TP.HCM chuẩn bị gì để đón cơ hội từ EVFTA?
Sự kiện - Ngày đăng : 17:26, 06/08/2020
Đây là một trong các kế hoạch của TP.HCM được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin tại hội nghị trực tuyến “triển khai kế hoạch thực thi hiệp định EVFTA” của Chính phủ diễn ra ngày 6.8.
Tại hội nghị, ông Dương Anh Đức cho biết Liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư, đối tác thương mại truyền thống của TP.HCM. Trong hơn 30 năm qua, EU có 909 dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn 3,17 tỉ USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, EU có 54 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Về thương mại, EU là thị trường xuất siêu truyền thống cũng như là đối tác xuất khẩu thứ 3 và đối tác nhập khẩu thứ 2 của TP.HCM. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang EU đạt 5 tỉ USD, tương đương 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 3,6 tỉ USD. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,7 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỉ USD.
Xét về cơ cấu mặt hàng, sản phẩm xuất nhập khẩu của TP.HCM và EU không đối đầu, không cạnh tranh trực tiếp mà sản phẩm của hai bên bổ trợ cho nhau. TP.HCM chủ yếu xuất vào EU các mặt hàng dệt may, da giày, nông sản các loại và ngược lại, nhập khẩu từ EU máy móc thiết bị sản xuất hiện đại. Do đó, hiệp định EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa thành phố tiếp cận thị trường trên 500 triệu dân của EU.
“TP.HCM không thụ động chờ EVFTA có hiệu lực. Từ khi EU thông báo thông qua EVFTA vào tháng 10.2018, thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc này nhằm đón nhận cơ hội từ EVFTA với trọng tâm là hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa, xem đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp được hưởng thuế xuất ưu đãi từ hiệp định”, ông Đức nói.
Đáng chú ý, ông Đức thông tin TP.HCM xác định 2 nhóm sản phẩm tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU. Thứ nhất là nhóm nông nghiệp, nổi bật là cà phê, hồ tiêu, thủy hải sản, rau củ quả nhiệt đới. Nhóm này chủ yếu từ các tỉnh đưa về TP.HCM chế biến và xuất khẩu đi EU. Thứ hai là sản phẩm công nghiệp, ngoài dệt may, da giày. Ngoài ra, thành phố còn có lợi thế xuất khẩu về công nghệ thông tin và các sản phẩm, dịch vụ nội dung số.
Trên cơ sở này, TP.HCM đã có kế hoạch thực thi EVFTA với những giải pháp cụ thể. Trước hết, nắm rõ nhu cầu của doanh nghiệp, thành phố sẽ tích cực tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp về EVFTA. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, thành phố cũng có thể triển khai tập huấn trực tuyến, phát huy vai trò của các hiệp hội, ngành hàng ở từng địa phương.
Mặt khác, để cải tiến chất lượng, dịch vụ, TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn về EVFTA cho công chức theo từng nhóm, bám sát yêu cầu công việc cụ thể để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Đơn cử như công chức hải quan thì cần tập huấn về quy trình thủ tục các loại thuế suất ưu đãi; công chức ngành công thương cần nắm chắc về xúc tiến, xuất khẩu nông sản, sản phẩm công nghệ thông tin sang EU.
Ngoài ra, TP.HCM còn đề xuất các bộ ngành, các thương vụ, tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường từng nước thành viên EU để thành phố hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Khi mở cửa hội nhập thì hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, do vậy TP.HCM xác định cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và từng sản phẩm của Việt Nam.
“Doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là sản xuất vừa và nhỏ, nên thành phố tiếp tục triển khai phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối sản xuất vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển số.
TP.HCM xác định đẩy mạnh liên kết vùng để gia tăng thế mạnh của từng địa phương. Trên thực tế, hầu hết nông sản xuất khẩu đi EU qua cửa khẩu TP.HCM là nông sản từ các tỉnh và ngược lại nhập khẩu máy móc, thiết bị từ EU là để trang bị cho các tỉnh. Điều này cho thấy TP.HCM giữ vai trò cửa ngõ xuất nhập khẩu với thị trường EU của cả khu vực phía nam.
Vì vậy, chiến lược của TP.HCM là phát triển dịch vụ hỗ trợ, phát triển hạ tầng logistic để cùng các tỉnh đưa hàng hóa vào EU nhanh hơn, với chi phí thấp hơn. Sắp tới, TP.HCM sẽ ban hành đề án phát triển logistic đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên tinh thần phát huy liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thành Đông và Tây Nam Bộ. Đề án này sẽ giúp doanh nghiệp phía nam giảm được chi phí xuất nhập khẩu, khai thác tốt cơ hội từ EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác”, ông Đức nói thêm.
Phan Diệu