Trung Quốc giải quyết tình trạng thất nghiệp bằng ‘kinh tế hàng rong’

Quốc tế - Ngày đăng : 15:53, 07/06/2020

Lượng lao động thất nghiệp khổng lồ do dịch COVID-19 buộc Trung Quốc phải khuyến khích người dân mở quán hàng rong như công việc bình thường. Thay đổi chính sách này được thúc đẩy bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (áo trắng) thăm một quán hàng rong tại thành phố Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông - Ảnh: Tân Hoa Xã

Những quán hàng rong – sinh kế của người nghèo và người di cư từ nông thôn - cho đến nay vẫn không được chính quyền nhiều thành phố xem trọng vì họ nỗ lực cải thiện cảnh quan đô thị bằng tòa nhà chọc trời, quảng trường và khu phố cổ phục dựng. Hơn nữa, phần lớn quán hàng rong cùng người bán đều hoạt động không phép nên bị xem là cách trốn đóng thuế lẫn tiền thuê nhà.

Thành phố Bắc Kinh năm 2017 từng mở chiến dịch xóa bỏ cửa hàng nhỏ và hàng rong, đuổi hàng trăm nghìn lao động nhập cư. Thượng Hải sau đó cũng làm theo.

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc bắt đầu đổi thái độ khi việc làm thay thế tăng trưởng trở thành ưu tiên kinh tế mới năm 2020. Trong chuyến thị sát thành phố Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông, Thủ tướng Lý nhấn mạnh hàng rong cùng cửa hàng nhỏ là nguồn việc làm quan trọng không thể thiếu của cuộc sống người dân.

“Công việc kinh doanh tự làm chủ cần tồn tại và phát triển để góp phần đưa đất nước đi lên. Chúng ta cần cho phép mọi người tự tạo việc làm cho mình”, theo Thủ tướng Lý.

Ông khen ngợi thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên) đã tạo ra 100.000 việc làm bằng cách cho phép 36.000 quán hàng rong hoạt động, đồng thời nhắc lại vào thời kỳ cuối những năm 1970, Trung Quốc kêu gọi người trẻ tuổi về nông thôn tự kinh doanh.

Quán hàng rong là sinh kế của người nghèo và lao động di cư từ nông thôn lên thành thị - Ảnh: SCMP

Nhờ Thủ tướng Lý ủng hộ, nhiều người mạnh dạn mở quán hàng rong và lực lượng quản lý đô thị nay “từ thù thành bạn”.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin lực lượng quản lý đô thị thành phố Thụy Xương (Giang Tây) lập khu bán hàng rong rồi mời người dân đến mở quán. Quản lý đô thị thành phố Thạch Gia Trang (Hà Bắc) đang nghiên cứu một số biện pháp thúc đẩy “kinh tế hàng rong”.

Công ty công nghệ như Tencent hay JD.com cũng hứa giúp đỡ. Xe tải bán hàng lưu động trở thành mặt hàng bán chạy.

Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) Thái Phương đánh giá khuyến khích “kinh tế hàng rong” nên trở thành chính sách lâu dài vì đây là cách tạo việc làm rất hiệu quả. Hàng rong nên được quản lý chứ không phải bị cấm hoàn toàn.

Nhà kinh tế học Châu Dân thuộc đại học Thanh Hoa cũng xem khuyến khích “kinh tế hàng rong” như giải pháp khẩn cấp xử lý nạn thất nghiệp, nếu duy trì lâu dài có thể đem lại sức sống cho nền kinh tế.

Cẩm Bình (theo SCMP)