là do rút kinh nghiệm từ dịch SARS 2003 (lúc đó Cananda là nước bên ngoài châu Á duy nhất ghi nhận ca tử vong).
Canada sở hữu hệ thống y tế công đươc đầu tư tốt và tiêu chí xét nghiệm COVID-19 không bị giới hạn như Mỹ. Nhờ phát hiện sớm ca nhiễm, điều tra nguồn lây mà nước này giảm bớt được tác động của dịch bệnh.
Georgia
Đây là ví dụ tiêu biểu khác cho phản ứng sớm. Mặc dù nền kinh tế đang gặp khó khăn nhưng đất nước Georgia nhỏ bé từ cuối tháng 2 đã thực hiện hàng loạt biện pháp cứng rắn như đóng cửa trường học lẫn xét nghiệm rộng rãi.
Đến nay nước này chỉ có 170 ca nhiễm và 1 ca tử vong. Nhà báo Natalia Antelava nhận xét: “Đây là quốc gia quen với khủng hoảng, trải qua không ít thời kỳ đen tối. Việc chính phủ nhìn nhận dịch bệnh một cách nghiêm túc ngay từ đầu giúp Georgia kiểm soát tình hình”.
Iceland
Iceland có tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 tính trên đầu người cao nhất thế giới - nỗ lực do một công ty tư nhân tại thành phố Reykjavik dẫn đầu.
Theo nhà báo người Iceland Jelena Ciric: “Xét nghiệm diện rộng cung cấp cho chúng tôi bức tranh rõ ràng về quá trình dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Sở dĩ mức tăng ca nhiễm không theo cấp số nhân là vì chúng tôi thực hiện sớm biện pháp cách ly những trường hợp có khả năng phơi nhiễm với virus”.
Thụy Điển
Quốc gia Bắc Âu kiên định không áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt mà lại đặt niềm tin vào ý thức tự giác của công dân. Nhà báo người Thụy Điển Nathalie Rothschild cho biết: “Họ kỳ vọng mọi người tự chịu trách nhiệm với bản thân, tránh xa nơi đông đúc, ở nhà, giữ khoảng cách trên phương tiện giao thông công cộng dù chẳng hề bị ép buộc. Hai tuần tới sẽ chứng minh làm vậy hiệu quả hay không”.
Cẩm Bình (theo Foreign Policy)