Giới trẻ thuộc thế hệ Z đối mặt với tương lai u ám vì dịch COVID-19
Quốc tế - Ngày đăng : 06:09, 09/04/2020
Tomas Mier có kế hoạch lớn cho học kỳ cuối cùng tại đại học Nam California (USC): Hoàn thành kỳ thực tập, đạt điểm cao, cho bố mẹ là dân nhập cư từ Mexico chứng kiến cảnh anh bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp.
Thế rồi COVID-19 ập đến. Hoạt động học tập lẫn làm việc đều chuyển sang hình thức trực tuyến, USC hủy bỏ lễ trao bằng tốt nghiệp trực tiếp.
Thế hệ Z như Mier chẳng có thời gian tiếc nuối học kỳ cuối. Họ chuẩn bị trải qua thời kỳ khó khăn như thế hệ Y (sinh ra từ những năm 1980 - giữa những năm 1990) - những người làm việc trong cuộc đại suy thoái 2007 - 2010 với rất ít cơ hội việc làm, tăng trưởng tài chính trì trệ.
Khó khăn từ lúc dịch bệnh còn hoành hành
Theo ghi nhận của trang Business Insider, nhiều người thuộc lứa đầu thế hệ Z đã bị hủy kỳ thực tập hay phỏng vấn xin việc khi chính sách giãn cách xã hội được ban hành ở khắp nơi. Hiện chưa thể đánh giá đầy đủ tác hại mà COVID-19 gây ra cho thị trường lao động.
Với người may mắn chưa thất nghiệp, họ phải thích nghi với việc mọi hoạt động nay diễn ra từ xa. Điều này mang lại cả lợi ích lẫn bất cập.
Về mặt tích cực thì làm việc từ xa khiến doanh nghiệp tuyển dụng linh hoạt hơn, mở ra cơ hội cho đối tượng lao động không thể chuyển đến thành phố lớn sinh sống hoặc người vốn bị gạt ra bên lề. Các công ty bắt đầu nhận ra rằng không đến văn phòng vẫn có thể hoàn thành công việc. Tình trạng giãn cách xã hội thực sự có khả năng tạo ra 15 triệu việc làm trong thập niên tới.
Tuy nhiên, làm việc từ xa không dành cho tất cả. Một số người không đủ điều kiện tiếp cận công nghệ thường xuyên hay môi trường làm việc đủ an toàn. Phương thức mới tồn tại vài bất cập như khó khăn về công nghệ, làm việc thiếu giờ, thiếu tương tác giữa con người, tạo cảm giác cô đơn.
Ngay cả làm việc từ xa cũng chẳng giúp đảm bảo tương lai. Chuyên gia kinh tế Seth Carpenter thuộc ngân hàng UBS cảnh báo nếu suy thoái xảy ra, mọi người sẽ tập trung trả nợ và tiết kiệm thay vì chi tiêu tùy ý. Chi tiêu giảm giáng đòn mạnh lên những nhà bán lẻ sử dụng nhiều lao động thế hệ Z.
Du lịch hiện là điều bất khả thi khi hơn 1/3 dân số thế giới hiện sống trong phong tỏa. Hàng nghìn cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê ngừng hoạt động theo quy định đóng cửa dịch vụ không thiết yếu. Đây đều là ngành thuê mướn rất nhiều lao động trẻ tuổi.
Tại Mỹ, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên từ 1,7 triệu (tuần đầu tháng 3) lên 3,3 triệu sau 2 tuần - vượt xa mức 800.000 người mất việc năm 2008.
Mạng LinkedIn còn cho thấy tỷ lệ tuyển dụng ở Mỹ, Trung Quốc, Ý đã giảm từ đầu tháng 2. Trung Quốc là quốc gia ghi nhận mức giảm mạnh nhất nhưng hiện đang dần tăng trở lại, đà giảm của Ý vẫn tiếp tục, Mỹ dự kiến cũng như Ý.
Sự nghiệp tồi tệ thời kỳ suy thoái
Một nghiên cứu do đại học Stanford chỉ rằng sinh viên tốt nghiệp rồi đi làm trong lúc kinh tế suy thoái phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao cùng lương khởi điểm thấp. Tốc độ tích lũy tài chính vì vậy mà chậm lại 10 - 15 năm.
Sinh viên USC năm cuối Matthew Phillips chia sẻ: “Nỗi lo tìm việc lâu nay giờ nhân lên gấp mười lần. Chúng tôi không biết chuyện gì sắp xảy ra phía trước”.
Đang tận hưởng một năm nghỉ ngơi sau tốt nghiệp, Sarah Nehemiah quyết định học tiếp ngành luật nhằm tăng cơ hội tìm được việc làm.
“Tôi không còn nhiều thời gian để suy nghĩ về tương lai nữa. Một người bạn của tôi bị công ty nơi hứa hẹn tuyển dụng anh chính thức quay lưng, dù anh ấy thực tập tại đó 4 năm. Một bạn khác tốt nghiệp đại học Fulbright cũng chưa có việc”, Nehemiah cho biết.
Sinh viên USC Tomas Mier lo lắng không kém: “Những người sinh ra trong gia đình thu nhập nhấp như chúng tôi được kỳ vọng kiếm ra nhiều tiền sau khi tốt nghiệp. Nhưng điều này thực sự khó khăn”.
Khó khăn chồng chất
Thế hệ Y làm việc trong cuộc đại suy thoái 2007-2010 hiện vẫn rất chật vật trả khoản vay để học đại học cùng chi phí sinh hoạt tăng phi mã. Thế hệ Z nhiều khả năng lâm vào cảnh tương tự, thậm chí xấu hơn.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4% lên 12,8% - cao hơn mức đỉnh xuất hiện trong đại suy thoái là 10%. Tỷ lệ thất nghiệp quá cao thì kinh tế không thể phục hồi nhanh chóng.
Cẩm Bình (theo Business Insider)