Bọ cánh cứng sống sót thần kỳ sau khi tẩu thoát khỏi hậu môn ếch
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 19:41, 06/08/2020
Bọ cánh cứng Regimbartia attothyata trốn thoát thần kỳ sau khi bị ếch nuốt sống
Một nghiên cứu mới nhất của tiến sĩ Shinji Sugiura, nhà sinh thái học tại Đại học Kobe (Nhật Bản) được công bố trên tạp chí Current Biology hôm 3.8, đã báo cáo về sự sống sót của bọ cánh cứng dưới nước Regimbartia attothyata thoát ra từ lỗ bài tiết của năm loài ếch thông qua đường tiêu hóa. Ông Shinji Sugiura cho rằng bọ cánh cứng đã phát triển một cách tự vệ trước ếch trong môi trường đầm lầy và tiến hành thí nghiệm để tìm hiểu.
Việc sống sót qua hệ tiêu hóa của động vật ăn thịt là rất hiếm nhưng không phải là chưa từng thấy. Một số con ốc vẫn an toàn sau khi bị nuốt vào trong bụng cá và chim bằng cách khóa kín mình bên trong vỏ, chờ đợi hệ tiêu hóa của những kẻ săn mồi đào thải ra bên ngoài. Tuy nhiên, nghiên cứu mới về loài bọ Regimbartia attothyata là lần đầu tiên ghi nhận hiện tượng con mồi chủ động tìm đường trốn thoát qua hậu môn của kẻ săn mồi.
Tháng 9.2019, ông Sugiura cho ếch Pelophylax nigromaculatus nuốt chửng bọ cánh cứng trưởng thành trong phòng thí nghiệm. Ông đoán rằng ếch sẽ nôn bọ cánh cứng ra ngoài. Nhưng khoảng 105 phút sau, ông kinh ngạc khi thấy con bọ bắt đầu chui ra từ hậu môn ếch.
Thí nghiệm với hơn 30 cặp bọ - ếch, ông phát hiện rằng hơn 93% con bọ sống sót sau khi bị ếch đớp. Tỉ lệ này vượt xa tất cả những loài vật từng được biết đến với khả năng sống sau khi lọt vào bụng kẻ săn mồi. Chúng thường bị lẫn trong viên phân nhưng sẽ hồi phục ngay lập tức. Chúng tiếp tục sống và hoạt động bình thường thêm ít nhất hai tuần.
Một số loài bọ khác trong thí nghiệm không may mắn như vậy. Khi Sugiura thử cho ếch ăn bọ Enochrus japonicas, toàn bộ con mồi chết bên trong cơ thể ếch và được thải ra một phần sau hơn 24 giờ.
Con đường từ miệng đến hậu môn ếch gồm thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già. Khi một con bọ bị nuốt, hành trình đi qua con đường ẩm ướt và thiếu không khí này cần ít nhất 6 phút. Trong thí nghiệm, phần lớn chúng chui ra sau 1-6 tiếng kể từ khi bị nuốt chửng. Tuy nhiên, ếch thường không bài tiết nhanh như vậy sau bữa ăn. Điều này nghĩa là bọ Regimbartia attenuate chủ động kích thích ếch bài tiết thay vì thụ động chờ đợi.
Để kiểm tra xem chúng có sử dụng chân để trốn thoát hay không, trong một thí nghiệm khác, ông Sugiura dùng sáp buộc chân bọ cánh cứng lại để xem nó có thể tự di chuyển qua đường tiêu hóa của ếch hay không. Ông đã phát hiện ra rằng tất cả những con bọ cánh cứng bị buộc chân đều không thể sống sót và được thải ra trong phân ếch sau 24 giờ.
Nhà nghiên cứu Sugiura cho biết, bọ cánh cứng có thể kích thích ruột ếch nhằm thúc đẩy sự bài tiết để chúng nhanh chóng trốn thoát ra bên ngoài. Theo nghiên cứu, các hành vi tương tự cũng được quan sát thấy ở bốn loài ếch khác.
"Đây là nghiên cứu đầu tiên về việc con mồi chủ động thoát ra từ hậu môn của kẻ đi săn, đồng thời cho thấy nó có thể kích thích sự bài tiết để đẩy nhanh quá trình tẩu thoát", ông Sugiura nói và cho biết cần nhiều thí nghiệm hơn để hiểu rõ cách loài bọ này làm ếch thả lỏng các cơ thắt.
Tuy nhiên, ông cũng dự đoán chúng dùng cơ thể và chân và để kích thích ruột già của ếch. Nhà sinh thái học người Nhật dự kiến sẽ kiểm tra giới hạn khả năng của loài bọ này bằng cách ghép chúng với những con ếch to hơn, cóc và thậm chí là cá.
Trang Nhung (theo Live Science)