Clip CSGT lái mô tô truy đuổi tài xế bỏ chạy, chĩa súng về xe tải: Đúng hay sai?
Video - Ngày đăng : 10:36, 28/06/2020
View this post on InstagramA post shared by Vương Gia (@hongvuonggia) on Jun 27, 2020 at 9:11pm PDT
Trong clip đang gây xôn xao cộng đồng mạng, hai CSGT chở nhau bằng mô tô biển số 12 (Lạng Sơn) quay đầu đuổi theo xe tải lưu thông theo chiều ngược lại
Sau khi mô tô vượt lên phía trước, CSGT ngồi sau lấy ĐTDĐ ghi hình biển số xe tải, sau đó cầm dùi cui ra hiệu lệnh cho tài xế dừng lại và tấp vào lề. Thế nhưng, tài xế xe tải không làm theo mà tiếp tục bỏ chạy.
Thế là CSGT lái mô tô chở đồng nghiệp tiếp tục đuổi theo xe tải. Lần này, CSGT ngồi sau dùng biện pháp mạnh hơn là rút súng chĩa về phía bánh xe tải dọa tài xế.
Tài xế có lẽ sợ CSGT nổ súng nên lái xe tải thêm một đoạn ngắn nữa rồi dừng lại.
Sự việc diễn ra lúc 9 giờ 56 - 9 giờ 58 sáng 27.6.
Khi được chia sẻ trên Facebook, clip thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với nhiều bình luận trái chiều.
Hai câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là: “Tài xế mắc lỗi gì hay chở hàng cấm không mà bị CSGT truy đuổi và không chịu dừng xe tải?” và “CSGT có được quyền dùng súng để chặn xe của tài xế bỏ chạy?”.
CSGT có được dùng súng chặn xe bỏ chạy?
Thông tư Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định CSGT được quyền:
1. Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
3. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
4. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
5. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
6. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
7. Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
8. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, nếu người vi phạm luật giao thông có những hành vi chống lại như cố tình chạy xe tẩu thoát thì CSGT có quyền dùng các biện pháp ngăn chặn để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, CSGT cũng có quyền được sử dụng vũ khí, điển hình như súng, gậy sắt để hỗ trợ nghiệp vụ của mình. Tuy nhiên, các loại vũ khí này chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết. Cụ thể trường hợp nào được sử dụng do quy chế trong ngành công an quy định.
Những trường hợp CSGT được nổ súng
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 1.7.2018 quy định rất rõ 11 trường hợp CSGT được nổ súng, trong đó có 5 trường hợp phải cảnh báo trước và 6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Cụ thể, Điều 23 Luật này quy định:
1. Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp:
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;
- Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm;
- Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
- Được nổ súng vào phương tiện giao thông để dừng nó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin…
2. Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp:
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin …
- Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ…
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
- Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng quy đinh cảnh sát chỉ được sử dụng súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng; không sử dụng súng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí tấn công hoặc chống trả…
Cập nhật: Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết sự việc xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Lạng Sơn. Khi đó, tổ công tác do Phòng CSGT chủ trì phối hợp với Công an thành phố Lạng Sơn gồm 6 người phối hợp sử dụng mô tô và ô tô tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo đảm ATGT trên địa bàn. Trong lúc tuần tra, hai cán bộ Đội CSGT Công an thành phố Lạng Sơn phát hiện tài xế Đào Việt Thanh (sinh năm 1989, trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển ô tô biển số 29C-887.39 đang sử dụng ĐTDĐ, không thắt dây an toàn nên tiến hành kiểm tra.
Anh Đào Việt Thanh không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà tiếp tục tăng ga bỏ chạy, bất chấp việc có thể gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng và người khác. Trước tình huống này, CSGT đã sử dụng công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su để trấn áp, bảo đảm an toàn cho lực lượng chức năng và an toàn giao thông trên đường.
Clip 13 vụ cướp giật ĐTDĐ, dây chuyền táo tợn ở TP.HCM nửa đầu năm 2020. Xem chi tiết tại đây.
Đáng sợ clip cầu sập làm ô tô tải chở xe múc đất rơi xuống hẻm núi
Nhân Hoàng