Kế hoạch kích cầu dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động của Trung Quốc khó thành công
Quốc tế - Ngày đăng : 13:02, 02/05/2020
Ông Zhang thấy căng thẳng do đọc nhiều tin tức tiêu cực, thiếu liên lạc với bạn bè và đồng nghiệp, ở nhà giải quyết công việc với con nhỏ bên cạnh. Vậy mà cuối cùng ông chẳng có kế hoạch đi chơi lễ để bù đắp nào.
“Sau một tháng làm tại nhà thì tôi bắt đầu nghĩ về một kỳ nghỉ tại bãi biển, sau đó tôi chỉ ước có thể đến nhà hàng ăn lẩu hoặc đến quán bar uống chút bia. Nhưng khi thời gian qua đi tôi ngày càng ít muốn ra ngoài, tiêu tiền hay làm bất cứ việc gì khác”, ông Zhang chia sẻ. Lễ Quốc tế Lao động năm nay ông chỉ đưa con đến công viên rồi về nhà.
Kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động của Trung Quốc kéo dài đến 5 ngày. Giới chức nước này hy vọng đây là dịp người dân giải phóng sức mua, góp phần cứu vãn nền kinh tế suy giảm lần đầu tiên sau hơn 4 thập niên. Nhiều địa phương cho mở lại địa điểm vui chơi cũng như tung ra chương trình tặng phiếu khuyến mãi mua sắm ở trung tâm thương mại, Bộ Thương mại còn tổ chức ngày hội mua sắm trực tuyến từ ngày 28.4 - 10.5.
Giới phân tích cảnh báo không nên đặt kỳ vọng quá cao. Theo giáo sư kinh tế Hu Xingdou thuộc Đại học Khoa học - Công nghệ Bắc Kinh: “Tiêu dùng sẽ hồi phục lúc người dân có thời gian thư giãn. Họ sống khắc khổ vài tháng nay, hoạt động bị kiểm soát, đi lại bị hạn chế. Tuy nhiên tâm trạng phiền muộn vẫn tồn tại và chính quyền còn đang cố gắng cân bằng giữa theo đuổi tăng trưởng kinh tế với duy trì giãn cách xã hội nhằm phòng dịch, làm hạn chế hồi phục tiêu dùng”.
Trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động năm ngoái, khách du lịch thực hiện 195 triệu chuyến đi tại Trung Quốc giúp doanh thu ngành đạt 17,5 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu rạp chiếu phim năm 2019 cũng tăng vọt, từ hơn 140 triệu USD năm 2018 lên 213 triệu USD.
Lúc này rạp phim ở hầu hết địa phương chưa mở cửa lại, đi lại giữa các tỉnh còn chịu hạn chế, người đến địa điểm trong nhà như trung tâm thương mại hay siêu thị phải đo thân nhiệt, nhà hàng sắp xếp lại bàn ghế đảm bảo khách ngồi cách xa nhau. Giãn cách về vật lý ảnh hưởng đến ý định mua sắm.
Nhà tâm lý học Li Tingya sống tại Thượng Hải cho biết: “Một số người ngại ra ngoài vì sợ tiếp xúc trường hợp mang vi rút không triệu chứng. Số khác sau quãng thời gian ở một mình thì chẳng thích làm gì nữa. Cần có thời gian điều chỉnh lại”.
Trước lúc dịch COVID-19 bùng phát, người Trung Quốc – giàu lên nhanh chóng nhờ hàng thập niên kinh tế tăng trưởng ấn tượng – chi rất mạnh tay cho nhà cửa, du thuyền, trang sức cùng những chuyến du lịch nước ngoài đắt đỏ. Nhà tâm lý học Yu Lingna lý giải tâm lý đua đòi trào lưu và khoe mẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiêu dùng, nhưng giãn cách xã hội nhiều khả năng khiến động lực này suy yếu trong ngắn hạn.
Số liệu quý 1/2020 không cho thấy dấu hiệu tích cực: doanh thu bán lẻ giảm 18,9%, còn thu nhập bình quân đầu người giảm 3,9%. Theo nhà kinh tế Julia Wang thuộc Ngân hàng HSBC, thu nhập sụt giảm cộng thêm khó khăn sắp tới sẽ kìm hãm tiêu dùng. Chi tiêu cho thực phẩm, hàng may mặc, giáo dục có cơ hội hồi phục nhanh hơn; chi tiêu cho viễn thông hay du lịch phải chờ lâu hơn.
Zhang Liang – nhà phân tích kinh doanh sống tại Bắc Kinh đang thương lượng giảm tiền công của người giúp việc, sau khi nghe tin đồn cả công ty của ông lẫn của vợ chuẩn bị cắt giảm nhân sự.
Theo ông Zhang: “Tôi không có tâm trạng nghĩ về chi tiêu. Hiện tại là thời kỳ đầy hỗn loạn”.
Cẩm Bình (theo SCMP)