‘Giấc mơ Mỹ' bị chặn đứng với lao động tay nghề cao người Ấn Độ và Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 10:52, 24/06/2020
Lệnh cấm áp dụng cho thị thực H-2B (lao động thời vụ làm trong các ngành phi nông nghiệp), L-1 (nhân sự then chốt của tập đoàn đa quốc gia), J-1 (trao đổi văn hóa) và H-1B (lao động tay nghề cao).
Lao động tay nghề cao người Ấn Độ và Trung Quốc thường xin thị thực H-1B. Chỉ có lao động thời vụ ngành cung cấp thực phẩm cùng nhân viên y tế tham gia hoạt động chống dịch COVID-19 vẫn được cấp thị thực.
Kết hợp với hạn chế về cấp thẻ thường trú (thẻ xanh) ban hành đầu năm nay, lệnh cấm vừa đưa ra sẽ ngăn hàng trăm nghìn người nhập cư Mỹ. Người đang sống trên lãnh thổ nước này hoặc sở hữu những loại thị thực nêu trên không bị ảnh hưởng.
Động thái mới nhất từ Tổng thống Trump là một phần trong nỗ lực tái thiết nền kinh tế hậu COVID-19. Dịch bệnh khiến hàng chục triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Giám đốc điều hành Alphabet (công ty mẹ của Google) Sundar Pichai - một trường hợp gốc Ấn đến Mỹ theo diện H-1B - lập tức lên tiếng phản đối: “Nhập cư đóng góp rất lớn cho thành công kinh tế Mỹ, biến chúng ta thành quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ cũng như tạo nên Google như hôm nay. Thật thất vọng với lệnh cấm. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh bên người nhập cư và mở rộng cơ hội cho tất cả”.
Số liệu từ Cơ quan Nhập tịch và di trú Mỹ (USCIS) cho thấy trong năm tài khóa 2019 có hơn 420.000 người tranh giành 85.000 thị thực H-1B, gần 74,5% sinh ra ở Ấn Độ, 11,8% ở Trung Quốc.
Doanh nghiệp công nghệ hoặc ngành dịch vụ chuyên nghiệp như Deloitte, Google, Amazon,… phụ thuộc rất nhiều vào chương trình cấp H-1B. Năm ngoái Google nộp 10.577 đơn xin cấp thị thực này, Amazon 7.705 đơn, Microsoft 6.041 đơn, Facebook 3.212 đơn, Apple 1.708 đơn.
Theo Tổ chức Nghiên cứu chính sách Mỹ, tỷ lệ từ chối cấp H-1B tăng vọt từ 10% năm 2016 lên 33% năm 2019.
Hạn chế nhập cư là một trong những chính sách trọng điểm mà Tổng thống Trump theo đuổi nhưng nhận phải phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng người nhập cư lẫn giới doanh nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 làm mất hàng chục triệu việc làm tạo cơ hội cho chính quyền Washington theo đuổi nhiều biện pháp quyết liệt hơn.
Luật sư Diane Hernandez thuộc Công ty Hall Estill đánh giá trong bối cảnh Tổng thống Trump còn cầm quyền và không hề có phán quyết tòa án ngăn cản việc thực thi, nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể kéo dài thời gian thực thi lệnh cấm. Các nhà tuyển dụng nên tìm cách vận động hành lang nhằm gây sức ép lên phía chính quyền Washington.
Cẩm Bình (theo Nikkei Asian Review)