9/13 thành viên Hội đồng tiền lương không điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:57, 05/08/2020
Sáng 5.8, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) Lê Tấn Dũng- Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, tổ chức phiên họp thứ hai để tiếp tục bàn về phương án có tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 hay không.
Kết thúc phiên đàm phán lần 2, có 9/13 thành viên Hội đồng Tiền lương đồng thuận với việc không điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021. Đại biểu của Tổng LĐLĐ không tham gia bỏ phiếu.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đánh giá sau khi đánh giá ý kiến của các bên, tình hình khó khăn về cơ bản đã được nhận diện. Với tình hình hiện nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần tiến hành bỏ phiếu để có ý kiến về những kiến nghị tới Chính phủ.
"Hai nội dung bỏ phiếu, gồm: Không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021 và chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ. Về việc bỏ phiếu, các bên có quyền được bỏ phiếu hoặc không bỏ là tuỳ theo quyền của mình...", ông Thanh nói.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng thời gian vừa qua, với nỗ lực, có trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cấp, các ngành đã duy trì được điều kiện kinh tế, đời sống của người lao động. Tại cuộc họp cho thấy tình hình thực tế của doanh nghiệp hết sức khó khăn.
"Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng của năm 2021 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có các dự báo về tình hình khó khăn, tuy nhiên các dự báo này chưa có cơ sở đầy đủ", ông Quảng nói.
Cụ thể hơn, ông Lê Đình Quảng cho rằng trong trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát, điều kiện kinh tế - xã hội được khắc phục thì bức tranh sức khỏe doanh nghiệp sẽ tươi sáng hơn. Đơn cử như trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4.2020, Đà Nẵng là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên sau khi kết thúc giãn cách, Đà Nẵng đã nhanh chóng khôi phục tình hình kinh tế.
Trong điều kiện thực tế, khi hết giãn cách đợt 1, người Hà Nội vào Đà Nẵng trên 80.000 người và TP.HCM là trên 30.000 người đã tới Đà Nẵng để học tập và du lịch. Điều này cho thấy kinh tế sẽ phục hòi nhanh sau dịch. Tình hình khắc phục dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với việc điều chỉnh tăng lương cho người lao động.
"Các cơ sở lưu trú chỉ cần sử dụng 65% công suất đã đảm bảo có lãi, các dịch vụ khác cũng sẽ phục hồi nhanh. Sức khỏe doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả COVID-19", ông Lê Đình Quảng nhận định.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng cần có sự nhìn nhận khách quan với các dữ liệu đưa ra. Chẳng hạn như con số người lao động thất nghiệp tăng thì thực tế qua các năm đều tăng, riêng năm 2020 thì tình hình khó khăn hơn chứ không phải chỉ đến năm nay mới tăng.
Từ những phân tích nêu trên, tại cuộc họp, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất chưa bàn đến việc điều chỉnh mức lương tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 ở thời điểm này mà vẫn tiếp tục thực hiện theo mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP.
“Chúng tôi đã có 2 phương án. Nếu chưa thống nhất, chúng ta sẽ tạm chưa bàn tới việc điều chỉnh tăng. Tới đầu quý 1 hoặc quý 2 năm 2021, chúng ta sẽ căn cứ tình hình thực tế. Trường hợp thứ 2, chúng ta sẽ xem xét việc điều chỉnh từ sau tháng 7.2021 dựa vào tình hình thực cụ thể lúc đó. Tuy nhiên đề xuất này không được Hội đồng tiền lương chấp thuận”, Đại diện Tổng liên đoàn Lao động cho biết.
Lam Thanh