Bài học từ đợt bùng phát dịch COVID-19 mới tại Hồng Kông
Quốc tế - Ngày đăng : 08:09, 23/07/2020
Mức tăng ca nhiễm của Hồng Kông vào ngày 19.7 vượt qua con số 100, cao hơn đỉnh 65 ca/ngày trong tháng 3 trước. Đến nay đặc khu có gần 2.000 người mắc bệnh.
Đợt bùng phát mới nhất bắt đầu từ ngày 5.7 với trường hợp nhiễm COVID-19 là đầu bếp một nhà hàng. Hàng loạt người mắc sau đó liên quan đến trung tâm chăm sóc người già Cảng Thái (44 ca) và quận Từ Vân Sơn (150 ca).
Số giường cùng khu cách ly trong hệ thống bệnh viện công sắp đầy, trong khi các trung tâm cách ly chỉ còn 196 giường. Chính quyền phải ban hành biện pháp hạn chế như cho công chức làm việc tại nhà, chỉ mở cửa dịch vụ cần thiết, gia hạn lệnh cấm ăn tại nhà hàng từ 18 giờ tối đến 5 giờ sáng, đề nghị người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Nhưng giới chuyên gia cho rằng kẽ hở trong công tác phòng chống dịch tồn tại từ lâu chỉ được khắc phục một phần vào ngày 8.7, khi giới chức Hồng Kông siết chặt kiểm soát biên giới và yêu cầu thủy thủ đoàn hoặc phi hành đoàn trình giấy xét nghiệm COVID-19 trước lúc đến, người đến sân bay phải xét nghiệm bắt buộc ở trung tâm triển lãm Asia World-Expo.
Xem xét dữ liệu của Trung tâm Phòng hộ Vệ sinh Hồng Kông, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) thống kê 34 trên tổng số 111 ca nhiễm ngoại nhập từ 8.7 đến nay là thành viên thủy thủ đoàn hoặc phi hành đoàn – tất cả đều được phát hiện sau khi có yêu cầu xét nghiệm bắt buộc.
Theo bác sĩ Lương Tử Siêu thuộc Hiêp hội Y học Hồng Kông: “Đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Có thể nhiều thành viên thủy thủ đoàn/ phi hành đoàn nhiễm bệnh đã đi vào cộng đồng mà chẳng hề bị phát hiện. Họ có thể đã sử dụng phương tiện công cộng hay taxi đi lại khắp nơi làm lây lan vi rút. Điều này giúp giải thích vì sao nhiều tài xế taxi mắc COVID-19 như vậy”.
Bác sĩ Lương cho biết mặc dù du lịch giải trí tê liệt, nhưng chuyến bay hay chuyến tàu chở hàng hầu như không bị ảnh hưởng với quy định kiểm dịch tương đối thoải mái.
Quy định siết chặt không phải không còn lỗ hổng: chỉ có người đến sân bay mới phải sang Asia World-Expo, bỏ qua trường hợp nhập cảnh từ cảng hay cửa khẩu khác. Ngoài ra xét nghiệm bắt buộc trước lúc rời điểm xuất phát cũng chưa đảm bảo an toàn, gần đây nhất là vụ 57 thủy thủ Argentina nhiễm bệnh sau 35 ngày trên biển dù khi rời cảnh xét nghiệm âm tính.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Hà Bá Lương thuộc đại học Hồng Kông cũng kêu gọi kiểm soát kỹ lưỡng hơn: “Tàu không có hoạt động vận chuyển hàng hóa không nên dùng Hồng Kông làm nơi thay đổi thủy thủ đoàn. Giảm số lượng thủy thủ lên bờ góp phần tiết kiệm tài nguyên làm xét nghiệm, truy dấu, chăm sóc y tế và giảm rủi ro lây lan trong cộng đồng”.
SCMP còn phát hiện một nhóm ca nhiễm ngoại nhập khác: người giúp việc (28 trường hợp). Theo chuyên gia Hà: “Nhiều người giúp việc Indonesia, Philippines thường gặp nhau vào Chủ nhật. Họ ca hát và nhảy múa cùng nhau, thậm chí hút chung thuốc, không đeo khẩu trang. Nếu người dân không hành xử đúng thì biện pháp của chính quyền chỉ đạt hiệu quả nửa vời”.
Cẩm Bình (theo SCMP)