Phương Tây phản ứng khi Trung Quốc thúc ép Hồng Kông ban hành luật an ninh

Quốc tế - Ngày đăng : 16:48, 23/05/2020

Bước đi đầu tiên của Trung Quốc nhằm áp đặt luật an ninh quốc gia với Hồng Kông nhận phải phản ứng mạnh mẽ từ các nước phương Tây.
Người dân Hồng Kông ngày 22.5 phản đối ban hành luật an ninh với đặc khu - Ảnh: Los Angeles Times

Ngoại trưởng Anh, Úc, Canada đưa ra tuyên bố chung: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc những đề xuất ban hành luật liên quan đến an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Thay mặt Hồng Kông ra luật như vậy mà không có sự tham gia của người dân Hồng Kông, cơ quan lập pháp hay tư pháp Hồng Kông sẽ phá hoại nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ vốn đảm bảo quyền tự chủ cao cho đặc khu”.

Ba Ngoại trưởng nhấn mạnh Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 (quy định chuyện chủ quyền cũng như thỏa thuận quản lý đối với Hồng Kông sau ngày 1.7.1997) vẫn còn tính ràng buộc về mặt pháp lý và xác định rõ Hồng Kông có thể duy trì mức độ tự trị cao cho đến năm 2047.

Ngoài ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên tiếng: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc tôn trọng quyền lợi, sự tự do lẫn mức độ tự trị cao của Hồng Kông".

Còn theo Liên minh châu Âu (EU): “EU tin rằng tranh luận dân chủ, trưng cầu ý kiến các bên liên quan, tôn trọng quyền và sự tự do của Hồng Kông mới là cách tốt nhất để thúc đẩy ban hành luật an ninh nhưng vẫn đảm bảo duy trì quyền tự trị lẫn nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ ”.

Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố cứng rắn: “Mỹ lên án hành động ra dự thảo nghị quyết tự ý áp đặt luật an ninh với Hồng Kông. Quyết định bỏ qua quy trình lập pháp lẫn nguyện vọng của người dân của đặc khu sẽ là hồi chuông báo tử cho mức độ tự trị cao mà Hồng Kông được hưởng”.

Ngày 22.5, dự thảo một nghị quyết về thiết lập cơ chế pháp lý và thực thi hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông chính thức được đưa ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc xem xét.

Nếu được thông qua thì nghị quyết sẽ là cơ sở cho Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc xây dựng luật liên quan đến thiết lập cơ chế pháp lý và thực thi hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Luật sẽ được đưa vào Phụ lục 3 đi kèm Luật cơ bản (bộ luật tối cao của Hồng Kông), do chính quyền đặc khu chịu trách nhiệm công bố thực hiện.

Giới phân tích đánh giá cách làm này giúp giới chức Bắc Kinh bỏ qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo) - khó chấp nhận thông qua một đạo luật an ninh - trực tiếp áp dụng luật tại đặc khu.

Chính phủ Mỹ hiện chưa trình lên Quốc hội nước này báo cáo đánh giá mức độ tự trị của đặc khu để làm căn cứ quyết định duy trì hay không duy trì ưu đãi thương mại quy định trong Đạo luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông 1992.

Cẩm Bình (theo SCMP)