Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại hoạt động ‘gây bất ổn’ của Trung Quốc ở Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 08:09, 07/08/2020
Lời kêu gọi này được đưa ra khi mối quan hệ Mỹ - Trung đã nhanh chóng xấu đi trong năm nay vì một loạt vấn đề, bao gồm việc Bắc Kinh xử lý COVID-19, Huawei, yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và dự luật an ninh Hồng Kông.
"Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuân thủ luật pháp, quy chuẩn và thông lệ quốc tế, cũng như đáp ứng các cam kết của mình”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói với phóng viên hôm 6.8, đồng thời tiết lộ thêm rằng cuộc điện đàm giữa quan chức quốc phòng hai nước kéo dài một tiếng rưỡi.
Trong một tuyên bố riêng sau đó, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết hai bên thống nhất sẽ “phát triển hệ thống cần thiết cho liên lạc trong khủng hoảng và giảm thiểu nguy cơ".
Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm nói trên, “Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa đã kêu gọi phía Mỹ ngừng những lời nói và hành động sai trái, cải thiện việc quản lý và kiểm soát các rủi ro hàng hải, tránh thực hiện các động thái nguy hiểm có thể làm leo thang tình hình và bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tháng trước cũng đã nhấn mạnh rằng ông hy vọng sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay để cải thiện các kênh “liên lạc trong khủng hoảng” và giải quyết các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.
"Trước khi năm nay kết thúc, tôi muốn thăm Trung Quốc, lần đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực có lợi ích chung, thiết lập các hệ thống cần thiết phục vụ đối thoại trong thời kỳ khủng hoảng, đồng thời củng cố ý định cạnh tranh công khai trong hệ thống quốc tế của chúng tôi", người đứng đầu Lầu Năm Góc cho hay.
Trung Quốc thời gian qua đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ vào năm 2016.
Washington gần đây đã liên tiếp gửi đi nhiều thông điệp chỉ trích Bắc Kinh về các hoạt động được miêu tả là "vi phạm luật pháp quốc tế", "bắt nạt các nước láng giềng" và "gây bất ổn" tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20.7 tuyên bố Washington coi việc Bắc Kinh theo đuổi các nguồn tài nguyên ở Biển Đông là hành vi trái pháp luật, đồng thời khẳng định ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Trước đó, ông Pompeo cũng đã công bố lập trường mới của Mỹ, công khai ủng hộ phán quyết của PCA, phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hoàng Vũ (theo Reuters)