Tổng thống Moon Jae-in đồng ý dự hội nghị G7: Quan hệ Trung - Hàn gặp thử thách
Quốc tế - Ngày đăng : 06:54, 07/06/2020
Đây được xem là nỗ lực lập một nhóm mới nhằm kiềm chế Trung Quốc. Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc đều đồng ý tham dự.
Theo nhà chính trị học Ji-Young Lee thuộc tổ chức Rand Corporation: “Đối với giới hoạch định chính sách Trung Quốc thì lời mời từ Tổng thống Trump như lời nhắc nhở Hàn Quốc là thành viên quan trọng của trật tự thế giới mà Mỹ đóng vai trò trung tâm, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ - Trung cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu”.
Mỹ có liên minh quân sự với Hàn, còn Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của họ. Hai nước Úc cùng Ấn Độ cũng xây dựng quan hệ kinh tế rộng rãi với Trung Quốc, nhưng thách thức mà Tổng thống Moon phải đối mặt không chỉ về kinh tế mà còn liên quan đến vấn đề hạt nhân lẫn nước láng giềng CHDCND Triều Tiên.
Phó giám đốc Học viện Nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Phúc Đán (Thượng Hải) Kỳ Hoài Cao nhận định trong ba quốc gia nhận lời dự hội nghị G7, Hàn Quốc ở vị thế khó khăn nhất. Tổng thống Moon rất cần Trung Quốc ủng hộ chính sách hòa giải với CHDCND Triều Tiên nên tại hội nghị G7 mở rộng ông sẽ không thể nào đưa ra bất cứ cam kết nào ảnh hưởng an ninh bán đảo Triều Tiên (chẳng hạn như triển khai tên lửa tầm trung).
Là đối tác thương mại hàng đầu cũng như là quốc gia hậu thuẫn cho CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc đủ sức gây ảnh hưởng lên chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chính quyền Bình Nhưỡng đang theo đuổi.
Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần qua không đề cập quyết định dự họp của Tổng thống Moon, tuy nhiên lại chỉ trích động thái mà họ xem là nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực của Trung Quốc.
“Vòng vây nhằm vào Trung Quốc thiếu sự ủng hộ và chẳng phục vụ cho lợi ích các quốc gia liên quan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên tuyên bố.
Học giả Kỳ phân tích: “Trung Quốc sẽ xem xét vấn đề qua lăng kính cạnh tranh Mỹ - Trung: Hàn Quốc cùng Úc là đồng minh của Mỹ, do đó đây là vấn đề với chính quyền Bắc Kinh. Nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump muốn sử dụng hội nghị G7 để huy động ủng hộ chính trị phục vụ mục đích chống Trung Quốc”. Mời Ấn Độ - quốc gia đang có căng thẳng biên giới với Trung Quốc - là ví dụ tiêu biểu.
Hàn Quốc từng trả giá đắt vì cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) năm 2016. Bất chấp giới chức Seoul giải thích THAAD chỉ giúp phòng thủ trước CHDCND Triều Tiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn quyết định trả đũa bằng hàng loạt biện pháp kinh tế như tẩy chay tập đoàn Lotte, ban hành lệnh hạn chế du lịch theo đoàn sang Hàn, không cho nghệ sĩ Hàn tổ chức biểu diễn. Căng thẳng kéo dài hơn một năm.
Tổng thống Moon sau khi lên nắm quyền cố gắng phá băng quan hệ, mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức Seoul. Trước lúc dịch COVID-19 bùng phát, một số phương tiện truyền thông tiết lộ chuyến thăm sẽ diễn ra trong năm nay.
Nhà chính trị học Lee cảnh báo lời mời của Tổng thống Trump làm tình hình trở nên phức tạp. Sai lầm ở hội nghị G7 sẽ khiến quan hệ Hàn - Trung xấu đi, Chủ tịch Tập hoàn toàn có thể hủy kế hoạch thăm láng giềng.
Mặc dù vậy, nhà chính trị học Lee cho rằng vào thời điểm đang hứng chịu dư luận quốc tế tiêu cực về dịch COVID-19 thì Trung Quốc sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với nước khác chứ không dùng cách tiếp cận cứng rắn như giai đoạn 2016 - 2017.
Nhưng tiến sĩ quan hệ quốc tế Darren Lim thuộc đại học quốc gia Úc khuyến cáo nếu nhóm G11 (G7 cộng thêm Nga, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ) được thành lập và đưa ra quyết định gây hại cho lợi ích của Trung Quốc - ví dụ như nhắm vào Huawei hay mạng 5G, chính quyền Bắc Kinh chắc chắn trả đũa.
Cẩm Bình (theo SCMP)