Vượt mốc 1 triệu ca, Ấn Độ khốn đốn vì vi-rút khởi phát từ Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 13:29, 17/07/2020
Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Brazil) chạm cột mốc 1 triệu ca nhiễm COVID-19 trong khi nước khởi phát đại dịch là Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm chưa tới 100.000 người. Cái giá cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc là rất lớn. Cả Mỹ, Brazil hay Ấn Độ đều phải chịu thiệt hại kinh tế khi thực hiện phong tỏa đất nước dẫn đến tỷ lệ mất việc làm gia tăng. Với Ấn Độ, tình trạng này nguy hiểm hơn Mỹ hay Brazil khi họ có đến 1,3 tỉ dân và tình trạng bất bình đẳng cao.
Trên khắp Ấn Độ, các bệnh nhân nhiễm COVID trầm trọng bị các bệnh viện cả công lẫn tư từ chối vì thiếu giường, nhân viên và thiết bị y tế do các hệ thống chăm sóc sức khỏe phải chịu áp lực lớn từ đại dịch.
Sự phân chia giàu nghèo của Ấn Độ càng được khắc họa rõ trong đại dịch coronavirus và đôi khi đã tạo ra chuyện sống hay chết của một con người. Dù hơn 270 triệu người trên khắp Ấn Độ được coi là thoát nghèo trong giai đoạn 2006-2016, thì quốc gia này vẫn là một trong những nơi khoảng cách giàu nghèo chênh lệch nhất thế giới, với 10% dân số hàng đầu nắm giữ 77% tổng tài sản quốc gia.
Bất bình đẳng càng thể hiện rõ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đối với những người sống chen chúc trong các khu ổ chuột thành thị - khoảng 74 triệu người - việc giãn cách xã hội là không thể. Thiếu nước sinh hoạt và nhà vệ sinh, khiến họ có nguy cơ tiếp xúc với vi-rútcao hơn.
Khoảng 60% trong số 1,3 tỷ người Ấn Độ được coi là nghèo, với khoảng 21% thu nhập dưới 2 USD mỗi ngày. Họ thường làm những việc không có chuyên môn hay làm mướn hàng ngày trong các ngành như trồng trọt hoặc xây dựng. Ở các thành phố lớn, họ chính là những người kéo xe, nhân viên quét rác, móc cống, người bán rau, giao hàng…
"9/10 người đang làm việc tạm bợ và không phải là chúng tôi không thấy họ", Harsh Mander, một nhà hoạt động nhân quyền tại Ấn Độ nói. "Họ ở khắp mọi nơi và chúng tôi không bao giờ xem họ giống như mình, chúng tôi xem họ như lao động có sẵn giá rẻ để phục vụ cho cuộc sống của chúng tôi thoải mái hơn".
Những người giàu của Ấn Độ có thể bỏ tiền để hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn và cách ly dễ dàng hơn. Nhưng do biên giới của Ấn Độ bị đóng cửa và các chuyến bay quốc tế hầu như bị hủy bỏ, người giàu cũng khóc khi phải ở lại và đối mặt với khủng hoảng. Khi thực hiện giãn cách xã hội nhiều người Ấn Độ thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu vốn quen được hưởng phục vụ từ đội ngũ hầu gái, đầu bếp, dọn dẹp, lái xe và làm vườn thì giờ giới thượng lưu phải tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và tự đi đổ rác.
Nhưng dù sao người giàu vẫn có thể thực hiện cách ly bằng cách dành phần lớn thời gian trong phòng điều hòa xem Netflix, còn người nghèo vẫn phải bươn trải mưu sinh dưới bụi đường, nắng gắt...
Với trên 64.000 bệnh nhân trong hôm qua, Mỹ hiện có trên 3,6 triệu ca bệnh, trong đó gần 141.000 người tử vong. Trong 10 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới, liên tục tăng ở mức 55.000-65.000 ca/ngày. Số ca tử vong hiện là trên 136.400 ca. Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng cao trở lại kể từ cuối tháng 6 vừa qua, chủ yếu ở các bang miền Nam và Tây nước này. Đáng chú ý, hai bang Texas và Florida ghi nhận số ca bệnh ở mức trên 10.000 ca/ngày, lên mức cao nhất kể từ khi bùng dịch.
Với hơn 45.000 ca mới ghi nhận trong hôm qua, tổng số ca bệnh ở Brazil đã vượt mốc 2 triệu, trong đó có trên 76.000 ca tử vong. Đáng lo ngại là tốc độ lây lan ở Brazil khi chỉ mất chưa đầy một tháng để cường quốc số 1 Nam Mỹ tăng gấp đôi số ca nhiễm.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, lúc này ghi nhận 13,7 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu trong đó có 588.000 người tử vong và 7,3 triệu người phục hồi. Nhìn chung tốc độ lây nhiễm đang ngày càng gia tăng ở các nước châu Phi và châu Mỹ Latin trong khi đây lại là khu vực thiếu thốn nhiều phương tiện y tế. Do vậy, số người thực tế nhiễm COVID-19 có thể cao hơn đáng kể so với con số ghi nhận.
Anh Tú