Hành vi xã hội sẽ thay đổi sau đại dịch COVID-19
Quốc tế - Ngày đăng : 16:41, 18/04/2020
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, nhiều quốc gia yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội. Mọi người được khuyên giữ khoảng cách an toàn với nhau, làm việc tại nhà, tránh tụ tập đông người – những biện pháp góp phần làm chậm tốc độ lây lan rất hiệu quả.
Tuy nhiên chính sách giãn cách là thách thức với con người, hơn nữa cái giá mà nhóm dân số nghèo khó, đội ngũ y tế tuyến đầu, đối tượng dễ bị cô lập hoặc hứng chịu bạo lực gia đình phải trả khá cao. Học sinh nay phải lên “lớp ảo”, khách hàng đứng cách nhau hàng mét tại tiệm tạp hóa, người đi làm tìm cách cân bằng giữa làm việc tại nhà với chăm sóc con cái, hàng loạt cuộc gặp mặt (tiệc mừng sinh nhật, lễ nhà thờ, hẹn hò thậm chí tang lễ) chuyển sang hình thức trực tuyến.
Theo phó giáo sư David Savage thuộc đại học Newcastle (Úc): “Con người là sinh vật xã hội, người tính khí cộc cằn nhất cũng khó chịu cảnh có ít bạn bè. Nhưng hiện nay giao tiếp xã hội ảo đang dần gia tăng thay thế giao tiếp thực”.
Giới chuyên gia nghiên cứu hành vi nhận định con người sẽ rất vui vẻ từ bỏ những biện pháp giãn cách sau khi dịch bệnh qua đi, nhưng một số hành vi lẫn chuẩn mực xã hội sẽ thay đổi mãi mãi. Làm việc tại nhà phổ biến hơn, khẩu trang được dùng thường xuyên ở quốc gia từng từ chối đeo chúng, nhiều lớp học và hội nghị tổ chức trực tuyến, rửa tay trở thành thói quen mới.
Minh chứng tiêu biểu là Hồng Kông. Ký ức về dịch SARS 2002 - 2003 khiến người dân đặc khu lần này nhanh chóng mua khẩu trang, giải quyết công việc từ xa cũng như thực hiện giãn cách.
Sau vài tuần người dân bắt đầu chủ quan. Chính quyền nhiều nước phải siết chặt hạn chế: cấm tụ tập hơn 4 người, ra lệnh đóng cửa cơ sở kinh doanh như quán bar hay phòng tập thể dục, đề nghị nhà hàng giảm lượng khách phục vụ trong một thời điểm,…
Nhà kinh tế học hành vi Donald Low thuộc đại học Khoa học - Công nghệ Hồng Kông giải thích yêu cầu làm việc tại nhà và giảm thiểu giao tiếp xã hội tạo nên áp lực lớn về mặt nhận thức, vì vậy trải qua một khoảng thời gian mọi người cảm thấy rất mệt mỏi nên quay lại với thói quen cũ. Tuy vậy vài thói quen hữu ích như giảng dạy hoặc họp trực tuyến, đeo khẩu trang, rửa tay sẽ dễ dàng tồn tại.
Khảo sát toàn cầu do đội ngũ nghiên cứu đại học Warwick, đại học Oxford, đại học Princeton hợp tác tiến hành cho kết quả hơn 80% người được hỏi nói rằng họ đang ở nhà, hơn 90% không tham gia các cuộc gặp mặt. Mức độ chấp hành giãn cách tại Argentina, Ecuador, Philippines tốt hơn Belarus, Nga, Cộng hòa Dominica.
Chính quyền Philippines đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội rất nghiêm ngặt. Lực lượng cảnh sát bắt giữ hàng trăm trường hợp vi phạm. Giáo sư y tế công Ronald Del Castillo thuộc đại học Philippines cho biết bước vào tuần thứ tư thì phần lớn người dân đều nghiêm túc tuân thủ yêu cầu ở nhà.
“Chúng tôi đã quen với việc xếp hàng dài bên ngoài tiệm tạp hóa và đứng cách nhau 1 - 2 mét”, giáo sư Castillo chia sẻ. Mặc dù vậy, đối tượng dân số nghèo sống tại khu vực đông đúc, mất sinh kế khó lòng duy trì thói quen như vậy.
Theo giáo sư Castillo: “Khi quy định giãn cách không còn, nhiều người sẽ vẫn tiếp tục rửa tay 20 giây, đeo khẩu trang ở nơi công cộng hay giật mình lúc nghe thấy tiếng hắt hơi/tiếng ho. Nhưng theo thời gian chúng ta rồi cũng quay lại với thói quen cũ”.
Israel cũng áp dụng những biện pháp tương tự như nhiều quốc gia khác. Tiến sĩ Ido Erev - Trưởng khoa Khoa học hành vi Viện Công nghệ Israel - cho biết hiệu quả của chính sách giãn cách rất hạn chế, đặc biệt là ở cộng đồng Do Thái chính thống giáo (sống trong căn hộ nhỏ, nhiều con cái). Chính quyền buộc phải học hỏi cách làm cứng rắn ở Đông Á.
Tiến sĩ Erev dự đoán khẩu trang rồi sẽ được dùng thường xuyên tại Israel, giám sát xã hội mạnh mẽ được chấp nhận, hoạt động làm việc tích hợp nhiều công nghệ.
“Có lẽ thói quen mới sẽ khiến chúng ta đi lại ít hơn, làm việc hiệu quả hơn, quan tâm đến môi trường hơn. Tất cả không phải vì chúng ta muốn vậy, mà vì chuẩn mực xã hội thay đổi” theo tiến sĩ Erev.
Tại Nam Phi, cảnh sát cùng quân đội tuần tra trên đường phố đảm bảo mọi người chấp hành nghiêm. Nhà tâm lý học xã hội Bankole Falade thuộc đại học Stellenbosch đánh giá nhìn chung chính sách giãn cách xã hội tương đối thành công.
Châu Phi từng trải qua không ít đợt dịch bệnh, nhưng đại dịch quy mô lớn như COVID-19 chắc chắn đem lại ảnh hưởng lâu dài. Ông Falade dự đoán thói quen dùng tiện ích công nghệ sẽ tồn tại lâu trong khi việc ngừng bắt tay nhau sẽ biến mất.
Cẩm Bình (theo SCMP)