Cứu sống người phụ nữ té ao bị bùn lấp đầy 2 buồng phổi
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 11:51, 05/08/2020
Bệnh nhân là Nguyễn Thị Diễm Th. (33 tuổi, ngụ H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) được chẩn đoán động kinh từ năm 4 tuổi, uống thuốc điều trị ngoại trú. Vào ngày 26.7, bệnh nhân lên cơn co giật ngã xuống ao nước bẩn, người nhà phát hiện và đưa bệnh nhân lên bờ trong tình trạng hôn mê, tím tái, mũi miệng có nhiều bùn đất. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu với biểu hiện suy hô hấp nặng, huyết áp thấp, được xử trí đặt ống thở, sử dụng vận mạch và chuyển đến BVĐKTƯCT.
Tại khoa Cấp cứu tổng hợp của BVĐKTƯCT, bệnh nhân hôn mê, suy hô hấp nặng huyết áp thấp, nên phải thở máy. Chụp X-quang tim phổi thẳng cho thấy bệnh nhân mờ lan tỏa 2 phổi, gãy xương sườn. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi hít - suy hô hấp cấp nguy kịch, hôn mê sau ngưng tim do ngạt nước. Tình trạng bệnh nặng, nguy kịch nên bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Hình ảnh chụp X-quang phổi của bệnh nhân- Ảnh: Phong Phạm
Từ ngày 26 - 30.7, bệnh nhân thở máy bảo vệ phổi. Đặc biệt, bệnh nhân được chỉ định nội soi khí phế quản 3 lần: viêm cấp nặng phế quản 2 bên, ứ đọng nhiều đàm có lẫn bùn đen, đất sình. Các bác sĩ đã rửa sạch lấy dịch cấy, điều trị tình trạng viêm phổi bằng kháng sinh phổ rộng... Đến ngày 31.7, bệnh nhân mới ngưng máy thở và rút nội khí quản. Và ngày 5.8 bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, đã ngưng thở ôxy, tiếp tục điều trị và theo dõi tại khoa Nội hô hấp.
Theo TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng khoa Nội hô hấp: “Viêm phổi hít là tình trạng nhiễm trùng phổi khi một lượng dị vật từ miệng hoặc dạ dày đi vào phổi. Triệu chứng viêm phổi hít thường gặp là sốt, ho xảy ra tương đối cấp tính. Mức độ nặng của viêm phổi hít rất khác nhau.
Các triệu chứng bệnh có thể rất mờ nhạt do đáp ứng miễn dịch kém ở người già, hoặc có thể rất nặng nề nếu viêm phổi hít dẫn đến các biến chứng viêm phổi áp xe, suy hô hấp nặng, viêm phổi có sốc nhiễm khuẩn... Trong trường hợp nặng, bệnh nhân nhanh chóng có các triệu chứng tím tái, thở rít, co thắt thanh môn, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong”.
BS.CK2 Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: “Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, từ trẻ em, thiếu niên đến cả người lớn. Tỉ lệ tử vong do hậu quả của ngạt nước thường cao do không được cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu chưa đúng quy cách. Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ là cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước.
Nếu bệnh nhân ngưng thở phải nhanh chóng thổi ngạt ngay khi vớt lên khỏi mặt nước. Còn nếu bị ngưng thở ngưng tim, phải thổi ngạt, ấn tim ngay tại hiện trường. Đồng thời hồi sức cấp cứu liên tục (trên đường vận chuyển) khi nạn nhân thở lại. Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân.
Khi trẻ uống nhiều nước, nước sẽ vào phổi và bụng nhiều đồng thời gây hạ thân nhiệt nhiều. Không nên hơ lửa vì làm thế sẽ gây phỏng, có thể gây giãn mạch, hạ huyết áp. Tim nhanh và ngưng tim”.
Động kinh là một rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương (thần kinh) trong đó hoạt động của não bị thay đổi, gây ra co giật hoặc thời gian hành vi và cảm giác bất thường, đôi khi là mất ý thức trong thời gian ngắn. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, gia đình cần lưu ý theo dõi sát người bệnh, giúp họ tránh những nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Tránh để họ điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc, đứng gần ao, hồ, di chuyển trên cao so với mặt đất…
Phong Phạm