Lộ lý do kẻ đào tẩu từ Hàn Quốc trở về Triều Tiên nghi mang theo mầm bệnh COVID-19
Quốc tế - Ngày đăng : 07:22, 28/07/2020
Sau một thời gian dài không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thì Triều Tiên đã đối mặt với bệnh dịch đang lan rộng toàn cầu. Đã có ghi nhận công khai về ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Triều Tiên. CNN đánh giá đây là thách thức lớn nhất dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi ông cầm quyền cách đây 9 năm.
Theo KCNA, ông Kim Jong Un đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp hôm thứ Bảy sau khi được báo cáo rằng một kẻ trốn khỏi đất nước ba năm trước đã quay trở lại thành phố Kaesong và có thể đã mang coronavirus trong người. Ông Kim đã phản ứng nhanh chóng bằng việc ngay lập tức ra lệnh cách ly thành phố Kaesong với phần còn lại của đất nước cũng như thực hiện cách ly giữa từng quận huyện, từng đơn vị dân cư trong khu vực bị cách ly.
KCNA cho biết người đào ngũ có triệu chứng COVID-19, nhưng không xác nhận việc đã tiến hành xét nghiệm hay chưa. Các người tiếp xúc gần trường hợp nghi ngờ đang được kiểm tra và cách ly, nhưng KCNA cảnh báo về một "tình huống nguy hiểm" đang phát triển ở Kaesong có thể dẫn đến một "thảm họa chết người và hủy diệt". Theo KCNA, Quân ủy Trung ương sẽ trừng phạt nghiêm khắc và có các biện pháp cần thiết sau khi tiến hành điều tra đơn vị quân đội chịu trách nhiệm để người đào tẩu xâm nhập.
Hôm qua, nhà chức trách ở Hàn Quốc cũng xác nhận rằng một kẻ đào ngũ đã vượt qua khu vực biên giới được quân sự hóa cao vào Triều Tiên. Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết người đàn ông này không được ghi nhận là bệnh nhân coronavirus hay có tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, việc cảnh sát địa phương cho biết người đàn ông này đang bị điều tra về tội phạm tình dục, phần nào cho thấy lý do cuộc đào tẩu ngược sang Triều Tiên.
Theo Yonhap, giới chức Hàn Quốc cũng đang xác minh vụ việc, đồng thời nhận định rằng có thể người đàn ông trên đã bơi về Triều Tiên thay vì theo đường bộ vốn được canh phòng nghiêm ngặt.
Một số chuyên gia phương Tây tin rằng Triều Tiên, quốc gia gần 25 triệu dân có chung đường biên giới với Trung Quốc, khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch vốn đã lây nhiễm hơn 16 triệu người và khiến gần 650.000 người tử vong trên toàn thế giới . Việc Triều Tiên chưa ghi nhận ca nào trước đó có thể đơn giản là do họ thiếu khả năng thực hiện xét nghiệm quy mô để phát hiện.
Nhưng bên cạnh đó, có nhiều chuyên gia tin Triều Tiên thành công nhờ việc quốc gia này có thói quen đóng cửa biên giới và kiểm soát công dân tốt, đặc biệt trong vấn đề di chuyển. Theo một phân tích trên CNN, Triều Tiên rất thích hợp để ngăn chặn các ổ dịch khỏi lan rộng, vì họ có thể nhanh chóng ban hành các biện pháp phong toả mà các quốc gia khác chậm tiến hành hơn. Triều Tiên có thể dễ dàng kiểm soát người nhập cảnh thường chỉ là một số ít khách du lịch, nhà ngoại giao và nhân viên hoạt động nhân đạo còn công dân của họ được kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển trong nước. Những người đào thoát nói người Triều Tiên bình thường muốn đi sang tỉnh khác cần phải xin phép chính quyền địa phương.
Triều Tiên đã đóng cửa biên giới vào tháng 1 sau khi các báo cáo đầu tiên về COVID-19 tại Trung Quốc xuất hiện, mặc dù một động thái như vậy có thể khiến Bình Nhưỡng chịu thiệt hại về kinh tế vốn dựa nhiều vào giao thương với Trung Quốc. Truyền thông phương Tây cũng ghi nhận việc Triều Tiên thực hiện việc lập khu cách ly ở biên giới với Trung Quốc. Nhưng ca nghi mắc đầu tiên lại được báo cáo đến từ chỗ tưởng chừng khó lọt là biên giới quân sự với Hàn Quốc.
Các nguồn tin ngoại giao có trụ sở tại thủ đô Bình Nhưỡng nói với CNN hồi đầu tháng này rằng trên đường phố, mọi người đều đeo khẩu trang và thực hành một số hình thức giãn cách xã hội. Tuần trước, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước Triều Tiên bất ngờ cho biết họ đang tham gia vào cuộc đua phát triển vắc-xin phòng chống COVID-19, một cuộc đua nóng trên toàn cầu hội tụ các bộ óc xuất sắc nhất trong ngành y trên thế giới và các quỹ lên tới hàng tỉ USD.
Theo CNN, Triều Tiên bị đánh giá là một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe tồi tàn nhất hành tinh và trong nhiều thập kỷ, họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cung cấp cho người dân vắc-xin tiêm chủng. Đồng thời, có một thực tế là Bình Nhưỡng đã không công khai thừa nhận bất kỳ sự lây nhiễm nào trong nước. Vậy tại sao một quốc gia không báo cáo bất kỳ một trường hợp nhiễm COVID-19 nào và đang ở trong tình trạng kinh tế khó khăn lại tốn thời gian, tiền bạc và nguồn lực để phát triển vắc-xin? Phải chăng ngay từ đầu tháng, Bình Nhưỡng đã có những dự cảm để đề phòng cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Anh Tú