Giới doanh nhân lo ngại về căng thẳng Úc - Trung
Quốc tế - Ngày đăng : 14:48, 01/05/2020
Có hợp đồng xuất thịt bò trị giá 488.000 USD chờ triển khai, Mackenzie không hề muốn hoạt động giao thương bị gián đoạn. Ông thấy vẫn còn hy vọng khi phía khách hàng chẳng hề phản ứng dữ dội như giới chức hai nước.
“Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ, chúng tôi cần nhau. Văn hóa hai bên khác biệt nhưng giống như hôn nhân có lúc thăng lúc trầm vậy. Chính quyền đủ thông minh để tránh cho căng thẳng lan sang lĩnh vực thương mại”, theo ông Mackenzie.
Cũng chưa ghi nhận dấu hiệu người tiêu dùng Trung Quốc đổi ý, nhà xuất khẩu sữa và hải sản Tyler Ye vẫn sợ rằng việc hàng hóa Úc bị tẩy chay là không thể tránh khỏi.
Khi nghị sĩ Úc George Christensen đề xuất thu hồi đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê để “bồi thường” cho dịch bệnh, một đại lý bán sữa Úc tại Trung Quốc của nhà xuất khẩu Ye lập tức đăng dòng trạng thái chỉ trích gay gắt trên Wechat.
Quan hệ Úc - Trung đầy sóng gió vài năm qua bỗng nhiên lại thêm căng thẳng vì chính quyền Canberra kêu gọi điều tra một số vấn đề liên quan đến COVID-19 – động thái khiến giới chức Bắc Kinh nổi giận.
COVID-19 bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán rồi dần lan rộng ra khắp nơi trên thế giới. Mỹ, Úc cùng các quốc gia khác nghi ngờ Trung Quốc thiếu minh bạch về dịch bệnh.
Ngày 26.4, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp đe dọa người dân Trung Quốc có thể tẩy chay rượu vang cùng thịt bò Úc nếu chính quyền Canberra quyết thúc đẩy mở cuộc điều tra.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc (DFAT) Frances Adamson ngay sau đó gọi điện cho Đại sứ Thành bày tỏ quan ngại về phát ngôn trên. Đại sứ quán Trung Quốc ngày 28.4 công bố những nội dung được thảo luận trong cuộc gọi.
DFAT đánh giá làm vậy vi phạm quy định ngoại giao với cuộc gọi riêng tư. Tuy nhiên Đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc nội dung cuộc gọi bị giới chức Canberra rò rỉ trước nên họ chỉ đáp trả.
Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ Úc - Trung James Laurenceson cho biết cuộc cãi vã nảy lửa như giữa Đại sứ quan Trung Quốc và DFAT chưa từng xảy ra trước đây: “Niềm tin lẫn nhau – vốn rất ít – nay phải chịu thêm đả kích. Mặc dù vậy tôi tin hai bên sẽ vượt qua vì chẳng ai hưởng lợi từ căng thẳng bao trùm toàn bộ mối quan hệ song phương”.
Theo nhà tư vấn kinh doanh Barrie Harrop, đây không phải lần đầu tiên nguy cơ Úc - Trung chia cắt kinh tế xuất hiện, nhưng lần này có thể gây ra bế tắc thương mại kéo dài.
Trong năm 2019, Trung Quốc từng cố ý trì hoãn cho than đá Úc thông quan ở cảng Đại Liên hay tiến hành điều tra với lúa mạch nhập từ Úc khi quan hệ hai nước xấu đi. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ - châu Á Perth Jeffrey Wilson xem đây là ví dụ tiêu biểu cho trừng phạt một cách mập mờ, nhằm mục đích đưa ra cảnh báo có chủ đích mà chính quyền Bắc Kinh thường thực hiện.
Cẩm Bình (theo SCMP)