Giao thương với Trung Quốc giảm, Triều Tiên mất nguồn thu ngoại tệ
Quốc tế - Ngày đăng : 08:39, 24/07/2020
Biện pháp hạn chế cứng rắn tạo ra hậu quả không nhỏ: Trong 5 tháng đầu năm nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 68%, chỉ còn 295 triệu USD, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 81%, còn 18 triệu USD.
Ngoài ra khách Trung Quốc cũng chưa thể sang nước láng giềng du lịch cho đến cuối mùa thu. Một công ty du lịch ở tỉnh biên giới Liêu Ninh cho biết họ được đối tác ở Bình Nhưỡng thông báo rằng Triều Tiên dự định bắt đầu nhận du khách từ Trung Quốc vào tháng 11 – trễ hơn kế hoạch đã định là tháng 7 hoặc tháng 8.
Theo giám đốc điều hành một công ty du lịch: “Đợt bùng phát mới vẫn xảy ra ở Bắc Kinh cùng nhiều thành phố khác. Vì vậy khôi phục hoạt động đi lại giữa Trung Quốc với Triều Tiên vào thời điểm này sẽ gặp khó”.
Công dân Trung Quốc được cho chiếm đến 90% tổng số khách du lịch đến Triều Tiên. Một nguồn tin làm trong ngành du lịch tỉnh Liêu Ninh ước tính lưu lượng đi lại hằng năm vào khoảng 100.000 - 200.000 người. Lượng khách tăng đáng kể vào năm 2018 rồi tăng vọt trong năm 2019.
Giới chức Trung Quốc từng khuyến khích công ty du lịch nội địa tăng số khách sang nước láng giềng. Phía Triều Tiên cũng đặt ra giá ưu đãi cho các gói du lịch của khách Trung Quốc: Một chuyến tàu từ Liêu Ninh đến Bình Nhưỡng cộng 3 đêm lưu trú có giá 3.500 - 4.000 nhân dân tệ (500 - 572 USD).
Mọi năm du khách đến Triều Tiên sẽ có dịp xem màn đồng diễn quy mô lớn Ariang tổ chức tháng 7 và tháng 10. Công dân Trung Quốc trả thêm 800 tệ để xem lễ hội từ khán đài trên cao.
Chính sách cấm nhập cảnh để phòng dịch là một cú sốc lớn. Thậm chí khi mở cửa trở lại vào tháng 11, thời tiết mùa đông lạnh lẽo khiến việc tổ chức đồng diễn tại sân vận động mở trở nên bất khả thi, làm mất đi một nguồn thu ngoại tệ lớn.
Năm 2017 Liên Hợp Quốc ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu khoáng sản, sản phẩm may mặc… đối với Triều Tiên. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước láng giềng trong năm 2018 giảm 4,1%.
Triều Tiên xoay xở bằng cách tăng xuất khẩu hàng hóa không chịu trừng phạt sang Trung Quốc. Nhưng động thái đóng cửa biên giới cuối tháng 1 gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển hàng.
Giám đốc một công ty thương mại ở Liêu Ninh cho biết tình hình đang dần khá hơn. Kiểm soát hàng hóa ngày một nới lỏng, nhưng doanh nhân chưa được nhập cảnh nên thương mại khó hồi phục hoàn toàn.
Tháng trước Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc với Hàn Quốc – báo hiệu sự chuyển hướng sang lập trường cứng rắn của chính quyền Bình Nhưỡng. Khi triển vọng dỡ bỏ trừng phạt ngày càng mờ nhạt thì hoạt động buôn lậu tăng mạnh.
Buôn bán sản phẩm dệt may phi pháp đã quay trở lại, chỉ may và vải được chuyển từ Trung Quốc sang Triều Tiên để may thành quần áo rồi xuất ngược trở lại. Trao đổi hàng trên biển cũng đang diễn ra.
Cẩm Bình (theo Nikkei Asian Review)